Tài chính quốc tế

Ấn Độ: Nhập khẩu dầu Nga là một phần trong chiến lược quản lý lạm phát

(VNF) - Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman ngày 8/9 cho biết nhập khẩu dầu mỏ của Nga là một phần trong chiến lược quản lý lạm phát của Ấn Độ.

Ấn Độ: Nhập khẩu dầu Nga là một phần trong chiến lược quản lý lạm phát

Ấn Độ là nước tiêu thụ và nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới.

Phát biểu tại cuộc hội thảo do Hội đồng Nghiên cứu về Quan hệ Kinh tế Quốc tế (ICRIER) tổ chức ngày 8/9, Bộ trưởng Sitharaman cho biết Ấn Độ đã tăng cường nhập khẩu dầu Nga từ mức 2% lên mức 12-13% tổng lượng dầu nhập khẩu từ tất cả các nguồn trong vài tháng như một phần của quản lý lạm phát.

Cũng theo bà Sitharaman, Ấn Độ cũng như một số nước khác, như Nhật Bản và Italy, đang thực hiện cân bằng giữa quan hệ thương mại và các quan hệ khác với các nước, theo đó duy trì quan hệ với tất cả các nước nhưng vẫn tìm cách của riêng họ để nhập khẩu dầu thô và khí đốt của Nga.

Sau khi chiến sự Nga-Ukraine diễn ra, giá dầu thô đã tăng hơn 100 USD/thùng gây ra lạm phát trên toàn cầu. Trong khi đó Ấn Độ là nước tiêu thụ và nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới, nước này nhập khẩu 80-85% tổng nhu cầu năng lượng từ nước ngoài.

Trong bối cảnh loạt nước phương Tây áp lệnh trừng phạt lên Moscow, một số quốc gia, trong đó có Ấn Độ, đã ký kết các thỏa thuận song phương để mua dầu và khí đốt Nga với giá chiết khấu. Các bộ trưởng trong chính phủ Ấn Độ nhiều lần khẳng định rằng nước này cần tiếp tục mua năng lượng từ Nga để kiểm soát lạm phát.

Giá bán lẻ tại Ấn Độ trong tháng 7 vừa qua cao hơn 6,71% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, tỷ lệ lạm phát hằng năm đã bảy tháng liên tiếp vượt biên độ từ 2-6% mà ngân hàng trung ương nước này xác định là chấp nhận được.

Mới đây, Financial Times dẫn số liệu mà Hải quan Trung Quốc và Ấn Độ công bố cho thấy, cả 2 quốc gia này đều đẩy mạnh việc mua dầu mỏ từ Nga, với giá trị tăng 9 tỷ USD trong quý II so với quý I/2022.

Trong đó, Ấn Độ là nước gia tăng mạnh mẽ việc nhập khẩu năng lượng từ Nga, khi lượng dầu thô vận chuyển từ Nga tới nước này tăng từ 0,66 triệu thùng lên mức 8,42 triệu thùng.

Ở động thái liên quan, mới đây, Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 2/9 đã nhất trí thông qua quyết định áp trần giá dầu nhập khẩu của Nga với mục tiêu nhắm trực tiếp vào nguồn thu của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng thời vẫn duy trì dòng chảy dầu, tránh được việc đẩy giá giá dầu leo thang cao hơn.

Phát biểu tại Hội nghị và Triển lãm Gastech 2022 diễn ra ở Milan, Italy ngày 5/9, khi được hỏi liệu Ấn Độ có tham gia áp giá trần với dầu Nga hay không, Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Shri Hardeep Singh Puri nói rằng nền kinh tế thế giới vẫn đang điều chỉnh để chống lại các tác động của đại dịch Covid-19 và chiến sự Nga – Ukraine do đó Ấn Độ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng đề xuất của G7 và xem xét nó có ý nghĩa thế nào với nền kinh tế.

Cũng theo ông Puri, vẫn chưa rõ những quốc gia nào sẽ tham gia cơ chế giá trần của G7 và những tác động tiềm tàng của đề xuất đối với thị trường năng lượng toàn cầu.

Xem thêm >> OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng để nâng giá dầu

Tin mới lên