Ngân hàng

ACB bất ngờ ‘siết’ cho vay trung và dài hạn

(VNF) – ACB vừa có động thái khá bất ngờ khi đột ngột "siết" cho vay trung và dài hạn, đồng thời tập trung rất mạnh vào cho vay ngắn hạn.

ACB bất ngờ ‘siết’ cho vay trung và dài hạn

Động thái chuyển dịch cơ cấu tín dụng của ACB khá đột ngột và bất ngờ

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2017, theo đó, lợi nhuận trước thuế quý I/2017 của ACB đạt 594 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2016.

Kết quả kinh doanh ấn tượng này của ACB đến từ sự tăng trưởng ở tất cả các mảng kinh doanh. Ở mảng kinh doanh trụ cột tín dụng – đầu tư, mảng này đem về cho ACB 1.908 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, mảng dịch vụ đem về cho ACB 247 tỷ đồng lãi thuần, tăng 22,9%.

Song song, ACB đem về 66,6 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, tăng 56,7% so với quý I/2016. Đồng thời, mảng mua bán chứng khoán kinh doanh đem về cho ACB lãi thuần 39,6 tỷ đồng trong quý I/2017, cải thiện rõ rệt so với mức lỗ thuần 4 tỷ đồng cùng kỳ 2016.

Đáng chú ý, ACB ghi nhận lãi thuần 45,2 tỷ đồng từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư trong quý I/2017. Cùng kỳ 2016, ACB lỗ thuần tới 183,6 tỷ đồng từ mảng này, nguyên nhân là do ngân hàng này phải tiến hành trích lập dự phòng đối với nhóm 6 công ty thời kỳ bầu Kiên.

Việc ACB không còn lỗ ở mảng mua bán chứng khoán đầu tư cho thấy nhà băng này đang trong những bước cuối của tiến trình chấm dứt ảnh hưởng của nhóm 6 công ty thời kỳ bầu Kiên đối với ngân hàng.

Kết thúc quý I/2017, lợi nhuận thuần của ACB đạt 1.202 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm 2016. Sở dĩ lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này "chỉ" tăng gấp rưỡi là do ACB đã tăng tỷ lệ trích lập dự phòng trên lợi nhuận thuần, từ mức 37,5% của quý I/2016 lên mức 50,5% trong quý I/2017.

ACB

Lợi nhuận trước thuế quý I/2017 của ACB tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2016, đạt 594 tỷ đồng

Về tài sản, tính đến hết ngày 31/3/2017, tổng tài sản của ACB đạt 251.536 tỷ đồng, tăng 7,6% so với hồi đầu năm, trong đó, dư nợ tín dụng đạt 177.413 tỷ đồng, tăng 8,6%. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 0,88% thời điểm đầu năm lên mức 1,08%.

Đi sâu hơn về cơ cấu tín dụng, khá bất ngờ khi ACB chuyển dịch cơ cấu tín dụng một cách cực kỳ rõ rệt theo hướng "siết" hoạt động cho vay trung và dài hạn, song song với đó là tập trung mạnh vào hoạt động cho vay ngắn hạn.

Cụ thể, tính đến hết ngày 31/3/2017, dư nợ cho vay trung hạn của ACB là 18.759 tỷ đồng, giảm 12% so với đầu năm. Tương tự, dư nợ cho vay dài hạn của ACB đạt 60.800 tỷ đồng, giảm 7,4%. Trong khi đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 97.854 tỷ đồng, tăng tới 28%.

Nói bất ngờ là bởi bản thân tỷ trọng cho vay ngắn hạn của ACB vốn dĩ đã khá cao, như thời điểm đầu năm là 46,8%, nay ngân hàng này còn tiếp tục tăng lên mức 55,2%, cao bậc nhất trong giới ngân hàng.

Tín hiệu bất ngờ thứ hai là việc ACB giảm dư nợ cho vay trung và dài hạn. Thông thường, khi muốn thay đổi cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung nhiều hơn vào cho vay ngắn hạn, các ngân hàng thường tập trung tăng dư nợ cho vay ngắn hạn, đồng thời giữ nguyên, thậm chí vẫn tăng nhẹ dư nợ trung và dài hạn để tạo sự chuyển biến từ từ. Với trường hợp của ACB, có thể thấy động thái này khá đường đột.

Thứ ba, ACB không chịu tác động đáng kể từ việc giảm tỷ lệ tối đa sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định của Thông tư 06. Báo cáo của ban điều hành ACB tại đại hội đồng cổ đông năm 2017 cho biết, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tính đến hết năm 2016 chỉ ở mức 24,27%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ tối đa 60% (năm 2016), 50% (năm 2017) và 40% (năm 2018). Do đó, đây không phải nguyên nhân khiến ACB "siết" cho vay trung và dài hạn.

Động thái "siết" cho vay trung và dài hạn, đồng thời tập trung rất mạnh vào cho vay ngắn hạn cho thấy dường như ACB đang muốn chọn con đường an toàn, bởi các khoản cho vay ngắn hạn tiềm ẩn ít rủi ro hơn các khoản cho vay trung và dài hạn. Tất nhiên, đánh đổi là lợi nhuận bởi cho vay ngắn hạn luôn có lãi suất thấp hơn cho vay trung và dài hạn, do rủi ro ít hơn.

Tin mới lên