Thị trường

6 tháng đầu năm: Giá vàng trong nước tăng 6,6%, vàng thế giới giảm hơn 8%

(VNF) - Trên thị trường thế giới, vàng đã mất hơn 8% giá trị trong 6 tháng đầu năm 2022. Riêng tháng 6/2022, vàng đã giảm hơn 2% và là tháng sụt giảm thứ ba liên tiếp.

6 tháng đầu năm: Giá vàng trong nước tăng 6,6%, vàng thế giới giảm hơn 8%

Giá vàng trong nước tăng 6,63%, vàng thế giới giảm hơn 8% trong 6 tháng đầu năm 2022 (ảnh minh họa)

Hôm nay (2/7), vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) chốt giá phiên giao dịch cuối tuần với giá niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 68,2 - 68,8 triệu đồng/lượng. So với 1 tuần trước, giá vàng trong nước hôm nay tăng 350.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, và tăng 150.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Giá vàng thế giới ngày 2/7 đang ở mức 1.813,5 USD/ouce, giảm gần 13 USD/ounce so với 1 tuần trước.

So với mức giá ở phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021, giá vàng SJC giao dịch ở mức 61 triệu đồng/lượng, tính sau 6 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư vẫn còn lãi 7,8 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên so với mức giá đỉnh kỷ lục ngày 8/3 là 74,4 triệu đồng/lượng, giá vàng đã giảm gần 5,6 triệu đồng mỗi lượng.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại hôm nay cũng được điều chỉnh giảm, mua bán quanh mức 53,25- 54,2 triệu đồng/lượng, so với 1 tuần trước thì giá vàng trang sức đã giảm khoảng 450.000 đồng mỗi lượng.

Lần đầu tiên sau nhiều tháng, khoảng cách chênh lệch giá mua vào - bán ra của vàng SJC hôm nay được giữ ở mức 600.000 đồng/lượng, thấp nhất kể từ tháng 3/2022 đến nay.

Khoảng cách chênh lệch giá vàng thế giới và vàng trong nước hôm nay cũng biến động theo giá vàng. Quy đổi theo tỷ giá, giá vàng thế giới đang thấp hơn giá vàng SJC 16 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới ngày 2/7 đã thế giới kết thúc phiên giao dịch cuối tuần tại 1.813,5 USD/ounce. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch này có thời điểm giá vàng xuống còn 1.790 USD/ounce, mức giá thấp nhất trong nhiều tháng qua. Nhưng sau đó, giá vàng thế giới bất ngờ vọt lên, do thị trường chứng khoán quốc tế biến động trái chiều, khiến một phần dòng tiền từ cổ phiếu chảy vào thị trường vàng, hỗ trợ cho sự hồi phục của giá vàng thế giới.

Giá vàng thế giới giao tương lai tháng 8 trên sàn Comex New York ở mức 1.801,5 USD/ounce. Theo nhà phân tích cấp cao tại Kitco Metals, vàng khép lại quý này trong xu hướng giảm do các đề xuất chính sách thắt chặt hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ngoài ra, có nhiều khả năng những lo lắng về suy thoái kinh tế sẽ làm giảm nhu cầu đối với nhiều loại hàng hóa. 

Ngày 30/6, chính phủ Ấn Độ thông báo tăng thuế nhập khẩu vàng từ 7,5% lên 12,5%. Ấn Độ là nước tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc. Tại Mumbai, giá vàng giao sau trong nước đã ghi nhận mức tăng 4% chỉ trong một phiên giao dịch do chi phí nhập khẩu tăng cao.

Tại thị trường châu Á, giá kim loại quý cũng đi xuống trong phiên giao dịch ngày 1/7. Chính sách tiền tệ thắt chặt từ các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới và đồng USD mạnh đã làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý này.

Theo tổng cục Thống kê Việt Nam, chỉ số giá vàng tháng 6/2022 giảm 1,14% so với tháng trước; tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 6 tháng đầu năm 2022 giá vàng tăng 6,63%.

Trên thị trường thế giới, so với mức 1.830 USD/ounce ngày 1/1/2022, hiện kim loại quý đã để mất hơn 8% giá trị sau 6 tháng đầu năm. Quý II/2022 cũng ghi nhận quý giao dịch tồi tệ nhất kể từ quý I/2021. Riêng tháng 6/2022, vàng đã giảm hơn 2% và là tháng sụt giảm thứ ba liên tiếp.

Trong vài tuần qua, vàng vẫn bị mắc kẹt trong biên độ giao dịch hẹp ở mức thấp 1.800 USD/ounce.

Mặc dù vậy, một số nhà kinh doanh vàng vẫn nhìn ra lý do để lạc quan về triển vọng trong ngắn hạn của kim loại quý này. Theo đó, thị trường chứng khoán bất ổn và thị trường tiền điện tử suy giảm nhanh lại hỗ trợ vàng như một loại tài sản trú ẩn an toàn.

Từ khoá: vàng, giá vàng, vàng miếng, PNJ, SJC,
Tin mới lên