Ngân hàng

Ai đang gánh nợ xấu?

(VNF) – "Ai gánh nợ xấu?" vẫn là câu hỏi nhức nhối với giới ngân hàng và với cả nền kinh tế.

Ai đang gánh nợ xấu?

Nợ xấu đang do ai gánh?

Theo báo cáo đánh giá tổng quan thị trường tài chính năm 2016 do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia công bố ngày 10/11, đã có khoảng 95.000 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý trong năm 2016. Trong số đó, bán nợ cho VAMC chiếm khoảng 21%, xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro chiếm 26,6%, thu hồi nợ từ khách hàng và bán tài sản đảm bảo chiếm 52,4%.

Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng thẳng thắn thừa nhận, khối lượng nợ xấu vẫn còn rất lớn. Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo hiện vẫn ở mức 2,8%, trong khi nợ xấu bán cho VAMC chiếm khoảng 4,4% tổng dư nợ tín dụng.

Đó là chưa kể các khoản nợ được cơ cấu lại và các khoản nợ xấu tiềm ẩn trong các khoản phải thu và lãi dự thu chưa được các ngân hàng ghi nhận một cách đầy đủ và nghiêm túc.

Cách đây khoảng 3 tuần, phiên thảo luận tổ về tái cơ cấu kinh tế tại Quốc hội cũng "nóng" lên vấn đề nợ xấu. Nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra rất trăn trở với câu hỏi rằng, "ai gánh nợ xấu?" và "có nên sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu hay không?".

Vậy rốt cuộc, ai gánh nợ xấu?

Dễ thấy nhất là chính các ngân hàng. Nhưng chẳng phải ngân hàng nào cũng phải gánh nợ xấu theo cách giống nhau. Đầu tiên có thể kể đến kiểu ngân hàng tự gây ra và tự gánh nợ xấu, tiêu biểu là trường hợp của BIDV và Eximbank.

Hiện BIDV vừa là ngân hàng có nợ xấu tuyệt đối cao nhất, vừa là "quán quân" bán nợ xấu cho VAMC.

Tính đến hết ngày 30/09/2016, nợ xấu của BIDV ở mức 13.681 tỷ đồng, lớn hơn cả nợ xấu của Vietcombank và VietinBank cộng lại. Còn về nợ xấu đã bán cho VAMC, tính đến hết ngày 30/06/2016, BIDV đã bán tới 20.650 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC và mới chỉ trích lập dự phòng được 3.302 tỷ đồng.

Trong khi đó, Eximbank hiện đang "sở hữu" tỷ lệ nợ xấu 3,35% tính đến hết ngày 30/09/2016, cao nhất trong hệ thống ngân hàng. Chỉ 3 tháng trước đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này còn "khủng khiếp" hơn khi ở mức 5,3%.

Ai gánh nợ xấu trường hợp của BIDV

BIDV đang "chật vật" với nợ xấu do chính bản thân tạo ra

Trường hợp của SCB cũng là ví dụ đáng chú ý. SCB hiện nay được hình thành từ 3 ngân hàng yếu kém trước đây gồm: Ngân hàng Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank) và Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank). Vì thế mà nợ xấu của SCB hiện nay được hình thành từ cả 3 ngân hàng với giá trị nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu khác nhau.

Theo công bố từ phía SCB, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này tính đến hết ngày 30/06/2016 ở mức thấp "không tưởng" 0,33%. Tất nhiên nợ xấu thực tế của SCB không thấp như vậy mà một phần lớn được "giấu" trong các khoản phải thu và lãi dự thu. Tổng các khoản phải thu và lãi dự thu của SCB hiện lên đến 51.144 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng, trong đó có 19.044 tỷ đồng là các khoản phải thu, còn lại 32.100 tỷ đồng là lãi dự thu.

Lưu ý rằng trường hợp của SCB là hợp nhất từ 3 ngân hàng và hình thành pháp nhân mới dù vẫn giữ tên SCB của 1 trong 3 ngân hàng hợp nhất. Trường hợp này khác hẳn với trường hợp ngân hàng nhận sáp nhập. 

Kiểu gánh nợ xấu thứ hai của các ngân hàng là nhận sáp nhập ngân hàng. Tiêu biểu nhất trong trường hợp này là Sacombank nhận sáp nhập Southern Bank.

Southern Bank, trước khi sáp nhập, là một ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu khủng khiếp, ở mức 55,31%. Ngay sau khi nhập Southern Bank hồi đầu tháng 10/2015, Sacombank đã ngay lập tức phải trích lập dự phòng rủi ro lên đến 1.128 tỷ đồng trong quý IV/2015, khiến ngân hàng này chịu lỗ tới 671 tỷ đồng, trong khi 3 quý trước đó, ngân hàng này lãi tới 2.140 tỷ đồng. Các quý tiếp theo, ngân hàng này tiếp tục phải trích lập dự phòng với tỷ lệ cao.

Ai gánh nợ xấu trường hợp của Sacombank

Sacombank là trường hợp "đau đớn" trong ngành ngân hàng khi phải nhận lượng lớn nợ xấu từ Southern Bank

Không dừng lại ở đó. Cũng bởi sáp nhập Southern Bank nên Sacombank có nghĩa vụ đảm bảo hoàn trả toàn bộ tiền gửi cho khách hàng gửi tiền tại Southern Bank, khiến chi phí trả lãi tiền gửi của Sacombank tăng vọt. Trong khi đó, các khoản cho vay lại không đem về thu nhập tương xứng khi một hơn nửa dư nợ tín dụng của Southern Bank là nợ xấu. Chi phí tăng, thu nhập không tăng tương xứng, vì thế nên hiệu quả kinh doanh của Sacombank giảm hẳn, cũng là bởi gánh "của nợ" Southern Bank.

Hiện Sacombank vẫn đang phải gánh một lượng lớn nợ xấu từ Southern Bank tiềm ẩn trong các khoản phải thu lên đến 16.916 tỷ đồng và lãi dự thu lên đến 26.073 tỷ đồng, cao thứ hai sau SCB và vượt trội hẳn so với các ngân hàng còn lại.

Trường hợp của Sacombank là một trường hợp rất "đau đớn" trong ngành ngân hàng, bởi ngân hàng này "không làm mà vẫn phải gánh" nợ xấu. Nhưng vì không cho phá sản ngân hàng, nên nợ xấu của Southern Bank chẳng có cách nào xử lý triệt để, bởi vậy nên việc lựa chọn một ngân hàng có tiềm lực tài chính và hoạt động tốt "gánh" nợ xấu của Southern Bank có lẽ là lựa chọn khả dĩ nhất.

Nhưng các ngân hàng không thể gánh hết nợ xấu vì nguồn lực dù dồi dào đến đâu, vẫn có hạn. Hơn nữa, việc gánh nợ xấu cho các ngân hàng yếu kém khác sẽ khiến ngân hàng nhận sáp nhập yếu đi, ảnh hưởng chung đến hệ thống ngân hàng. Thực tế nhiều ngân hàng, dù có tiềm lực tài chính mạnh, nhưng vẫn đang phải vật lộn với chính nợ xấu của mình, chứ chưa nói đến chuyện phải gánh nợ xấu hộ một ngân hàng nào đó.

Ai gánh nợ xấu ngân hàng 0 đồng

Ai đang phải gánh nợ xấu cho các ngân hàng 0 đồng?

Cũng chính vì thế mới có chuyện "Ngân hàng 0 đồng". Ngân hàng 0 đồng là các ngân hàng được Chính phủ mua lại với giá 0 đồng, gồm Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank). Đây là các ngân hàng thuộc dạng "cực kỳ yếu kém" khi vốn chủ sở hữu âm rất nặng, không ngân hàng nào có thể gánh được bởi nếu gánh, ngân hàng đó sẽ yếu đi trông thấy.

Vì thế mà các ngân hàng lớn như VietinBank hay Vietcombank không nhận sáp nhập các ngân hàng này, nghĩa là không gánh nợ xấu hộ, mà chỉ tiếp nhận quản trị, điều hành và hỗ trợ.

Vậy ai gánh nợ xấu của các ngân hàng 0 đồng?

Trong trường hợp của các ngân hàng 0 đồng, người ta thấy rõ ràng sự tác động của bàn tay Nhà nước. Việc vốn chủ sở hữu của các ngân hàng này âm tới hàng nghìn tỷ đồng và Chính phủ mua lại với giá 0 đồng đã cho thấy chính Nhà nước đã phần nào phải gánh hậu quả nặng nề từ nợ xấu của các ngân hàng 0 đồng.

Thế mới thấy, việc sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu thực tế đã được diễn ra, và nếu không cho phá sản ngân hàng, thì chẳng còn cách nào khác. Nhưng kể cả khi cho phá sản ngân hàng, trong khi Chính phủ vẫn đảm bảo toàn bộ quyền lợi của người gửi tiền, thì cũng chẳng có gì khác mấy so với việc sử dụng ngân sách ngay từ đầu để xử lý nợ xấu. Có chăng, hệ thống ngân hàng chỉ "nhẽ nhõm" đi phần nào.

Việc xử lý nợ xấu bằng ngân sách đang được gợi mở khi ngày 08/11 vừa qua, Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 đã được Quốc hội thông qua, theo đó, nội dung nghị quyết có đề cấp đến việc bố trí "nguồn lực phù hợp" để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu.

Tin mới lên