Tiêu điểm

Ái Việt - Nơi ‘cá hồi’ ngược dòng tìm về nguồn cội

(VNF) - ‘Mong cho nước Việt luôn là đất lành để các con dân Việt thi thố tài năng, xây dựng sự nghiệp’, đó là trăn trở của ông Nguyễn Thành Nam - Chủ tịch Câu lạc bộ AIVIET (Ái Việt), khi nói về sự ra đời của tổ chức đặc biệt này. Ông Nam hài hước gọi những thành viên Ái Việt là “cá hồi”, bởi hầu hết họ là những người Việt đã và đang học tập, làm việc tại các nước phát triển, có mong muốn về nước xây dựng sự nghiệp và góp sức vào sự phát triển của quê hương Việt Nam.

Ái Việt - Nơi ‘cá hồi’ ngược dòng tìm về nguồn cội

Ông Nguyễn Thành Nam dùng hình tượng cá hồi để chỉ các tài năng khoa học kỹ thuật gốc Việt có động cơ tự thân trở về Việt Nam xây dựng sự nghiệp.

Ông Nguyễn Thành Nam sinh năm 1961, từng là du học sinh ngành Toán tại Matxcova, Liên Bang Nga. Ngày 13/9/1988, sau khi về nước, ông Nguyễn Thành Nam đã cùng 12 người khác, đứng đầu là ông Trương Gia Bình, sáng lập Tập đoàn FPT. Ông Nguyễn Thành Nam từng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phần mềm FPT (FPTSoftware), Tổng giám đốc Tập đoàn FPT. Hiện, ông Nam là sáng lập viên trường Đại học trực tuyến FUNiX và dành nhiều thời gian để cố vấn cho những người trẻ khởi nghiệp.

‘Sao ông không ở chỗ sáng mà lại về chỗ tối vậy?’

“Hồi còn làm FPTSoftware, các khách hàng Nhật rất hay đem các công ty Tàu ra "dọa ma" chúng tôi. Trong các con "ma" đó, có một công ty tên là Neusoft. May mắn thay, năm 2010, chủ tịch Neusoft là bác Lưu Trí Nhân sang Việt Nam dự Diễn đàn kinh tế châu Á, ghé thăm FPTSoftware TP. HCM. Tôi vội chạy vào diện kiến. Thế rồi, thành chỗ đi lại, tâm giao. Bàn nhiều việc mà không thành, nhưng có những bài học không bao giờ quên”, ông Nguyễn Thành Nam kể về mối duyên khiến ông ấp ủ ý định thành lập câu lạc bộ Ái Việt từ gần 10 năm trước.

Tập đoàn Neusoft mà ông Nguyễn Thành Nam nhắc tới là nhà gia công công nghệ thông tin lớn nhất ở Trung Quốc, với hơn 20.000 nhân công, chuyên cung cấp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin cũng như công nghệ y dược. 

Một lần, ông Nguyễn Thành Nam được ông Lưu Trí Nhân dẫn đi xem dây chuyền sản xuất các máy X-ray và MRI hiện đại của Neusoft, ông Nam rất ngạc nhiên vì chất lượng máy móc tại đây. Cũng trong lần đó, ông Nguyễn Thành Nam được ông Lưu Trí Nhân giới thiệu và gặp gỡ Giám đốc phụ trách Y tế của Neusoft.

“Nghe diễn thuyết một lúc, đợi đỡ ù tai, tôi mới hỏi ông ta: Không hiểu trước đây ông làm ở đâu mà giỏi thế?”, ông Nam nhớ lại.

Sau khi biết Giám đốc Y tế của Neusoft khi đó từng là trưởng khoa Y của một đại học danh tiếng ở Mỹ, ông Nguyễn Thành Nam càng ngạc nhiên và tiếp tục hỏi: ‘Ồ, lạ quá, vậy sao ông không ở chỗ sáng mà lại về chỗ tối vậy?”.

Thế nhưng, vị Giám đốc phụ trách Y tế của Neusoft không đưa cho ông Nam câu trả lời chính xác: "Tôi cũng không biết nữa, tôi gặp ông Lưu này ở một hội thảo, ông ấy bảo: Anh về nhanh đi, kẻo muộn, sau hối không kịp. Thế là tôi về nhà bàn với vợ con, rồi về".

Sau đó, qua Chủ tịch Neusoft Lưu Trí Nhân, ông Nguyễn Thành Nam biết được Ban Hoa kiều trung ương của Trung Quốc có danh sách tất cả các nhà khoa học gốc Hoa đang làm việc ở châu Âu, Mỹ, Nhật. Nhưng, họ không kêu gọi chèo kéo. Họ âm thầm tìm quê hương tổ tiên của người đó. Ngày giỗ, ngày Tết, cử người về thăm họ hàng, thắp hương, rồi chụp ảnh gửi sang cho nhà khoa học đó, coi như làm hộ nghĩa vụ của người con trong gia đình.

Bằng cách đó, họ duy trì một mối quan hệ có tính tâm linh với mạng lưới, kiểu như chăm cái cây. Còn việc tiếp cận và sử dụng những nhà khoa học đó, tạo điều kiện cho họ được thỏa chí tang bồng, xây dựng sự nghiệp là việc của các doanh nghiệp hoặc các dự án cụ thể của Nhà nước. 

“Tiếng tàu, “thâm” có nghĩa là sâu sắc. Trong trường hợp này, hành động của Ủy ban Hoa kiều thực sự là “thâm” theo nghĩa tốt nhất của nó”, ông Nam chia sẻ và cho biết: “Từ đó tôi ấp ủ ý tưởng, tạo ra một chỗ, âm thầm theo dõi và ủng hộ các tài năng khoa học kỹ thuật gốc Việt, để lúc nào đó thuận lợi, tạo điều kiện để họ được thi thố tài năng thể hiện bản thân, xây dựng sự nghiệp ngay chính tại quê hương mình. Rất may là nói ra cũng được một số anh em gần xa ủng hộ để lập nên Câu lạc bộ AIVIET này”.

Ái Việt - Nơi "cá hồi" ngược dòng tìm về nguồn cội

Theo Chủ tịch Câu lạc bộ Nguyễn Thành Nam, AIVIET lấy cảm hứng từ tinh thần yêu nước và tên của một vị PGS.TS ngành vật lý Việt Nam - Nguyễn Aiviet (một cái tên đặc biệt được viết liền không dấu).

Tiến sỹ Nguyễn Aiviet luôn nhắc đi nhắc lại, tên ông là Ái Việt, ko phải Việt. Ông sinh năm 1954 trong một gia đình văn chương, học chuyên Toán, tốt nghiệp ngành Vật Lý lý thuyết tại Hungary. Năm 1991, ông được mời sang Mỹ và chuyển sang nghề Công nghệ thông tin. Ông đã từng là kỹ sư trưởng phần mềm chuyên về an ninh an toàn thông tin tại các tập đoàn như AT&T và Siemens.

Năm 2003, theo lời kêu gọi của Bộ trưởng Phạm Gia Khiêm, ông đưa cả gia đình về nước, làm Viện phó Viện chiến lược của Bộ Thông tin và Truyền thông, rồi Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin của Đại học Quốc gia Hà Nội. Dẫu đã đến tuổi hưu trí, ông vẫn khởi nghiệp với công ty phần mềm với giấc mơ cạnh tranh với Google Translate. 

 Thư chúc mừng Câu lạc bộ AIVIET của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Ở Câu lạc bộ AIVIET, ông Nguyễn Thành Nam dí dỏm gọi các thành viên là "cá hồi".

Cá hồi được sinh ra ở vùng nước ngọt nhưng khi đủ lớn, loài cá này sẽ bơi ra đại dương - nơi chúng có thể thoả sức vẫy vùng. Đến khi đẻ trứng, cá hồi - giống như tên gọi của nó, sẽ hồi hương về nơi mà chúng đã ra đi.

Ông Nam dùng hình tượng cá hồi để chỉ các tài năng khoa học kỹ thuật gốc Việt có động cơ tự thân trở về Việt Nam để xây dựng sự nghiệp.

“Đi nước ngoài học xong thì đừng về vội, cứ lăn lộn, cứ vùng vẫy. Đến một lúc nào đó, đủ trưởng thành, các bạn sẽ đặt câu hỏi có nên về không nhỉ? Khi đó, nếu "cá hồi" nào muốn trở về thì chúng tôi sẽ khơi dòng’, ông Nguyễn Thành Nam chia sẻ.

Câu lạc bộ AIVIET "khơi dòng" cho các "cá hồi" bằng ba cách: tạo môi trường, cố vấn và kết nối đầu tư. Mục tiêu cuối cùng của AIVIET là “tạo ra các điều kiện thuận lợi để thu hút những tài năng khoa học kỹ thuật gốc Việt từ nước ngoài về Việt Nam lập nghiệp, xây dựng cơ đồ”, theo lời ông Nguyễn Thành Nam.

Trước khi gần 100 “cá hồi” như Giáo sư Vũ Hà Văn - Viện trưởng Viện BigData của Vingroup, Chủ tịch TMG Trần Trọng Kiên, Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính, Tổng giám đốc VCCorp Nguyễn Thế Tân…cùng ngồi lại với nhau vào ngày 26/8 vừa qua để tổ chức Đại hội lần thứ nhất của Câu lạc bộ AIViet thì khoảng 10 buổi “Kể chuyện cá hồi” đã được tổ chức, kể từ tháng 5/2018.

Tin mới lên