Thị trường

AirVisual đang trở thành 'ứng dụng quốc dân' của người Việt

(VNF) - AirVisual đang trở thành một trong những ứng dụng được download nhiều nhất tại Việt Nam.

AirVisual đang trở thành 'ứng dụng quốc dân' của người Việt

AirVisual là ứng dụng được sử dụng để đo mức độ ô nhiễm không khí

AirVisual là gì?

AirVisual là ứng dụng cung cấp thông tin về mức độ ô nhiễm tại các thành phố trên thế giới theo thời gian thực, cũng như dự đoán về tình trạng không khí tại các thời điểm trong ngày và các ngày trong tuần, từ đó cho phép người dùng sắp xếp chế độ sinh hoạt hay đi lại phù hợp.

Ứng dụng AirVisual sử dụng dữ liệu từ các trạm đo không khí được đặt khắp nơi trên thế giới để đưa ra thông số và dự đoán về mức độ ô nhiễm không khí. Hiện tại, ứng dụng này hỗ trợ gần như đầy đủ các tỉnh, thành tại Việt Nam nên người dùng có thể sử dụng như một công cụ để tham khảo về tình trạng không khí tại nơi mình sinh sống.

Trả lời báo chí, AirVisual cho biết đơn vị này là tổ chức tổng hợp lớn nhất về dữ liệu chất lượng không khí.

"Chúng tôi thu thập dữ liệu từ các trạm kiểm soát không khí của chính phủ và các tổ chức phi chính phủ khắp thế giới", đại diện IQAir AirVisual cho biết.

Tại Hà Nội, AirVisual khẳng định họ lấy dữ liệu từ 14 trạm quan trắc, trong đó 10 trạm là của chính phủ, bao gồm 9 trạm của Cổng Thông tin Quan trắc Môi trường, 1 trạm của Đại sứ quán Mỹ và 4 trạm của "người đóng góp (contributors)”.

Tại TP. HCM, AirVisual có dữ liệu từ 7 trạm, gồm Lãnh sự quán Mỹ, các tổ chức phi chính phủ gồm các đối tác của AirVisual (một đại học và các trường học).

AirVisual lọt top ứng dụng được download hàng đầu tại Việt Nam

AirVisual đang là ứng dụng được download hàng đầu tại Việt Nam

Chất lượng không khí trong thời gian vừa qua tại Hà Nội và TP. HCM là một trong những nguyên nhân khiến ứng dụng AirVisual nhận được sự quan tâm đặc biệt tại Việt Nam.

Cụ thể, trên các kho ứng dụng của người dùng IOS và Android, AirVisual nằm trong top các ứng dụng được download hàng đầu tại Việt Nam.

Trong phần đánh giá, nhiều người dùng Việt cũng cho biết sở dĩ họ cài ứng dụng là để biết được chất lượng không khí mỗi ngày tại khu vực mình sinh sống, từ đó có những biện pháp bảo vệ cho mình, đồng thời thông báo đến người thân đặc biệt là người già, trẻ nhỏ.

Một số người dùng cũng góp ý, cho rằng các ứng dụng nên mở rộng các phạm vi đo đạc, đồng thời nên có thêm tính năng cảnh báo khi người dùng đi vào vùng không khí chất lượng kém.

Trước đó, khi Airvisual công bố chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Hà Nội và TP. HCM lần lượt là 187 và 172, dẫn đầu danh sách các thành phố có chất lượng không khí xấu nhất thế giới, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường TP. Hà Nội cho rằng các số liệu thống kê chưa đầy đủ và không khách quan.

"Khu vực Đại sứ quán Mỹ nằm cạnh đường Láng Hạ, có mật độ giao thông cao, nhiều công trình đang xây dựng nên cũng là một trong những điểm có chất lượng không khí kém so với mặt bằng chung của thành phố. Vì vậy, số liệu này không đại diện cho cả thành phố và cũng không chính xác", đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường TP. Hà Nội phân tích.

Trong khi đó, ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường TP. HCM cho biết hiện tượng sương mù quang hóa năm nay có dấu hiệu bất thường. Các năm trước, hiện tượng này chỉ kéo dài 6-7 ngày rồi tan nhưng năm nay thì kéo dài.

Tin mới lên