Tài chính quốc tế

'Ẩn số' trong bài toán suy thoái kinh tế: Xu hướng cắt giảm nhân lực toàn cầu

(VNF) - Kinh tế toàn cầu biến động trong thời gian dài bởi tác động của các yếu tố nội và ngoại sinh đã khiến mối lo ngại về suy thoái ngày càng gia tăng. Điều này buộc các công ty toàn cầu phải có quyết sách ứng phó, bao gồm cả những thay đổi về chiến lược nhân sự như đóng băng tuyển dụng hoặc sa thải hàng loạt nhân viên.

'Ẩn số' trong bài toán suy thoái kinh tế: Xu hướng cắt giảm nhân lực toàn cầu

Dấu hiệu đáng ngại từ nền kinh tế

Đại dịch Covid-19, cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và những hệ quả của chúng đã dẫn đến sự sụt giảm kinh tế đáng kể vào năm 2022. Giá một số mặt hàng thông thường đang đạt mức kỷ lục, tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu. Thị trường chứng khoán cũng trải qua nửa đầu năm đầy sóng gió với những cuộc bán tháo cổ phiếu từ các nhà đầu tư.

Do đó, “suy thoái sẽ khó tránh khỏi” đối với nhiều quốc gia, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết vào tháng 6. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2009, đây là lần đầu nền kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ này. Dữ liệu tháng 7 cho thấy tăng trưởng GDP của Mỹ đã giảm trong quý thứ 2 liên tiếp, điều này đã khuấy động cuộc tranh luận về việc liệu nước này có đang hoặc sẽ sớm rơi vào suy thoái hay không.

Trong báo cáo về triển vọng tăng trưởng toàn cầu mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố hồi cuối tháng 7, cơ quan này đã một lần nữa cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới cho năm 2022 xuống còn 3,2%, đi kèm cảnh báo về một cuộc suy thoái kinh tế vào năm 2023.

Pierre-Olivier Gourinchas, cố vấn kinh tế và giám đốc nghiên cứu của IMF, cho biết: “Triển vọng đã tối đi đáng kể từ tháng 4. Thế giới có thể sẽ sớm tiến tới bờ vực của cuộc suy thoái toàn cầu, chỉ 2 năm sau cuộc suy thoái cuối cùng”.

Theo kết quả khảo sát do Ngân hàng Mỹ thực hiện với các nhà quản lý quỹ toàn cầu được công bố ngày 16/8, phần lớn các nhà đầu tư hiện nay cũng tin rằng nền kinh tế toàn cầu có khả năng rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới. Cụ thể, 58% người được hỏi tin rằng có khả năng xảy ra suy thoái, tăng so với mức 47% từ cuộc khảo sát được thực hiện 1 tháng trước, cho thấy nguy cơ suy thoái toàn cầu hoàn toàn tồn tại và đang khiến tất cả thành phần trong nền kinh tế lo ngại, chứ không đơn thuần là một dự báo viển vông.

Thông điệp ‘ảm đạm’ từ những công ty đầu ngành

Trước những biến động của thị trường, nhiều công ty đã lựa chọn phương án cân nhắc lại tình hình nhân sự. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, nhóm ngành bị bán tháo cổ phiếu nhiều nhất từ đầu năm, hơn 28.000 nhân viên công nghệ tại hơn 150 công ty đã bị sa thải.

Alphabet, công ty mẹ của Google, đã giảm tốc các nỗ lực tuyển dụng. Theo giám đốc điều hành Sundar Pichai, mặc dù doanh nghiệp đã bổ sung 10.000 nhân viên trong quý II năm nay nhưng sẽ giảm tốc độ tuyển dụng cho tới cuối năm do các trở ngại kinh tế. Tính tới tháng 3/2022, công ty có gần 164.000 nhân viên.

Hồi tháng 4, nhà bán lẻ Amazon cho biết họ đã thừa nhân sự sau khi tiến hành tuyển dụng số lượng lớn trong thời gian đại dịch, do đó cần phải cắt giảm. Trong buổi báo cáo thu nhập hàng quý vào ngày 28/7, “gã khổng lồ” thương mại điện tử cho hay việc bổ sung nhân sự của tập đoàn đang có tốc độ chậm nhất kể từ năm 2019. Amazon hiện có 1,52 triệu công nhân và vẫn là nhà tuyển dụng lớn nhất trong thế giới công nghệ, bất chấp việc giảm số lượng nhân viên.

Meta, công ty mẹ của Facebook, cũng đã cắt giảm kế hoạch thuê kỹ sư ít nhất 30% sau khi Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg nói với các nhân viên rằng ông dự đoán sẽ có một trong những đợt suy thoái tồi tệ nhất lịch sử. Tính tới cuối quý I, tập đoàn có hơn 77.800 nhân viên.

“Táo khuyết” Apple cũng đang có kế hoạch giảm bớt việc tuyển dụng và chi tiêu tại một số bộ phận trong năm tới để đối phó với tình trạng kinh tế có khả năng sụt giảm. Tương tự, Microsoft Corp đã thông báo với các nhân viên vào tháng 5 rằng công ty đang giảm tốc độ tuyển dụng trong các nhóm Windows, Office và Teams do phải chịu sự biến động từ kinh tế.

“Đế chế streaming lớn nhất thế giới” Netflix cũng đã có nhiều đợt sa thải công khai kể từ khi báo cáo giảm 200.000 người đăng ký trong quý I. Vào tháng 4, công ty bắt đầu thu hẹp quy mô một số sáng kiến tiếp thị, sau đó cắt giảm 150 nhân viên vào tháng 5 và 300 nhân viên vào tháng 6.

Nhà sản xuất xe điện hàng đầu Tesla Inc cũng cắt giảm 200 công nhân lái xe tự động khi đóng cửa một cơ sở ở San Mateo, California, vào tháng 6. Giám đốc điều hành Elon Musk trước đó đã nói rằng việc sa thải nhân viên là cần thiết trong một môi trường kinh tế ngày càng bất ổn. Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông nói rằng khoảng 10% nhân viên làm công ăn lương sẽ mất việc trong thời gian tới. Công ty này hiện có khoảng 100.000 nhân viên trên toàn cầu.

Không chỉ các công ty tại Phố Wall, mà ngay tại Trung Quốc, “gã khổng lồ thương mại điện tử” Alibaba đã cho thôi việc 4.375 nhân viên trong quý I và 9.241 người khác trong quý II, trong thời điểm lạm phát gia tăng, chi phí nguyên vật liệu và căng thẳng chính trị leo thang. Ngoài ra, còn rất nhiều công ty lớn khác như công ty công nghệ vận tải Uber, nhà bán lẻ trực tuyến Wayfair, công ty điện toán đám mây Oracle, sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase, ứng dung tìm việc LinkedIn, công ty môi giới Robinhood,… cũng lên kế hoạch tạm ngưng tuyển dụng hoặc cắt giảm số nhân công đang có để có thể đương đầu với một nền kinh tế đang ngày càng nhiều dấu hiệu bất ổn.

Là nguyên nhân hay hệ quả của suy thoái?

Việc cắt giảm nhân sự của các công ty trên danh nghĩa là để tinh gọn bớt chi phí và giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn nếu nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao lại là một trong những thước đo rõ ràng nhất của suy thoái. Khi tỷ lệ này bắt đầu tăng lên, nó có thể gây ra hiệu ứng domino về hậu quả kinh tế khi nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ chậm lại.

Tỷ lệ này là một trong những chỉ số được sử dụng để đánh giá liệu suy thoái đã bắt đầu hay chưa, do tình trạng thất nghiệp có xu hướng đạt đến đỉnh điểm muộn hơn và kéo dài đến thời điểm kinh tế hồi phục. Lấy ví dụ trong cuộc suy thoái kéo dài hai tháng bắt đầu bởi sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 ở Mỹ vào đầu năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp đạt đỉnh 14,7% vào tháng 4/2020, tháng mà cuộc suy thoái kết thúc.

Xét trên tình hình thực tế tại 3 nền kinh tế hàng đầu thế giới, nền kinh tế Mỹ trong tháng 7 với những biểu hiện mạnh mẽ từ chi tiêu bán lẻ tăng 11,2%, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,5% đã phần nào làm giảm bớt lo ngại về suy thoái. Nền kinh tế Trung Quốc cũng đón nhận nhiều khởi sắc, dù các biện pháp phong toả phòng dịch vẫn khiến nước này chưa thể đạt được mục tiêu kinh tế như mong muốn. Trong khi đó, chỉ có châu Âu vẫn đang loay hoay với tỷ lệ lạm phát tăng, tăng trưởng chậm và ảnh hưởng bởi gián đoạn nguồn cung năng lượng.

Theo nhận định của giới chuyên gia, nguy cơ suy thoái hiện tại vẫn tiềm tàng tại một số khu vực, nhưng khó để chắc chắn hiện tượng này có thể xảy ra hay không và vào thời điểm nào.

Do đó, theo các chuyên gia, xu hướng cắt giảm nhân sự hiện tại, dù có gây lo ngại, song chưa thể xét là nguyên nhân dẫn tới suy thoái kinh tế. Những kế hoạch thay đổi nhân sự này chỉ phản ánh tốc độ ngày càng chậm của nền kinh tế và là phương án đối phó bắt buộc được đưa ra để đảm bảo sự tồn tại của các doanh nghiệp.
 

Tin mới lên