Thị trường

50.000 doanh nghiệp ICT và khẩu hiệu 'Make in Vietnam'

(VNF) - Với khẩu hiệu "Make in Vietnam", Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được kỳ vọng là khởi đầu quan trọng, tạo động lực thúc đẩy, phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).

50.000 doanh nghiệp ICT và khẩu hiệu 'Make in Vietnam'

Doanh thu ngành ICT năm 2018 ước đạt 98,9 tỷ USD

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), năm 2018, Việt Nam có hơn 50.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Nếu không tính các doanh nghiệp phân phối và bán lẻ, số lượng doanh nghiệp ICT là trên 30.000 doanh nghiệp.

Doanh thu ngành ICT năm 2018 ước đạt 98,9 tỷ USD, tăng trưởng 8%. Trong đó công nghiệp phần cứng – điện tử đạt 88 tỷ USD, công nghiệp phần mềm đạt 4,3 tỷ USD, dịch vụ công nghệ thông tin đạt 5,7 tỷ USD và công nghiệp nội dung số trên 800 triệu USD.

Tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 94 tỷ USD, xuất siêu khoảng 26 tỷ USD. Cũng trong năm này, công nghiệp công nghệ thông tin ước tính đóng góp gần 50.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành ICT, ngày 9/5 tới đây, Bộ TT&TT lần đầu tiên tổ chức sự kiện Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” cùng khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam”.

Lý giải về sự chuyển đổi từ "Made in Vietnam" thành "Make in Vietnam", bà Tô Thị Thu Hương, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin - Bộ TT&TT, cho biết từ cuối năm 2018, Bộ đã tính tới việc cần có một khẩu hiệu cho việc phát triển ngành công nghiệp ICT của Việt Nam.

"Nhiều ý kiến được đưa ra nhưng chưa có sự tính toán một cách thấu đáo, cụ thể", bà nói và cho biết dù Bộ đã tham khảo, học tập từ Hàn Quốc, Ấn Độ cũng như các mô hình phát triển khác.

"Sau đó, chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất thông điệp Make in Vietnam. Đây là câu tiếng Anh, đọc qua một lượt sẽ thấy sai sai nhưng nó có hiệu ứng truyền thông. Chính vì nghĩ là sai nên người ta sẽ phải đọc lại, việc đọc lại sẽ khiến họ phải suy ngẫm", bà Hương nói.

Theo lý giải của bà Hương, cụm từ thường thấy là "Made in Vietnam" với động từ chia ở thể bị động, thể hiện sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam. Trong khi đó, "Make in Vietnam" lại hàm nghĩa sự chủ động, khát khao sáng tạo, làm chủ của người Việt trong công nghệ.

Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ, sớm hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển.

Tin mới lên