Tiêu điểm

ADB: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,5% trong năm 2017

(VNF) - Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2016 dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục giữ ổn định trong năm 2016 với mức tăng trưởng 6,7%, sau đó sẽ tăng trưởng chậm hơn ở mức 6,5% trong năm 2017.

ADB: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,5% trong năm 2017

Báo cáo nhận xét rằng động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam là đầu tư trực tiếp của nước ngoài, tiêu dùng và cầu trong nước gia tăng, cùng với các chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Song mặc dù nền kinh tế tăng trưởng khá tốt, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn, cả trước mắt và dài hạn.

Theo ADB, khu vực chế tác định hướng xuất khẩu của Việt Nam hoạt động mạnh, trong khi dòng vốn FDI và cầu trong nước tốt phần nào sẽ bị kìm lại bởi tác động của tình trạng tăng trưởng chậm của Trung Quốc. Con số FDI cam kết mới hầu như không thay đổi trong năm 2015 với 22,8 tỷ USD, cho thấy rằng số FDI giải ngân trong năm nay sẽ không tăng, và thậm chí giảm đi trong năm 2017.

Thu nhập tăng và lạm phát thấp (mặc dù đang tăng tốc) dự báo sẽ khiến tiêu dùng tư nhân tăng. Doanh số bán ô tô tăng mạnh tới hơn 55% trong năm 2015 là một minh chứng về lòng tin người tiêu dùng đã hồi phục. Việt Nam đã trở thành thị trường ô tô tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Niềm tin của doanh nghiệp cũng lạc quan không kém.

Một khảo sát được thực hiện vào tháng 12/2015 cho biết 41% doanh nghiệp kỳ vọng điều kiện kinh tế sẽ cải thiện trong năm 2016, và 40% kỳ vọng điều kiện sẽ giữ ổn định. 

Lạm phát tăng lên trung bình 1,3% trong ba tháng đầu năm 2016 và dự báo đạt trung bình 3,0% trong năm nay và 4,0% trong năm 2017. Chính phủ dự kiến sẽ nâng giá dịch vụ giáo dục và y tế, tăng tiền lương tối thiểu khu vực công. Giá nhập khẩu năm nay sẽ tăng khi tiền đồng mất giá, giá lương thực và nhiên liệu thế giới tăng trong năm 2017 sẽ làm cho lạm phát năm sau cao hơn.

Ngân hàng Nhà nước đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2016 là 18%-20% để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh hơn. Lãi suất cho vay có thể chịu áp lực tăng lên trong giai đoạn dự báo khi lạm phát tăng dần và cầu tín dụng cũng tăng trong khi thanh khoản của ngân hàng eo hẹp hơn.

Cũng theo ADB, chính sách tài khóa sẽ dần dần thắt chặt, song vẫn theo hướng hỗ trợ tăng trưởng. Chính phủ đặt mục tiêu giảm bội chi ngân sách xuống 4,9% GDP trong năm 2016 và 4,0% trong năm 2017. Tiếp tục bước chuyển đã khởi động trong năm 2015, ngân sách 2016 sẽ nhấn mạnh nhiều hơn đến chi đầu tư xây dựng cơ bản, dự kiến sẽ tăng 25,5%. Chi tiêu vãng lai dự kiến tăng ít hơn ở mức 6,5%.

Tuy nhiên, ABD cho rằng, kế hoạch củng cố ngân sách đứng trước nguy cơ thất thu. Trong 5 năm qua, thuế suất thu nhập doanh nghiệp giảm, cắt giảm thuế quan và miễn thuế cho các doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên đã làm cho cơ sở thuế yếu đi. Giá dầu giảm cũng làm cho số thu sụt giảm, khi chiếm đến 10% tổng thu ngân sách.

Thu và trợ cấp của chính phủ giảm từ tương đương 27,6% GDP vào năm 2010 xuống còn 22,0% trong năm 2015. Chính phủ có thể dùng nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và phát hành thêm trái phiếu ngắn hạn để bù đắp cho ngân sách trong ngắn hạn, song để đạt được vị thế tài khóa bền vững hơn sẽ cần phải cải cách chính sách thuế để đảo ngược tình thế sụt giảm tỉ lệ thuế so với GDP. 

"Tiến bộ chậm chạp trong kế hoạch cải cách ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước cũng là những nguy cơ đe dọa triển vọng tích cực của nền kinh tế. Các ngân hàng thiếu vốn và thiếu minh bạch tài chính sẽ tiếp tục dễ bị tổn thương trước các cú sốc", báo cáo của ADB cho hay.

Theo đó, tăng trưởng tín dụng phục hồi có thể dẫn đến một làn sóng đầu cơ mới đối với các dự án bất động sản rủi ro cao. Để giảm thiểu những rủi ro này, ngân hàng trung ương đã có bước đi trong đầu năm 2016 nhằm thắt chặt các yêu cầu cho vay vốn đối với bất động sản, và hạn chế tiềm năng mất đối xứng kỳ hạn trong hoạt động cho vay của ngân hàng. 

"Trong ngắn hạn, Chính phủ Việt Nam phải kiểm soát được ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm, đồng thời củng cố lại vùng đệm kinh tế vĩ mô để cho phép Việt Nam nâng cao được sức chống chịu trước bất kỳ cú sốc kinh tế mới nào trong tương lai," ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam phát biểu. "Về lâu dài, cần nỗ lực nhiều hơn để giải quyết vấn đề tăng trưởng năng suất thấp của Việt Nam và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước tăng cường khả năng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu".

ADB cho rằng, mặc dù Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định thương mại tự do mới, song cũng sẽ phải chấp nhận những chi phí đáng kể. Khi nền kinh tế mở cửa để đón nhận cạnh tranh nhiều hơn, và các tiêu chuẩn xuất khẩu ngặt nghèo hơn, thì các doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực kinh doanh ngày càng gia tăng. 

"Để đảm bảo nền kinh tế có thể tối đa hóa được lợi ích từ các hiệp định thương mại, Chính phủ cần song hành để tạo ra một nền kinh tế có năng suất cao hơn, đổi mới sáng tạo hơn, để sẵn sàng thích ứng với áp lực cạnh tranh gia tăng," ông Sidgwick nói thêm.

Tin mới lên