Tài chính quốc tế

6 điểm đáng chú ý trong báo cáo quốc hội thường niên của Trung Quốc

Bản báo cáo của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trước Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc hôm 5/3 đã đề cập đến hàng loạt kế hoạch kinh tế, xã hội, quốc phòng trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt với thách thức chưa từng có trong hàng chục năm qua.

6 điểm đáng chú ý trong báo cáo quốc hội thường niên của Trung Quốc

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc ngày 5/3. (Ảnh: Reuters)

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 5/3 đã đọc bản báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng tại kỳ họp quốc hội mới. SCMP đã liệt kê ra 6 điểm đáng chú ý trong bản báo cáo.

Hạ mục tiêu tăng trưởng

Báo cáo chỉ ra, Trung Quốc phải "sẵn sàng cho một cuộc chiến gian khó" để đối phó các thách thức và rủi ro đối với nền kinh tế trong năm nay. Theo đó, chính phủ Trung Quốc hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay xuống mức 6-6,5%, từ 8,1% năm ngoái, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng nâng tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP lên 2,8%, từ mức 2,6% năm 2018.

Bắc Kinh thừa nhận, các bất đồng thương mại với Mỹ đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc cũng như kỳ vọng của thị trường.

Cắt giảm thuế

Chính phủ Trung Quốc công bố cắt giảm 3% thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước xuống còn 13%. Mức thuế này với các doanh nghiệp vận tải và xây dựng cũng được cắt giảm 1% xuống còn 9%.

Cắt giảm thuế giá trị gia tăng là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, để ổn định xã hội và thị trường việc làm. Ngoài ra, một trong các biện pháp được áp dụng là giảm giá điện sản xuất.

Không đề cập “Made in China 2025”

Một trong những điểm đáng lưu ý trong báo cáo năm nay của ông Lý Khắc Cường đó là không đề cập đến cụm từ "Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025" “Made in China 2025”. Ba năm trước đó, cụm từ này luôn được đề cập trong các bản báo cáo của chính phủ Trung Quốc. “Made in China 2025” là một chính sách chiến lược của Trung Quốc nhằm đạt được tham vọng thống lĩnh trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao. Tuy nhiên, chương trình này là một trong những “điểm nóng” trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tuy không đề cập đến cụm từ này, song trong bài phát biểu kéo dài 100 phút của mình, ông Lý Khắc Cường vẫn nhấn mạnh đến việc chính phủ Trung Quốc cần thúc đẩy cải tiến công nghệ, hiện đại hóa lĩnh vực dịch vụ, đầu tư mạnh vào các ngành công nghiệp mới nổi như công nghệ thông tin thế hệ mới, dược phẩm sinh học...

Nợ công

Do kế hoạch cắt giảm thuế, tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trong bối cảnh kinh tế suy giảm, chính phủ Trung Quốc cho phép tăng nợ công. Cụ thể, chính phủ Trung Quốc cho phép các chính quyền địa phương phát hành 2,15 nghìn tỷ Nhân dân tệ (320 tỷ USD) trái phiếu đặc biệt và khoản nợ trái phiếu này không tính vào nợ công. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tiếp tục cho phép các chính quyền địa phương phát hành các trái phiếu thay thế các hình thức vay nợ khác để chính quyền địa phương chỉ phải trả lãi suất thấp hơn.

Tăng ngân sách quốc phòng

Ngân sách quốc phòng năm 2019 của Trung Quốc sẽ tăng 7,5%, đánh dấu năm thứ 4 liên tiếp mức tăng này dưới 10%. Ông Lý Khắc Cường nói rằng, Trung Quốc cần hiện đại hóa quân đội hơn nữa và nâng cao mức độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội.

Phúc lợi xã hội

Báo cáo nói rằng, chính phủ Trung Quốc sẽ tìm cách cải thiện phúc lợi xã hội trong năm 2019, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và y tế.

Chính phủ Trung Quốc cam kết rằng, lợi ích của người dân sẽ không bị ảnh hưởng khi chính phủ thắt chặt chi tiêu và phải đối mặt với hàng loạt thách thức phía trước.

Kỳ họp thứ hai Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa 13 đã khai mạc vào sáng 5/3 tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Kỳ họp có sự tham gia của khoảng 3.000 đại biểu.

Kỳ họp sẽ kéo dài 2 tuần và trong thời gian này các đại biểu quốc hội Trung Quốc sẽ thảo luận hàng loạt vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng và thông qua một số dự luật quan trọng.

Giới chuyên gia cho rằng, kỳ họp năm nay sẽ thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt với thách thức chưa từng có trong hàng chục năm qua.

Xem thêm >> Tỉ lệ ủng hộ hai Tổng thống Trump và Putin bất ngờ tăng trở lại

Tin mới lên