Tài chính

ADB chỉ ra mảnh ghép còn thiếu trong thị trường trái phiếu Việt Nam

(VNF) - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng một cơ quan xếp hạng tín nhiệm đáng tin cậy và có uy tín là một trong những mảnh ghép còn thiếu trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam.

ADB chỉ ra mảnh ghép còn thiếu trong thị trường trái phiếu Việt Nam

(Ảnh minh họa)

ADB mới đây đã công bố nghiên cứu “Tiềm năng đầu tư nước ngoài vào cơ quan xếp hạng tín dụng trong nước tại Việt Nam”.

Theo ADB, sau nhiều năm tăng trưởng chậm chạp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đã nở rộ. Từ năm 2012-2019, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 40% và lượng trái phiếu đang lưu hành còn tồn đọng lên tới khoảng 11,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam, cao thứ 4 trong khu vực ASEAN và nhiều khả năng sẽ còn tăng thêm nữa.

ADB dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 1,8% trong năm 2020 và 6,3% vào năm 2021. Mặc dù thấp hơn so với những năm gần đây, nhưng những triển vọng này là đáng chú ý khi nhiều nền kinh tế đang sa lầy trong các cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra.

Các quy định ngân hàng cũng hỗ trợ cho điều này. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp đặt các mức trần tăng trưởng vốn vay của ngân hàng từ năm 2014.

Trong năm 2019, 18 ngân hàng lớn nhất của Việt Nam đã thực hiện chuẩn Basel II, điều này làm giảm vốn khả dụng để cho vay. Các biện pháp này, cùng với việc hạn chế sử dụng vốn vay ngắn hạn để cho vay dài hạn, khiến trái phiếu trở thành một lựa chọn thay thế ngày càng hấp dẫn. Nhưng sự tăng trưởng này mang lại rủi ro, đặc biệt là khi chỉ một số ít đơn vị phát hành có xếp hạng tín nhiệm công khai.

Mảnh ghép còn thiếu

Theo ADB, mặc dù các nhà đầu tư không bao giờ nên đưa ra quyết định chỉ dựa trên xếp hạng tín nhiệm, nhưng đây cũng là một tham chiếu quan trọng có thể thúc đẩy kỷ luật thị trường bằng cách không khuyến khích các nhà đầu tư “chạy theo lợi suất” và các nhà phát đưa ra các trái phiếu “ràng buộc lỏng”.

Hơn nữa, xếp hạng tín nhiệm có thể giúp các đơn vị phát hành đảm bảo các điều khoản thuận lợi hơn bao gồm kỳ hạn dài hơn và chênh lệch tín dụng thấp hơn. Điều này làm giảm chi phí vốn của người đi vay và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam hiện mới có 2 công ty xếp hạng tín nhiệm trong nước đã được Bộ Tài chính cấp phép (công ty thứ nhất trong năm 2017 và công ty thứ hai vào tháng 3/2020), nhưng cả hai đơn vị này đều chưa hoạt động.

Trong khi đó, Cơ quan Xếp hạng Philippines (Phil Ratings) được thành lập năm 1985, Cơ quan Xếp hạng Malaysia (Rating Agency Malaysia) được thành lập năm 1990, còn Pefindo ở Indonesia và Cơ quan Dịch vụ thông tin và Xếp hạng Thái Lan được thành lập năm 1993.

Trên khắp châu Á, các đơn vị xếp hạng tín nhiệm đã thiết lập quan hệ đối tác với các cơ quan xếp hạng tín nhiệm toàn cầu để có được uy tín. Theo ADB, Việt Nam nên đi theo mô hình đó.

Các cơ quan xếp hạng tín nhiều toàn cầu có khả năng ưu tiên ba yếu tố.

Thứ nhất là tính độc lập trong phân tích, điều mà Việt Nam cam kết. Các bên liên quan trên thị trường hiểu được tầm quan trọng của sự độc lập này đối với uy tín của một tổ chức xếp hạng tín nhiệm.

Thứ hai là sự hỗ trợ của các bên liên quan. Năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm được cấp phép.

Chính phủ cũng đã hỗ trợ các sự kiện để hướng dẫn thị trường về giá trị của xếp hạng. Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, hiệp hội ngành nghề hàng đầu, cũng được hỗ trợ.

Yếu tố cuối cùng là nhu cầu. Đây là một thách thức. Một tài liệu nghiên cứu của ADB được công bố gần đây, do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ, đã ước tính rằng cần phải xếp hạng khoảng 1/3 số trái phiếu phát hành mới tạo ra doanh thu đủ để duy trì một cơ quan xếp hạng trong nước.

Đề xuất 5 sáng kiến phối hợp

Theo ADB, nhu cầu xếp hạng tín nhiệm ít có khả năng sẽ tự động nảy sinh, vì vậy chính phủ Việt Nam nên cân nhắc 5 sáng kiến ​​phối hợp để thúc đẩy tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Đầu tiên là phổ biến kiến thức cho thị trường. Việt Nam sẽ loại bỏ các đợt phát hành chưa được xếp hạng nếu các đơn vị phát hành hiểu rõ hơn các lợi ích mà xếp hạng có thể mang lại xét tới số lượng phát hành lớn hơn, giá thấp hơn, thời hạn dài hơn và nếu các nhà đầu tư nắm bắt được lợi ích của việc xếp hạng từ tính minh bạch cao hơn, chuẩn đối sánh, giao dịch thị trường thứ cấp.

Yếu tố thứ hai liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Để thay đổi văn hóa tín nhiệm, thị trường cần những ví dụ về các công ty đã được hưởng lợi từ việc có xếp hạng tín nhiệm. Các DNNN cần phải tiên phong. Điều này sẽ phù hợp với các sáng kiến của chính phủ nhằm khiến các DNNN huy động vốn vay nhiều hơn dựa trên bảng cân đối tài chính của mình, đa dạng hóa nguồn vốn của DNNN ngoài vốn vay ngân hàng và tạo thuận lợi cho việc phát hành đối chuẩn, từ đó giúp xây dựng đường cong tín nhiệm và văn hóa tín nhiệm.

Thứ ba là Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam. Ở nhiều quốc gia, quỹ hưu trí là một trong những đối tượng mua trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất. Tuy nhiên, BHXH Việt Nam, được Nhà nước bảo trợ, chỉ có thể mua trái phiếu doanh nghiệp do các ngân hàng phát hành.

ADB cho rằng BHXH Việt Nam nên mở rộng sang các doanh nghiệp phi ngân hàng để tăng lợi nhuận tài chính và đa dạng hóa danh mục đầu tư. Nếu BHXH Việt Nam yêu cầu trái phiếu doanh nghiệp phải được xếp hạng, điều này sẽ không chỉ thúc đẩy nhu cầu xếp hạng, mà còn giúp BHXH Việt Nam quản lý rủi ro đối với các tài sản này.

Yếu tố tiếp theo là xếp hạng bắt buộc. Việt Nam đã thông qua Luật Chứng khoán vào năm 2019, yêu cầu một số trái phiếu phát hành ra công chúng (nhưng không phải phát hành riêng lẻ) phải được xếp hạng bởi một đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong nước.

Nhưng Dự thảo Nghị định được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong tháng 6/2020 đề xuất rằng, bất kỳ loại trái phiếu nào cũng có thể được miễn xếp hạng.

ADB cho rằng Việt Nam cần quy định việc xếp hạng là bắt buộc hoặc tất cả trái phiếu phát hành ra công chúng cần phải xếp hạng, theo gương của các quốc gia trong khu vực. Xếp hạng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chi phí của việc phát hành trái phiếu và trong nhiều trường hợp, chi phí này đã được bù đắp thông qua các điều khoản tốt hơn. Xếp hạng không chỉ giúp xây dựng văn hóa tín nhiệm, mà còn là các công cụ điều tiết quan trọng để giám sát sự lành mạnh của thị trường.

Yếu tố cuối cùng là việc phát hành ra công chúng. Trong năm 2018 và 2019, trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm tới 94% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu việc xếp hạng tín nhiệm không được quan tâm đầy đủ sẽ đặt ra những rủi ro đáng kể đối với thị trường trái phiếu và lĩnh vực tài chính, đặc biệt khi các nhà đầu tư riêng lẻ hiện đang sở hữu gần 1/4 tổng lượng trái phiếu phát hành.

Để tránh gia tăng tình trạng bất thường này, bất kỳ bước đi nào hướng tới việc xếp hạng bắt buộc trái phiếu phát hành ra công chúng cũng cần phải được kết hợp với hợp lý hóa hoạt động chào bán ra công chúng và thắt chặt các quy định về phát hành riêng lẻ.

ADB nhận định rằng một cơ quan xếp hạng địa phương đáng tin cậy là một thành phần quan trọng còn thiếu trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phát triển mạnh mẽ của Việt Nam. Quan hệ đối tác với các cơ quan xếp hạng toàn cầu sẽ mở ra tiềm năng của thị trường, nhưng các cơ quan này muốn chắc chắn rằng nhu cầu xếp hạng là có thật.

ADB cho rằng việc hợp tác kỹ thuật giữa một công ty xếp hạng tín nhiệm toàn cầu và một đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong nước sẽ giúp nâng cao uy tín của đơn vị xếp hạng trong nước (thông qua danh tiếng của công ty xếp hạng toàn cầu về các quy trình quản lý và phân tích nghiêm ngặt), dẫn tới sự chấp nhận rộng rãi hơn của thị trường. Càng nhiều trái phiếu được xếp hạng thì bối cảnh kinh doanh sẽ càng rõ ràng hơn.

Chính phủ có thể đặt nền móng thông qua các cải cách thúc đẩy nhu cầu xếp hạng tín nhiệm và thúc đẩy sự phát triển thận trọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Xem thêm >> Tesla ghi nhận lợi nhuận khủng, tăng 156% so với cùng kỳ bất chấp khủng hoảng Covid-19

Tin mới lên