Ngân hàng

600.000 tỷ đồng nợ xấu: 90% là tiền của dân, 10% là của ngân hàng

(VNF) – "Trong 600.000 tỷ đồng nợ xấu có tới 90% là tiền của dân, 10% là của ngân hàng", đại biểu Nguyễn Văn Thắng, đoàn TP.Hà Nội, đồng thời là Chủ tịch HĐQT VietinBank nhấn mạnh.

600.000 tỷ đồng nợ xấu: 90% là tiền của dân, 10% là của ngân hàng

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thắng đoàn TP.Hà Nội, đồng thời là Chủ tịch HĐQT VietinBank

Sáng nay (7/6), Quốc hội đã có phiên thảo luận về Nghị quyết xử lý nợ xấu. Tại nghị trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thắng đoàn TP.Hà Nội cho biết, tại Việt Nam, qua thống kê cho thấy nợ xấu cao đột biến bắt đầu từ năm 2012, lên đến 17% và tiếp tục phát sinh trong những năm tiếp theo.

Ông Thắng bày tỏ, mặc dù ngành ngân hàng đã nỗ lực xử lý, nhưng nợ xấu và nợ tiềm ẩn hiện vẫn chiếm xấp xỉ 600.000 tỷ đồng, tức chiếm hơn 10% tổng dư nợ.

"Việt Nam là quốc gia duy nhất có nợ xấu vượt 10% tổng dư nợ mà không có tổ chức tín dụng nào đổ vỡ, đó là sự cố gắng rất lớn", Chủ tịch VietinBank đánh giá.

Theo ông Thắng, trong 600.000 tỷ đồng nợ xấu thì có tới 90% là tiền của dân, 10% là tiền của ngân hàng.

"Cho nên việc cấp bách xử lý, ban hành cơ chế đặc thù để bảo vệ cho người dân, người gửi tiền trong hệ thống. Làm sao chúng ta phải vận hành đưa 600.000 tỷ đồng quay trở lại nền kinh tế khi mà nguồn lực còn hạn chế, số tiền này đủ xây dựng được 3 sân bay Long Thành", ông Thắng lên tiếng tại nghị trường.

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng

Theo Chủ tịch VietinBank Nguyễn Văn Thắng, trong 600.000 tỷ đồng nợ xấu thì có tới 90% là tiền của dân, 10% là tiền của ngân hàng.

Chủ tịch VietinBank cho rằng, cốt lõi của Nghị quyết là ban hành các cơ chế thu giữ và xử lý tài bảo đảm. Hiện nay đã có cơ chế mua bán nợ nhưng chưa hoàn chỉnh, thiếu hụt hàng hóa trầm trọng, đặc biệt là những hàng hóa có giá trị là các khoản nợ gắn với bất động sản do chưa đủ điều kiện pháp lý để đưa ra giao dịch. Bên cạnh đó, lực lượng tham gia thị trường với tư cách là người mua còn rất hạn chế do quy định về điều kiện để tham gia.

Vấn đề thị trường mua bán nợ cũng là tâm tư của nhiều vị đại biểu Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hải đoàn Hà Giang nhìn nhận, thực tế hiện nay có nhiều khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo có giá trị thấp hơn sổ sách nhưng luật pháp chưa cho bán nợ dưới giá thị trường nên TCTD không thể xử lý được, nhiều tài sản đảm bảo phải bỏ không, điều này gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý rằng, Nghị quyết cần bổ sung các yêu cầu về bán tài sản đảm bảo công khai, minh bạch để các TCTD không lợi dụng việc bán giá thấp hơn giá thị trường để hưởng lợi ích nhóm.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Phú Quốc đoàn TP.HCM nêu góc cạnh khác. Ông Quốc nhận định, cái được trong nợ xấu của nền kinh tế nước ta là tài sản, có được tài sản đảm bảo bán được nhưng TCTD lại rất khó vì bán cho nước ngoài thì vướng "room" nhà đầu tư nước ngoài. Đối với các TCTD và doanh nghiệp trong nước thì nguồn lực nhỏ lẻ không đủ sức mua.

Đại biểu Phạm Phú Quốc

Đại biểu Phạm Phú Quốc đánh giá, TCTD rất khó bán tài sản bảo đảm cho nước ngoài thì vướng "room" ngoại

"Vấn đề là phải tạo được thị trường mua bán nợ với sự tham gia của các thành phần kinh tế và người dân", đại biểu Quốc nhấn mạnh.

Về phạm vi xử lý nợ xấu, vẫn có những ý kiến khác nhau từ các đại biểu Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hải đoàn Hà Giang không thực sự đồng tình với việc khoanh vùng nợ xấu đến 31/12/2016 để tránh bị lợi dụng chuyển nợ không xấu thành nợ xấu. Ông cho rằng lo lắng về việc bị lợi dụng trên là không đáng ngại vì các quy định về nợ xấu rất chặt chẽ.

"Chẳng ai muốn nợ không xấu thành nợ xấu, cũng như không ai muốn ốm để được uống sữa", đại biểu Hải ví von.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hải

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hải cho rằng không nên lo lắng chuyện TCTD có thể lợi dụng chuyển nợ không xấu thành nợ xấu, bởi "không ai muốn ốm để được uống sữa"

Ở một quan điểm khác, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đoàn TP.Cần Thơ đề nghị giới hạn thời hạn xử lý nợ xấu đến 31/12/2016 để hạn chế nợ xấu phát sinh. Bên cạnh đó phải bổ sung việc xử lý nợ xấu không dùng ngân sách và xử lý nghiêm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu.

Cùng quan điểm, đại biểu Đỗ Văn Sinh đoàn Quảng Trị đồng tình với việc cho phép xử lý các khoản nợ xấu đã và sẽ xảy ra đến hết thời hạn hiệu lực của Nghị quyết trong vòng 5 năm.

Đại biểu Sinh cũng lưu ý, một số ngân hàng đang là con tin của các tập đoàn lớn, đây là một vấn nạn hiện nay, vì vậy để phát triển hệ thống chính trị cần chung tay xử lý nợ xấu, đặc biệt không có vùng cấm cho các tổ chức, cá nhân vi phạm, thao túng gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế.

Tin mới lên