Tài chính quốc tế

Alibaba và kế hoạch 'giảm cân'

Trước những khó khăn chồng chất, Alibaba đã tiến hành cắt giảm chi phí vào đầu năm nay và khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy kế hoạch này.

Alibaba và kế hoạch 'giảm cân'

Biểu tượng Alibaba trên màn hình máy tính tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo thông lệ, các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc như Alibaba sẽ công bố sản phẩm mới hoặc những cải tiến trong đợt công bố kết quả quý II. Tuy nhiên, năm nay, đã có một sự khác biệt khi nhà lãnh đạo của tập đoàn này thông báo về kế hoạch cắt giảm chi phí, trước những khó khăn chồng chất.

Nuốt nhiều “trái đắng”

Hoạt động kinh doanh của Alibaba đã bị ảnh hưởng nặng nề trong quý II/2022 trước khi Trung Quốc đóng cửa các thành phố lớn trên khắp đất nước để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Mua sắm trực tuyến có xu hướng phát triển mạnh trong thời gian phong tỏa xã hội, nhưng Alibaba cho biết doanh thu giảm chủ yếu do tác động từ sự hồi sinh của dịch COVID-19, cũng như những hạn chế dẫn đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng và logistics trong tháng Tư và phần lớn tháng Năm.

Bên cạnh đó, Alibaba phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ như JD.com và Pinduoduo, những công ty ghi nhận số lượng người dùng tăng lên. Ngoài ra, Alibaba còn “vật lộn” với việc tăng cường giám sát đối với ngành công nghệ của Chính phủ Trung Quốc, các khoản tiền phạt và đà giảm tốc của nền kinh tế.

Alibaba đã phải chịu sức ép kể từ cuối năm 2020 khi nhà sáng lập-tỷ phú Jack Ma công khai chỉ trích hệ thống quản lý của Trung Quốc, gây ra một chuỗi sự kiện mà sau đó Trung Quốc đưa ra mức phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD cho “gã khổng lồ” Internet này và đưa ra một loạt quy định mới cho lĩnh vực Internet.

Chưa dừng tại đó, mới đây, Alibaba đã trở thành cái tên mới nhất trong số hơn 270 doanh nghiệp được thêm vào danh sách các công ty Trung Quốc có thể bị hủy niêm yết tại Mỹ của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) do không đáp ứng các yêu cầu kiểm toán.

Theo Đạo luật yêu cầu các công ty nước ngoài chịu trách nhiệm (HFCAA) năm 2020, có hiệu lực từ năm 2021, cơ quan chức năng Mỹ có thể cấm doanh nghiệp niêm yết giao dịch cổ phiếu nếu cơ quan giám sát của Mỹ không thể kiểm tra các công ty kiểm toán cho những doanh nghiệp này trong 3 năm liên tiếp. Lãnh đạo hai nước đang tìm cách giải quyết tranh chấp kéo dài về việc tuân thủ kiểm toán của các công ty Trung Quốc được niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ. Nếu các nhà chức trách hai bên không đạt được thỏa thuận, Alibaba sẽ là doanh nghiệp Trung Quốc lớn nhất bị hủy niêm yết ở Mỹ.

Biểu tượng của Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba Group. ảnh: Reuters

Kế hoạch "giảm cân"

Trước những khó khăn chồng chất, Alibaba đã tiến hành cắt giảm chi phí vào đầu năm nay và khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy kế hoạch này.

Đầu năm nay, Alibaba đã thông báo một trong những đợt sa thải nhân viên quy mô lớn trong nỗ lực ứng phó với chiến dịch cải cách quy định của chính phủ. Theo kế hoạch, tập đoàn thương mại điện tử này có thể cắt giảm hơn 15% tổng lực lượng lao động, tương đương khoảng 39.000 nhân viên. Năm 2021, tổng số nhân viên của Alibaba đã tăng hơn gấp đôi lên 251.462 người so với năm 2019.

Toby Xu, Giám đốc Tài chính của Alibaba, cho biết trong những quý tới và phần còn lại của tài khóa hiện hành, Alibaba sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược tối ưu hóa và kiểm soát chi phí. Ông Xu cho biết “gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc đã thu hẹp được khoản thua lỗ trong một số mảng kinh doanh chiến lược.

Tuy nhiên, trợ giảng tại Đại học New York, Winston Ma, nhận định để quay trở lại con đường tăng trưởng thu nhập, việc tối ưu hóa chi phí là không đủ, Alibaba cần phải tìm ra những động lực tăng trưởng mới. Trước vấn đề trên, Alibaba đã thực hiện một hành động cân bằng để thuyết phục nhà đầu tư rằng trong khi tiến hành kế hoạch “giảm cân”, tập đoàn này cũng vẫn đầu tư vào tương lai.

Một quan chức cấp cao của Alibaba cho biết tập đoàn này đang tập trung vào việc thúc đẩy mảng kinh doanh điện toán đám mây và các nhà đầu tư tin rằng đây là chìa khóa để tập đoàn đạt được lợi nhuận lớn hơn trong tương lai. Điện toán đám mây là lĩnh vực phát triển nhanh nhất tính theo doanh thu của Alibaba trong quý II/2022.

Trong quý II/2022, doanh thu của Alibaba gần như đi ngang và thu nhập ròng giảm 50%. Theo FactSet, Alibaba báo cáo doanh thu đạt 205,6 tỷ NDT (30,4 tỷ USD) trong quý II vừa qua, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn tốt hơn so với ước tính trung bình của các nhà phân tích là 30,09 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên tập đoàn này báo cáo doanh thu hàng quý giảm. Lợi nhuận ròng của Alibaba trong quý trước giảm 50%, xuống 22,7 tỷ NDT (3,4 tỷ USD).

Tin mới lên