Tài chính

74% số doanh nghiệp muốn cơ quan thuế 'tiếp tục đơn giản hóa các TTHC thuế'

(VNF) - Tổng cục Thuế vừa phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức Hội thảo công bố: “Báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp (DN) năm 2019”.

74% số doanh nghiệp muốn cơ quan thuế 'tiếp tục đơn giản hóa các TTHC thuế'

Ảnh minh hoạ.

Báo cáo là kết quả hợp tác giữa VCCI và Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) nhằm phản ánh những đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam về cải cách TTHC thuế cũng như ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan chức năng liên quan tới TTHC thuế trong năm 2019. Đây là lần thứ 3 báo cáo được thực hiện sau các cuộc khảo sát vào năm 2014 và 2016.

Trình bày kết quả khảo sát, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết: Kết quả chung đánh giá sự hài lòng của DN với cơ quan thuế năm 2019 là 7,79 điểm, quy ra tỷ lệ là gần 7,79%, tăng 3% so với cuộc khảo sát năm 2016.

So với cuộc khảo sát năm 2016, có 3 chỉ số tăng điểm, 2 chỉ số giảm điểm, trong đó chỉ số thành phần “sự phục vụ của công chức thuế” được DN đánh giá là có tiến bộ nhất, tăng 1,5 điểm. Tiếp theo đó, chỉ số “kết quả giải quyết công việc” tăng 0,41 điểm; “tiếp cận thông tin” tăng 0,23 điểm. Hai chỉ số thành phần còn lại giảm điểm nhẹ là “thực hiện TTHC thuế” (giảm 0,14 điểm) và “thanh tra kiểm tra thuế” (giảm 0,52 điểm).

Về việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) thuế, khảo sát năm 2019 liệt kê 9 nghĩa vụ thuế cụ thể gồm: thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN, thuế sử dụng đất, thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Vẫn theo ông Đậu Anh Tuấn, nhìn chung, kết quả phản hồi của doanh nghiệp đánh giá các TTHC thuế cơ bản đều là dễ, tương đối dễ như: thuế GTGT (95%), thuế TNDN (93%), TNCN (87%), thuế sử dụng đất (86%).

Chỉ số “sự phục vụ của công chức thuế” năm 2019 cũng đã được DN đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực hơn hẳn so với những cuộc khảo sát trước đây (2014 là 5,36 điểm; 2016 là 6,36 điểm; 2019 là 7,86 điểm).

Mặc dù vậy, vẫn có những hạn chế khi DN đã phản ánh nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tế như hệ thống chính sách còn phức tạp; văn bản được sửa đổi, bổ sung nhiều lần gây khó khăn trong việc áp dụng; thủ tục nộp thuế điện tử còn bị chậm, lỗi kỹ thuật...

Theo đó, có 74% DN đề xuất cơ quan thuế “tiếp tục đơn giản hóa các TTHC thuế”; 56% DN đề nghị “nâng cao chất lượng các hình thức cung cấp thông tin”, trong đó hỗ trợ chi tiết, cụ thể hơn nữa cho từng nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ.

Cùng với đó, có 55% DN đề nghị “rút ngắn thời gian và TTHC cho các DN tuân thủ tốt pháp luật thuế”; 51% DN đề nghị “tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện TTHC thuế”.

Dù đã có nhiều cải thiện, chi phí ngoài quy định trong thủ tục thuế vẫn là vấn đề còn tồn tại. Báo cáo kết quả khảo sát các doanh nghiệp về sự phổ biến của chi phí ngoài quy định, ông Đậu Anh Tuấn cho biết 64% doanh nghiệp nói “không”, chỉ có 9% thẳng thắn thừa nhận có phải bỏ ra chi phí ngoài quy định và 27% doanh nghiệp lựa chọn không trả lời.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế cũng đánh giá cao những nỗ lực cải cách của ngành thuế. Tuy nhiên bà Cúc cũng góp ý thẳng thắn là việc sửa đổi ban hành các thông tư mới cần tính đến tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp cũng như cán bộ chi cục khi tra cứu.

“Riêng lĩnh vực thuế sau khi sửa đổi có khoảng 25 thông tư, tôi đôi khi còn khó nhớ hết chưa nói đến các doanh nghiệp, nên tích hợp việc sửa đổi hướng dẫn vào một thông tư duy nhất”, bà Cúc khuyến nghị.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng Bộ Tài chính là Bộ đầu tiên phối hợp với VCCI để tổ chức việc khảo sát lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp và biết chấp nhận sự đánh giá để từ đó thúc đẩy cải cách. Chính vì vậy, đến thời điểm này, có nhiều mũi tiên phong mà ngành tài chính là ngành khai mở cho cải cách hành chính của Chính phủ Việt Nam.

Ông Lộc cũng đề nghị ngành thuế cần tiếp tục đơn giản hơn nữa thủ tục hành chính thuế và chính sách thuế. Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin để phục phục doanh nghiệp. Đặc biệt, tránh hiện tượng áp thuế theo xu hướng diễn biến bất lợi cho doanh nghiệp. Trong thanh tra, kiểm tra, ngành thuế cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp giải trình, cần lắng nghe, cầu thị, nhất là trong truy thu, xử phạt doanh nghiệp.

“Hiện đối tượng gặp khó khăn nhất đó là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và doanh nghiệp dân doanh. Ngành thuế cần tiếp tục đổi mới trong công tác kê khai, nộp thuế, kế toán sao cho đơn giản hơn, giúp những đối tượng này dễ dàng tiếp cận chính sách và thuận lợi hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước”, ông Vũ Tiến Lộc cho hay.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết trong thời gian tới đây, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Tổng cục Thuế/cơ quan thuế các điạ phương tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ quản lý thu thuế, thu đúng thu đủ, chống thất thu ngân sách; đảm bảo phát hiện, ngăn chặn và phòng ngừa những trường hợp trốn thuế, tránh thuế hay làm xói mòn cơ sở thuế.

Đồng thời, ngành sẽ thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế, trong đó tập trung hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp”, Thứ trưởng nói.

Tin mới lên