Tài chính quốc tế

9 tháng, giao dịch bất động sản châu Á Thái Bình Dương đạt 95 tỷ USD, tăng 11%

(VNF) - Theo công ty tư vấn và quản lý bất động sản Jones Lang LaSalle (JLL), khối lượng giao dịch bất động sản thương mại khu vực châu Á Thái Bình Dương đạt 35 tỷ USD trong quý III/2017, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016. Con số này đã thúc đẩy lượng đầu tư tại châu Á Thái Bình Dương tính đến thời điểm hiện tại lên 95,8 tỷ USD, cao hơn 11% so với cùng thời điểm năm trước.

9 tháng, giao dịch bất động sản châu Á Thái Bình Dương đạt 95 tỷ USD, tăng 11%

Giao dịch bất động sản thương mại châu Á Thái Bình Dương 9 tháng đạt 95,8 tỷ USD

Ngôi sao Ấn Độ và giao dịch xuyên biên giới lớn nhất châu Á

Ấn Độ được xem là ngôi sao sáng tại châu Á Thái Bình Dương. Trong quý III, tổng lượng giao dịch bất động sản tại Ấn Độ đạt tới 2 tỷ USD. Giao dịch lớn nhất là hợp đồng liên doanh trị giá 1,4 tỷ USD giữa quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC và DLF Cyber City. Đây là một trong những giao dịch xuyên biên giới lớn nhất trên thị trường bất động sản khu vực trong quý này.

Theo JLL, các thị trường chủ chốt mà nhà đầu tư nhắm đến tại Ấn Độ bao gồm Mumbai, NCR và Bangalore. Chỉ riêng 3 thành phố này đã chiếm hơn 2/3 dòng vốn chảy của toàn quốc.

"Phần lớn dòng vốn này đang chảy vào các tòa cao ốc văn phòng và các khu dân cư đang được phát triển", Ashutosh Limaye, Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường Ấn Độ của JLL, cho biết.

Tổng lượng giao dịch bất động sản tại Ấn Độ đạt tới 2 tỷ USD trong quý III/2017

Cùng với Ấn Độ, Singapore cũng được ghi nhận là một điểm sáng trong giao dịch bất động sản khu vực. Trong quý II/2017, giao dịch tại Singapore đạt 4,3 tỷ USD. Thương vụ CapitaLand Commercial Trust thâu tóm tòa tháp Asia Square 2 với giá 1,54 tỷ USD là giao dịch tài sản văn phòng lớn nhất châu Á Thái Bình Dương trong 9 tháng qua.

Tay Huey Ying, Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường Singapore của JLL, đánh giá: "Thị trường bất động sản Singapore đã có bước chuyển mình ngoạn mục, được củng cố bởi nền kinh tế đầy triển vọng. Các khu dân cư và tòa nhà văn phòng trọng điểm, có vị trí đắc địa nằm trong trung tâm đang là tâm điểm ưa thích của nhà đầu tư vào giai đoạn cuối năm 2017 và năm 2018".

Còn tại Hồng Kông, JLL cho biết hàng loạt các hoạt động được diễn ra từ dòng vốn xuyên biên giới đã góp phần thúc đẩy khối lượng đầu tư đạt 3,1 tỷ USD trong quý III, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 9% tính từ đầu năm đến hiện tại so với năm 2016.

Tổng lượng đầu tư khách sạn sẽ đạt 8 tỷ USD trong năm 2017

Hồng Kông cũng là vùng lãnh thổ dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về số lượng các giao dịch đầu tư khách sạn với 11 thương vụ trị giá gần 1,5 tỷ USD tính đến tháng 9 năm nay.

"Đối với nhà đầu tư, giá bán khách sạn ở Hồng Kông tính trên mỗi foot vuông đang rất hấp dẫn so với các loại bất động sản khác, đây là một trong những nhân tố thúc đẩy các giao dịch gần đây. Các khách sạn như J Plus Hotel đã được giao dịch cho mục đích chuyển đổi để trở thành tòa nhà văn phòng", ông Mike Batchelor, Giám đốc Đầu tư Châu Á, tập đoàn Khách sạn của JLL, cho biết.

Nhật Bản vẫn tiếp tục là ngôi sao sáng trong lĩnh vực đầu tư khách sạn kể từ năm 2013, với khối lượng giao dịch đạt hơn 1,2 tỷ USD tính đến tháng 9/2017. Việc Tokyo đề ra mục tiêu tăng gấp đôi số lượng du khách nước ngoài lên đến 40 triệu lượt vào năm 2020 và đăng cai Thế vận hội Olympics 2020 được cho là sẽ tiếp tục thúc đẩy du lịch tăng trưởng.

Tổng lượng đầu tư khách sạn năm 2017 sẽ đạt từ 7,5 tỷ USD đến 8 tỷ USD

Cùng với Hồng Kông và Nhật Bản, Thái Lan cũng đã có một năm sôi nổi với khối lượng giao dịch khách sạn ghi nhận được 335 triệu USD. Đây là con số cao nhất kể từ năm 2014.

Úc vẫn là thị trường ưa thích của các nhà đầu tư khách sạn trên toàn cầu, đặc biệt đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch trong nước. Khối lượng đầu tư tại quốc gia này đã chạm mốc gần 110 triệu USD tính đến tháng 9 năm nay.

"Nhà đầu tư Trung Quốc đại lục đã chi khoảng 1,4 tỷ AUD (đô la Úc) để mua lại các khách sạn ở Úc từ năm 2015, tuy nhiên việc chính phủ Trung Quốc gần đây áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài, do đó dòng vốn mạnh mẽ này có thể sẽ chậm lại trong trung hạn", ông Mike Batchelor nói.

Theo tổng kết của JLL, 9 tháng qua, tổng khối lượng đầu tư khách sạn ở châu Á Thái Bình Dương đạt 5,3 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong quý III, hoạt động bán hàng đạt 1,2 tỷ USD trong toàn khu vực. "Sẽ có khoảng 1,5 - 2 tỷ USD các giao dịch sẽ rơi vào quý cuối năm phần lớn các giao dịch này được kỳ vọng sẽ diễn ra ở Nhật Bản", JLL cho biết.

"Chúng tôi dự báo tổng lượng đầu tư khách sạn năm nay sẽ đạt từ 7,5 tỷ USD đến 8,0 tỷ USD ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, giảm nhẹ so với mức 8,6 tỷ USD năm ngoái. Có thể sẽ giảm khoảng 10% vào năm 2017 do thiếu nguồn cung khách sạn bán ra trên thị trường và sự chênh lệch giá giữa người bán và kỳ vọng của người mua", ông Mike Batchelor nhận định.

Tin mới lên