Tài chính quốc tế

AirAsia có cất cánh thành công sau 3 lần thất bại ở Việt Nam?

(VNF) - AirAsia - từng 3 lần thất bại ở thị trường Việt - liệu có cất cánh thành công ở lần thâm nhập thứ 4 này?

AirAsia có cất cánh thành công sau 3 lần thất bại ở Việt Nam?

AirAsia 3 lần muốn đầu tư lập hàng không giá rẻ tại Việt Nam đều thất bại.

Bloomberg mới đây đưa tin hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á AirAsia của tỷ phú người Malaysia Tony Fernandes đang có kế hoạch mở hãng bay tại Việt Nam thông qua hợp tác với hợp tác với Công ty TNHH Gumin, Công ty cổ phần hàng không Hải Âu và doanh nhân Trần Trọng Kiên.

Theo AirAsia, liên doanh mới này có thể cất thị trường Việt vào đầu năm 2018, trong đó Gumin nắm 70% và AirAsia nắm 30% (mức tối đa có thể). Vốn đầu tư của liên doanh này sẽ khoảng 44 triệu USD (1.000 tỷ đồng).

Trong hơn 10 năm qua, AirAsia đã 3 lần muốn thâm nhập thị trường Việt Nam nhưng đều thất bại do những quy định chặt chẽ về tỷ lệ sở hữu vốn cũng như thương hiệu của nước sở tại.

Cách đây chục năm, AirAsia đã "để mắt" tới thị trường hàng không Việt Nam. Sau Malaysia, Thái Lan và Indonesia, Việt Nam là thị trường thứ tư trong khu vực ASEAN mà hãng này muốn đẩy mạnh phát triển hàng không giá rẻ.

Cơ hội đến với hãng vào năm 2005, thời điểm Chính phủ tái cơ cấu hãng hàng không Pacific Airlines (nay là Jetstar Pacific), năm 2005. AirAsia khi ấy là một trong 3 ứng viên (cùng với tập đoàn đầu tư Temasek của Singapore và tập đoàn hàng không Qantas - Úc) tham gia góp vốn vào Pacific Airlines.

Tuy nhiên, AirAsia không thành công vì không đáp ứng được điều kiện liên doanh góp vốn. Hãng này muốn góp vốn bằng giá trị máy bay trong khi Pacific Airlines cần tiền mặt để vực dậy hoạt động kinh doanh.

Hơn nữa, Bộ Tài chính đã không chọn AirAsia vì họ trả giá thấp hơn so với Qantas với mô hình hàng không giá rẻ Jetstar. 

AirAsia 3 lần muốn đầu tư lập hàng không giá rẻ tại Việt Nam đều thất bại.

Sau thất bại đó, tháng 8/2007, lần thứ hai AirAsia tỏ ý đầu tư vào thị trường hàng không Việt Nam khi đạt được thỏa thuận liên doanh với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thành lập hãng hàng không giá rẻ Vina AirAsia. Hãng góp khoảng 30 triệu USD (khoảng 480 tỷ đồng lúc bấy giờ), tương đương 30% vốn, trong đó có 1/3 là tiền mặt.

Trách nhiệm của Vinashin trong việc thành lập liên doanh này có được sự phê chuẩn của Chính phủ, giấy phép từ cơ quan quản lý hàng không và triển khai các thủ tục cần thiết khác để thành lập một hãng hàng không mới. Còn phía AirAsia tiến hành mua tàu bay, dự kiến 9 chiếc, cũng như chuẩn bị các điều kiện khác để vận hành một hãng hàng không giá rẻ.

Song, dự án đầu tư này cũng bất thành. Văn bản xin phép của Vinashin đã bị từ chối với lý do, thời điểm đó, Chính phủ chưa có chủ trương cho thành lập hãng hàng không mới, nhất là hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài.

Lần thứ ba, AirAsia quyết tâm đầu tư làm hàng không giá rẻ tại Việt Nam khi liên doanh với VietJet Air - khi hãng hàng không tư nhân đầu tiên này quyết tâm bay trở lại trước khi bị rút giấy phép vào cuối năm đó.

Tháng 2/2010, AirAsia thông báo đã mua 30% cổ phần của VietJet Air. Người chuyển nhượng cổ phần cho AirAsia là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, cổ đông phổ thông nắm giữ 30% cổ phần của VietJet Air.

Tháng 4/2010, AirAsia tiến thêm một bước với kế hoạch thành lập liên doanh VietJet AirAsia khi ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với VietJet Air để giúp hãng hàng không tư nhân này sớm khai thác các hoạt động bay tại thị trường Việt Nam.

Dự kiến, VietJet AirAsia sẽ cất cánh vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8/2010, với 4 máy bay Airbus A320 trong giai đoạn đầu cho các chuyến bay nội địa và quốc tế.

Tuy nhiên, lại một lần nữa, việc đầu tư này gặp trục trặc khi điều kiện tiên quyết: VietJet Air phải được phép sử dụng thương hiệu AirAsia cho các hoạt động thương mại, đã không được cơ quan quản lý chấp thuận.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa VietJet Air và AirAsia năm 2010.

Sau gần 2 năm chờ đợi và đeo đuổi liên doanh với VietJet Air, AirAsia đành phải thoái vốn và từ bỏ tham vọng của mình. Có lẽ, chứng kiến Vietjet Air từ con số 0 tròn trĩnh đến nay nắm tới 41% thị phần trong nước, hẳn AirAsia sẽ vô cùng tiếc nuối.

Tiềm năng của lĩnh vực hàng không giá rẻ ở Việt Nam đã trở nên rõ ràng, cũng đồng nghĩa với việc AirAsia được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn trước 2 đối thủ mạnh là Vietjet và Jetstar do đã quá chậm chân trong việc thâm nhập thị trường Việt Nam, theo nhận định của một chuyên gia.

Có lẽ cũng nhận thức được điều này nên mức đầu tư được AirAsia công bố có vẻ như khá khiêm tốn. Theo kế hoạch, AirAsia sẽ đầu tư khoảng 44 triệu USD, sau khi liên doanh đi vào hoạt động và quyết định mức vốn điều lệ thì tập đoàn Malaysia này sẽ đóng góp khoảng 30%. Đây là một mức đầu tư khá thấp so với một hãng hàng không giá rẻ lớn nhất khu vực Đông Nam Á và được xem là một trong những hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới. Có vẻ như AirAsia muốn thăm dò thị trường nhiều hơn là quyết tâm cạnh tranh quy mô lớn ngay từ đầu.

Tin mới lên