Bất động sản

9 dự án BOT xuống cấp vì 'vướng cơ chế'

Hiện có 9 dự án BOT đang tạm dừng thu phí chưa có nguồn vốn bảo trì, khiến dự án xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.   

9 dự án BOT xuống cấp vì 'vướng cơ chế'

Trạm thu phí giao thông Quốc lộ 1K vắng bóng người, nhiều kết cấu, vật dụng bắt đầu hoen gỉ, xuống cấp. Ảnh: Vĩnh Phú

Hiện có 9 dự án BOT đang tạm dừng thu phí nhưng chưa thống nhất được thời điểm kết thúc hợp đồng bàn giao và xác lập quyền sở hữu toàn dân nên chưa có nguồn vốn bảo trì, khiến dự án xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Dừng thu phí, dừng luôn bảo trì

Sáng 19/2, phóng viên chạy dọc Quốc lộ 1K qua TP. HCM - Bình Dương - Đồng Nai. Đây là dự án bị tạm dừng thu phí vào cuối tháng 10/2020.

Khu vực trạm thu phí phường Tân Đông Hiệp (tỉnh Bình Dương) vắng bóng người, nhiều kết cấu, vật dụng hoen gỉ, xuống cấp. Do không có nhân viên bảo vệ, các hộ dân ven đường tận dụng dải phân cách bê tông trước trạm thu phí làm nơi tập kết rác.

Theo phản ánh của người dân, hệ thống đèn tín hiệu tại một số giao lộ hoạt động “chập chờn” chưa được sửa chữa tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Một cán bộ Chi cục Quản lý đường bộ 4.2 (Cục Quản lý đường bộ IV) cho biết, ngay sau khi tạm dừng thu phí, nhà đầu tư BOT Quốc lộ 1K đã có văn bản gửi các cơ quan quản lý nhà nước về việc tạm ngưng và không chịu trách nhiệm về công tác duy tu, bảo trì mặt đường.

“Hiện hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu đã hư hỏng, chưa tìm được nguồn vốn bố trí sửa chữa do kinh phí hàng tỷ đồng. Để đảm bảo an toàn giao thông, cục đã giao Công ty 676 tạm thời thực hiện việc bảo trì, chủ yếu là vệ sinh mặt đường, dặm vá sửa chữa nhỏ”, cán bộ này nói.

Do không có nhân viên bảo vệ, các hộ dân ven đường tận dụng dải phân cách bê tông trước trạm thu phí làm nơi tập kết rác

Một dự án khác là BOT cầu Đồng Nai tạm dừng thu phí cuối tháng 8/2020, nhà đầu tư cũng có văn bản thông báo tạm ngưng bảo trì với lý do khó khăn tài chính. Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng cầu Đồng Nai cho biết, sau ngày tạm dừng thu phí, việc duy tu bảo trì vẫn được thực hiện. Trong hai tháng đầu năm 2021, công ty đã thực hiện duy tu, bảo dưỡng với kinh phí 2,8 tỷ đồng.

“Sau tạm dừng thu phí, do không vay được ngân hàng, công ty phải dừng duy tu. Chúng tôi đã gửi thông báo tạm dừng duy tu, bảo trì đường từ 28/2”, đại diện BOT cầu Đồng Nai cho hay.

Còn tại dự án BOT Quốc lộ 20, ông Bùi Duy Anh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ IV.1 cho biết: “Sau ngày tạm dừng thu phí (tháng 10/2020) nhà đầu tư Liên doanh Công ty TNHH Hùng Phát vẫn thực hiện duy tu, bảo dưỡng để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tính toán lại phương án tài chính. Trong trường hợp nhà đầu tư dừng thực hiện duy tu, bảo trì sẽ có văn bản báo cáo Cục Quản lý đường bộ IV.

Nhà đầu tư bất lực

BOT đường tránh Thanh Hoá bị hằn lún, gồ ghề đi lại rất nguy hiểm. Ảnh: Gia Văn

Tìm hiểu của phóng viên, trong thời gian thu phí, việc bảo trì dự án do nhà đầu tư BOT thực hiện. Kinh phí bảo trì hàng năm được cơ quan quản lý thỏa thuận với nhà đầu tư và được tính toán vào phương án tài chính dự án.

Tuy nhiên, sau khi 9 dự án BOT tạm dừng thu phí, nguồn vốn bảo trì đang bị “tắc” khiến các tuyến quốc lộ thuộc các dự án ngày càng xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, 9 dự án đang tạm dừng thu phí là những dự án sắp kết thúc hợp đồng. Trong số này, có 4 dự án nhà đầu tư dừng không thực hiện bảo trì là dự án Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên, Quốc lộ 1 đoạn tránh Hà Tĩnh, Quốc lộ 1K đoạn Km 2+478-Km 12+971 và Quốc lộ 1 đoạn tránh Cai Lậy.

Có 2 dự án nhà đầu tư bảo trì cầm chừng không đạt chất lượng là dự án Quốc lộ 1 đoạn tránh TP. Thanh Hóa và Quốc lộ 91 đoạn Km14 - Km 50+889. Có 3 dự án nhà đầu tư vẫn tiếp tục bảo trì là dự án xây dựng cầu Đồng Nai, Quốc lộ 20 đoạn qua các thị trấn và Quốc lộ 1 đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước và Tứ Câu - Vĩnh Điện.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang (BOT Cai Lậy) cho biết, dự án đã tạm dừng thu phí gần 4 năm qua gây nhiều khó khăn cho nhà đầu tư. “Vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp đã góp hết vào đầu tư xây dựng dự án. Suốt 4 năm qua, chúng tôi không có tiền trả lãi ngân hàng, lấy đâu ra tiền để duy tu bảo dưỡng”, đại diện BOT Cai Lậy chia sẻ.

Do không có kinh phí duy tu bảo dưỡng, nhiều vị trí hư hỏng nặng, gây mất an toàn giao thông. “Chúng tôi biết điều đó nhưng cũng bất lực. Đây là tài sản quốc gia, không phải tài sản của nhà đầu tư”, đại diện này nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, các dự án trên chưa thanh lý được hợp đồng, bàn giao công trình do cơ quan quản lý và nhà đầu tư chưa thống nhất được các chi phí để xác định thời gian hoàn vốn như: Lợi nhuận nhà đầu tư trong giai đoạn xây dựng, một số chi phí, lãi vay nên chưa xác định thời điểm dừng thu phí. Để tránh việc thu phí vượt quá thời gian, tổng cục chủ động tạm dừng thu phí các dự án trên.

“Sau khi dừng hoặc tạm dừng thu phí để thực hiện thanh lý hợp đồng, một số doanh nghiệp dự án đã dừng việc bảo trì, không cấp kinh phí vận hành công trình hoặc thực hiện kém hiệu quả. Những dự án nhà đầu tư dừng không bảo trì hoặc bảo trì không đạt yêu cầu, tổng cục đã đàm phán, thương thảo nhiều lần, nhưng với lý do không được thu phí, không có quy định pháp lý nên các nhà đầu tư vẫn không thực hiện khiến công trình phát sinh hư hỏng”, ông Cường cho biết.

Xin ý kiến Thủ tướng do vướng cơ chế

Mặt đường Quốc lộ 1K xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông nhưng chậm được khắc phục, sửa chữa

Lý giải về những vướng mắc nguồn vốn bảo trì các dự án BOT tạm dừng thu phí, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, theo Nghị định 33/2018 hướng dẫn quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, nếu tài sản chưa chuyển đổi thành sở hữu toàn dân thì không được sử dụng ngân sách Nhà nước để bảo trì.

Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, khi triển khai thủ tục chấm dứt hợp đồng BOT phát sinh vướng mắc trong quá trình tính toán thanh lý hợp đồng, dẫn đến thời điểm kết thúc thu phí không trùng với thời điểm chuyển giao công trình dự án cho cơ quan Nhà nước, thanh lý chấm dứt hợp đồng.

Kịch bản thu phí thực tế một số dự án BOT không giống như hợp đồng, lưu lượng phương tiện tăng, dẫn đến doanh thu đạt sớm hơn so với thời gian thu phí dự án nên phải thương thảo lại với nhà đầu tư.

Trong quá trình này tạm dừng thu phí dự án. Khi đó, tổng cục tính toán doanh thu dự án cơ bản theo hợp đồng. Sau khi thống nhất các chi phí với nhà đầu tư và chấm dứt hợp đồng sẽ không tổ chức không thu phí lại.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Một trường hợp khác là thời điểm thanh lý hợp đồng, bàn giao lại cho cơ quan Nhà nước không trùng với thời điểm hoàn thành thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản. Có nghĩa là kéo dài hơn thời điểm dừng thu do chậm trễ trong thủ tục thỏa thuận với các cơ quan nhà nước trước khi ban hành quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Cùng đó, có thể không đạt được thỏa thuận với nhà đầu tư về ngày dừng thu và nảy sinh tranh chấp hợp đồng kéo dài hoặc chờ phán quyết của bên thứ 3 trong trường hợp nảy sinh khiếu kiện. Lúc này cơ quan quản lý nhà nước sẽ dừng thu phí, không để nhà đầu tư thu quá thời gian hợp đồng được hưởng theo dự kiến.

“Những vướng mắc trên phát sinh trong 2 giai đoạn thanh lý hợp đồng BOT và bàn giao dự án. Giai đoạn thứ nhất do chưa hoàn thành thanh lý hợp đồng dẫn đến cơ quan nhà nước chưa tiếp nhận được công trình trong khi doanh nghiệp dự án đã dừng thu phí nên không có kinh phí bảo trì. Giai đoạn 2, từ thời điểm cơ quan nhà nước đã tiếp nhận công trình đến khi hoàn thành thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản thường kéo dài và chưa đủ cơ sở pháp lý để bố trí kinh phí bảo trì cho công trình”, ông Cường nói.

Tuy nhiên, viện dẫn Nghị định 29/2018 quy định trình tự thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, ông Cường cho biết, Nghị định đã quy định, trong thời gian tạm thời chờ bàn giao tài sản của nhà đầu tư chuyển giao lại cho Nhà nước hay còn gọi là sở hữu toàn dân, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Tổng cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm bảo quản tài sản. Nguồn kinh phí bảo quản được lấy từ ngân sách Nhà nước.

“Mặc dù cơ chế đã có nhưng Nghị định 29 chỉ cho phép bảo quản, khái niệm này chỉ ở mức độ nhất định, nghĩa là chỉ duy tu bảo dưỡng, nếu muốn sửa chữa lớn phải báo cáo Thủ tướng xin cơ chế”, ông Cường nói và cho rằng, trong trường hợp doanh nghiệp dự án BOT từ chối bảo trì, cung cấp điện chiếu sáng, Bộ GTVT thực hiện quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước là tiếp nhận bảo quản, quản lý tài sản trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân là phù hợp trách nhiệm và thuộc thẩm quyền.

Tuy nhiên, ông Cường cho biết, Nghị định 29/2018 và Thông tư chưa hướng dẫn cụ thể việc bảo quản tài sản là kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian đã tiếp nhận đến khi hoàn tất thủ tục chuyển giao tài sản sở hữu toàn dân.

Cũng theo ông Cường, đối với những dự án BOT đã tạm dừng thu phí mà nhà đầu tư không bảo trì dự án hoặc bảo trì không đạt yêu cầu, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao bộ chịu trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản công trình thuộc dự án từ khi dừng thu phí đến lúc hoàn tất thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản.

Chi phí cho công tác bảo quản bao gồm: Bảo quản, sửa chữa thường xuyên và sửa chữa đột xuất và các chi phí khác liên quan đảm bảo công trình vận hành an toàn. Nguồn kinh phí được bố trí trong dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước của Bộ GTVT như quy định của Nghị định số 29.

Tin mới lên