Tiêu điểm

88% hộ gia đình Việt Nam bị tác động tiêu cực bởi Covid-19

(VNF) - Ngày 24/9, hội nghị trực tuyến của chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã công bố 2 đánh giá về tác động của dịch Covid-19 và việc thực hiện gói hỗ trợ của Chính phủ cho người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Việt Nam.

88% hộ gia đình Việt Nam bị tác động tiêu cực bởi Covid-19

Covid-19 gây nhiều xáo động trong đời sống người dân Việt Nam (ảnh minh họa)

Theo đại diện UNDP, kết quả khảo sát mới nhất về tác động của Covid-19 được thực hiện với các hộ gia đình dễ bị tổn thương tại 63 tỉnh thành của Việt Nam cho thấy, dịch bệnh đã gây tổn thất nặng nề đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt đối với nhóm dễ bị tổn thương.

Trong lĩnh vực việc làm, có 3 loại tác động là mất việc, nghỉ việc tạm thời và giảm giờ làm - giảm thu nhập. Có đến 88% hộ gia đình bị ít nhất một trong số tác động do dịch Covid-19. Những hộ bị ảnh hưởng nặng nề nhất là nhóm làm việc trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, chế tạo. 

Tác động tiêu cực về việc làm khiến cho thu nhập của các hộ gia đình sụt giảm nghiêm trọng. Tính đến tháng 7/2021, trung bình thu nhập của các hộ giảm tới 44% so với trước khi bùng phát dịch Covid-19.

Ngoài ra, dịch Covid-19 còn có các tác động liên quan sức khỏe tinh thần, an ninh lương thực và vấn đề nhà ở.

Trong hoàn cảnh đó, các biện pháp ứng phó chính của các hộ gia đình là cắt giảm chi tiêu, di chuyển khỏi vùng bị ảnh hưởng và tăng mức độ bao phủ tiêm chủng. 

Khảo sát cũng cho biết phần lớn những người được hỏi chưa nhận được hỗ trợ và gặp những khó khăn trong quá trình đăng ký. 

Khuyến nghị được chuyên gia đưa ra là Việt Nam nên sử dụng phương pháp tiếp cận theo từng giai đoạn trong chiến lược mở cửa trở lại. Về vắc xin, Việt Nam cần đơn giản hóa thủ tục tiêm vắc xin, sửa đổi danh sách ưu tiên tiêm chủng, khuyến khích mọi người tiêm chủng bằng phương pháp truyền thông hiệu quả, tăng cung ứng vắc xin trong ngắn hạn và dài hạn.

Chính phủ cần nhanh chóng ban hành một số chương trình hỗ trợ tiền mặt mới, với ngân sách khoảng 5% GDP hàng quý, giảm thủ tục hành chính, áp dụng kỹ thuật số để các nhân tự đăng ký.

Trước mắt, Việt Nam cần tăng cường chương trình ngân sách tiền mặt đủ lớn, thay đổi mức hỗ trợ lớn hơn, đáp ứng mức sống tối thiểu, tăng cường kỹ thuật số kịp thời để hỗ trợ kịp thời cho các cá nhân.

Tại hội nghị, các chuyên gia cũng đánh giá cao những nỗ lực và hành động của chính phủ Việt Nam trong việc ứng phó và hỗ trợ cho nhóm những người dễ bị tổn thương.

Từ khoá: Covid-19, mất việc,
Tin mới lên