Tài chính quốc tế

50.000 tài khoản Trung Quốc trên Amazon 'bay màu' vì mua đánh giá giả với đủ chiêu trò

(VNF) - Động thái mạnh tay của Amazon khiến hàng loạt người bán hàng Trung Quốc nhận kết đắng.

50.000 tài khoản Trung Quốc trên Amazon 'bay màu' vì mua đánh giá giả với đủ chiêu trò

50.000 tài khoản Trung Quốc trên Amazon 'bay màu' vì mua đánh giá.

Theo Global Times, Amazon đang chấn chỉnh các đối tác bán hàng trên nền tảng của mình với động thái đầu tiên là xoá hoàn toàn 50.000 tài khoản của Trung Quốc khiến doanh thu ước tính 100 tỷ nhân dân tệ (15,4 tỷ USD) tiêu tan.

Được biết, các nhà sản xuất Trung Quốc làm mọi sản phẩm từ tai nghe không dây tới các món đồ dùng nhà bếp với mục tiêu chiếm thị trường Mỹ. Họ sử dụng chương trình Fulfillment của Amazon, cho phép các bên bán hàng là bên thứ 3 tích trữ hàng hoá trong kho và để Amazon vận chuyển, trả và trao đổi hàng hoá.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất này còn tạo điều kiện để người bán tặng rất nhiều phần quà cho người mua, thậm chí là tiền mặt để nhận về những đánh giá tốt cho sản phẩm của họ, cho dù đó là những sản phẩm nhái, kém chất lượng. Ngoài ra, đã có rất nhiều hình thức ưu đãi đánh giá khác được áp dụng như bảo hành mở rộng miễn phí, chiết khấu, hoàn tiền hoặc thẻ giảm giá.

Amazon từng chấp nhận những chiêu thức bán hàng như vậy bởi thực tế, những tài khoản bán hàng Trung Quốc mang lại nguồn cung phong phú, đa dạng với giá cả phải chăng, hấp dẫn người sử dụng.

Tuy nhiên, kể từ năm 2016, Amazon đã có những động thái bắt đầu không đồng tình với việc này. Gã khổng lồ công nghệ nhận ra việc tặng quà sẽ làm tổn hại tới đánh giá của khách hàng. Nhiều người bán chống đối những quy định mới bằng việc tuyển người mua trên Facebook và trả tiền cho họ qua PayPal để lách luật của Amazon khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.

Trong nhiều năm, hàng giả đã nở rộ trên trang web của Amazon và các điều khoản dịch vụ của Amazon cho phép nền tảng này tránh khỏi trách nhiệm pháp lý khi khách hàng của họ phàn nàn về các sản phẩm trên thị trường bị cáo buộc là kém chất lượng hoặc bị lỗi.

Tuy nhiên, các quy định quá lỏng lẻo khiến danh tiếng của họ bị tổn hại rất nhiều. Người sử dụng lúc này chỉ đánh giá "sản phẩm mua trên Amazon rất tệ" mà không quan tâm nguồn gốc từ đâu.

Bắt đầu từ quý II/2021, các nhà quan sát trong ngành thương mại điện tử Trung Quốc cho biết, Amazon đã thay đổi quy định và tiến hành đình chỉ một vài nhà bán lẻ nhỏ, đóng băng hàng của họ tại các kho hàng ở Mỹ.

Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Xuyên biên giới Thâm Quyến, đến nay đã có hơn 50.000 tài khoản bán lẻ của Trung Quốc đã bốc hơi trên nền tảng này, dẫn đến doanh thu dự kiến khoảng 15,4 tỷ USD đã không cánh mà bay.

Bên cạnh đó, nhiều người bán hàng lâm vào tình thế không thể hoàn hàng về nhà sản xuất, không thể vay thế chấp ngân hàng, toàn bộ nhân viên bị thất nghiệp và lợi nhuận cũng chỉ là con số 0.

Chính sách của Amazon nhằm ngăn chặn hành vi sai trái của các bài đánh giá giả mạo áp dụng cho tất cả người bán, nhưng dựa trên dữ liệu được theo dõi bởi nhà tư vấn dữ liệu Marketplace Pulse có trụ sở tại New York, tất cả các tài khoản bị tạm ngưng gần đây đều có trụ sở tại Trung Quốc.

Theo đó, Amazon lên tiếng bác bỏ những cáo buộc rằng họ trừng phạt không công bằng với các công ty Trung Quốc: "Chúng tôi tuân thủ nguyên tắc công bằng và xử lý vi phạm của người bán mà không phân biệt đối xử, bất kể quy mô kinh doanh của người bán hay quốc gia hoặc khu vực".

Ngày 14/8, một đại diện của Amazon đã nhắc lại quan điểm: "Chúng tôi không chấp nhận các bài đánh giá giả mạo hoặc trả phí từ bất kỳ người bán nào. Chúng tôi luôn ưu tiên bảo vệ nền tảng của mình khỏi những vấn đề gian lận và lạm dụng, đồng thời thực hiện các hành động thích hợp để buộc những kẻ xấu phải chịu trách nhiệm".

Bắt đầu từ tháng 9/2020, Amazon có kế hoạch trả cho khách hàng số tiền lên đến 1.000 USD cho các khiếu nại về trách nhiệm sản phẩm và tổn hại cá nhân liên quan đến hàng hóa được mua từ người bán bên thứ ba trên trang web của họ. Kế hoạch này cho thấy sự quyết liệt của Amazon để khắc phục những tai tiếng không đáng có.

Một trong những nạn nhân trong đợt càn quét của Amazon là Công ty Công nghệ và Mạng lưới Thâm Quyến Qianhai Patozon, hãng sản xuất thương hiệu tai nghe bán chạy trước đây là Mpow, đã có mặt trên Amazon kể từ tháng 4 năm nay.

Công ty đã đưa ra một bức thư công khai vào tháng 5 nói rằng họ đang liên lạc với Amazon và tích cực nộp đơn xin phục hồi hoạt động bán hàng với thái độ tích cực. Nhưng trong tháng này, một nguồn tin cho biết công ty đã tạm dừng hoạt động nhóm nghiên cứu và phát triển, khuyến khích nhân viên tìm kiếm việc làm ở nơi khác.

Được biết, cuộc thanh lọc của Amazon diễn ra sau khi có báo cáo về một vụ vi phạm dữ liệu hồi tháng 5, làm lộ trao đổi giữa người bán trên Amazon và người viết đánh giá giả mạo.

Ngay sau đó, tờ Recode đã báo cáo rằng Ủy ban Thương mại Liên bang muốn Amazon làm quyết liệt hơn nữa để chống lại các đánh giá sản phẩm giả mạo.

Xem thêm >> Người giàu Trung Quốc lại ‘chột dạ’ sau tuyên bố của ông Tập Cận Bình

Tin mới lên