Tài chính quốc tế

7 tháng, 1 tỷ USD từ 'thiên đường thuế' BVI: Thấy gì từ khoản đầu tư của các doanh nghiệp, quỹ ngoại?

(VNF) - Trong số 1 tỷ USD từ "thiên đường thuế" British Virgin Islands (BVI) rót vào Việt Nam 7 tháng đầu năm nay, có gần 850 triệu USD được đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần.

7 tháng, 1 tỷ USD từ 'thiên đường thuế' BVI: Thấy gì từ khoản đầu tư của các doanh nghiệp, quỹ ngoại?

Dragon Capital, một "đại diện" đáng chú ý có nguồn gốc đăng ký ở BVI

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng đầu năm 2017, British Virgin Islands (quần đảo Virgin thuộc Anh – BVI) đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam với số vốn lên tới 1,08 tỷ USD.

Trong đó, gần 850 triệu USD được các nhà đầu tư BVI rót vào Việt Nam thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần. Với 850 triệu USD này, BVI trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức này.

Tính lũy kế đến nay, các nhà đầu tư từ BVI đã rót tổng cộng hơn 21,4 tỷ USD vào Việt Nam, đứng thứ 5 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam sau Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Đài Loan.

BVI không phải là cái tên xa lạ gì khi nơi đây được mệnh danh là "thiên đường thuế" cùng với nhiều thiên đường thuế khác như Singapore, Panama hay Hồng Kông, Cayman, Bermuda, Luxembourg, Bahamas,… 


British Virgin Islands (BVI) là một trong những "thiên đường thuế" như thế. BVI là quần đảo với diện tích chỉ vỏn vẹn 153 km2, là một lãnh thổ hải ngoại của Anh ở khu vực biển Caribe.

Nhờ những lợi thế về ưu đãi thuế, tính bảo mật cao, thủ tục thành lập dễ dàng... BVI không ngừng thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ và khẳng định thương hiệu "thiên đường thuế" số một trên thế giới. 

Với dân số của BVI chỉ khoảng 28.000 người, nhưng hiện tại đây đã có khoảng 850.000 doanh nghiệp toàn cầu "đóng đô" trụ sở đăng ký tại đây để rót vốn FDI đến sang các quốc gia khác. 

Quỹ đầu tư nước ngoài Dragon Capital được thành lập vào năm 1994 tại BVI đã rót hàng tỷ USD vốn đầu tư vào các dự án tại Việt Nam và vào hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam như Vinamilk, Vietjet, MBBank, Hòa Phát, Novaland, ACB, FPT, Thế giới Di động, ACV,... và nhiều dự án bất động sản trên toàn quốc.

Mới đây, Dragon Capital đã trở thành cổ đông lớn của Công ty Chứng khoán Bản Việt (mã: VCI) khi mua thêm 1.116.710 cổ phiếu VCI và nâng khối lượng sở hữu lên hơn 5,2 triệu đơn vị tương đương 5,08% vốn điều lệ. Dragon Capital cũng mua cổ phiếu của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Hàng loạt công ty quản lý quỹ đầu tư nước ngoài lớn khác như Indochina Capital Adviser, Vietnam Asset Management Ltd, VinaCapital Investment Management Ltd, PXP Vietnam Asset Management Ltd, Vietnam Holding Asset Management Ltd, Clear Water Capital Partner Singapore PTE Ltd cũng đăng ký đầu tư đến Việt Nam với địa chỉ đặt ở quần đảo này.

Cũng nhắc lại rằng, trong danh sách 189 cá nhân bao gồm 101 người Việt, gốc Việt và 88 cá nhân nước ngoài liên quan đến Việt Nam trong Hồ sơ Panama, nhiều người có liên quan đến các công ty nước ngoài đăng ký đặt ở cùng một địa điểm: "thiên đường thuế" BVI.

Trong "Hồ sơ Panama" , thống kê cho thấy nơi đây có đến 113.648 công ty offshore (công ty được thành lập ở nước ngoài) do hãng luật Mosack Fonseca đứng ra làm đại diện đăng ký tại đây. 

Nhiều tập đoàn đa quốc gia khổng lồ như Procter & Gamble (P&G), nhà sản xuất CPU máy tính Intel thông qua các chi nhánh của họ tại BVI để rót vốn đầu tư vào Việt Nam.

Một số tổ chức tài chính tên tuổi trên thế giới hiện diện tại BVI bao gồm Barclays Bank, HSBC, Barrington Bank, First Bank Virgin Islands, First Caribbean International Bank, VP Bank (BVI) Limited. Trong đó, HSBC đang đầu tư tại Việt Nam.

Ở một khía cạnh khác, cũng bởi các quy định quá thông thoáng nên những các quốc gia và vùng lãnh thổ được coi là "thiên đường thuế" như BVI nằm trong danh sách nghi ngờ là nơi dung túng cho việc trốn thuế và dẫn đến mối lo ngại về hoạt động không hợp lệ của các doanh nghiệp như rửa tiền, chuyển giá, thao túng hoặc tài trợ khủng bố.

Tin mới lên