Thị trường

Ấn tượng khó quên của CEO Google về... cá kho Vũ Đại

Công nghệ số - thương mại điện tử đã giúp cho niêu cá kho quê làng Vũ Đại đi khắp thế giới. Một công ty 12 nhân viên đã dần lớn lên với 1.000 nhân viên và 4 chi nhánh ở 4 quốc gia nước ngoài, doanh thu tăng gấp 4 lần.

Ấn tượng khó quên của CEO Google về... cá kho Vũ Đại

Cá kho làng Vũ Đại đi ra thế giới nhờ thương mại điện tử.

Đổi mệnh trong kỷ nguyên số

Có lẽ, Nguyễn Bá Toàn (Giám đốc Công ty Dasavina, Hà Nam) sẽ không nghĩ rằng, ngày hôm nay, câu chuyện về niêu cá kho làng Vũ Đại của anh vẫn tiếp tục được xem là câu chuyện điển hình về khởi nghiệp..

Tất nhiên, không phải vì hương vị ngon đặc biệt của món ăn, mà bởi, đây vẫn luôn là một trong những vì dụ về làn sóng công nghệ số của Việt Nam, khiến ông Kevin O'Kane, Giám đốc phụ trách lĩnh vực DN nhỏ và vừa Google châu Á- Thái Bình Dương (Google APAC) cực kỳ ấn tượng.

Năm 2011, đang là một kỹ sư xây dựng, Toàn vì mê hương vị cá kho ở vùng quê Hoà Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, cộng với máu kinh doanh vốn sẵn đã đột ngột chuyển sang khởi nghiệp với món ăn này. Thế nhưng, thua lỗ hiển hiện khi những tờ rơi anh phát đi đều không có kết quả. Cho đến một ngày, anh bắt đầu tìm hiểu về cách thức marketing online. Kết quả là, nhờ biết tận dụng thương mại điện tử, sản lượng bán hàng của anh tăng vọt, có lúc cao điểm tiêu thụ 400-600 niêu cá kho/ngày và doanh thu đạt tới 5 tỷ/năm.

Và như ông Kevin O'Kane kể, cá kho vùng quê Việt Nam đã vươn ra thị trường thế giới, mang lại sự thịnh vượng cho cả một ngôi làng. Chia sẻ với VietNamNet, ông Kevin O'Kane nói rằng: "Một doanh nghiệp khi bắt đầu kinh doanh online có thể tăng trưởng doanh thu tới 4 lần".

Câu chuyện của Tổ hợp giáo dục Topica mà anh Cao Công Minh, Giám đốc maketing của doanh nghiệp này chia sẻ cho thấy quá trình bứt phá ở nền kinh tế số.

Năm 2008, khi bắt đầu thành lập, Topica chỉ có 12 nhân sự. 2 năm đầu, nhóm sáng lập Topica thực sự vất vả khi không thể thu hút được đông học viên, dù đã tổ chức nhiều buổi tuyển sinh offline, thử nhiều kênh quảng cáo truyền hình, phát thành...

Thế nhưng, vận mệnh công ty đã hoàn toàn thay đổi khi năm 2010, Topica sử dụng sự trợ giúp các ứng dụng thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng. Và giờ đây, sau 5 năm, Topia đã phát triển tới 1.000 nhân viên, mở rộng các văn phòng ở Singapore, Indonesia, Phillipines, Thái Lan. Học viên tiềm năng tăng 10 lần, doanh số tăng 80%, tỷ suất hoàn vốn 30%.

"Tiềm năng phát triển trong nền kinh tế ở Việt Nam còn rất lớn. Tôi nghĩ là các doanh nghiệp Việt hãy mau chóng bắt đầu sớm với công nghệ số. Các bạn sẽ tiếp cận nhanh với khách hàng hơn và tăng trưởng nhanh hơn", ông Kevin O'Kane nói.

80% DN còn đứng ngoài cuộc

Thế nhưng, những DN như của Nguyễn Bá Toàn, Cao Công Minh vẫn là số ít, chỉ chiếm 20% tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay của Việt Nam. Theo bà Tammy Phan chuyên gia về thương mại điện tử, đây quả là điều đáng tiếc, bởi 80% DN còn lại chưa màng đến kinh doanh online.

Hành vi tiêu dùng giờ đã thay đổi. Điện thoại di động là vật bất ly thân và "vào mạng" là thói quen không thể bỏ của 54 triệu người dân Việt Nam. Ở đất nước có dân số kết nối trực tuyến đứng thứ 5 ở châu Á-Thái Bình Dương, đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, cơ hội tiếp cận khách hàng bằng các ứng dụng thương mại điện tử là không thể tính được, là không biên giới.

Bà Tammy Phan cho hay, người dân dành hơn 4 giờ để online mỗi ngày, 50% thời gian đó là qua các smartphone và 65% giao dịch bắt đầu từ vật dụng này. Trong 9 thói quen thì 56% cư dân mạng đã sử dụng các công cụ tìm kiếm.

Chưa hết, 82% người dùng smartphone vào mạng tìm kiếm thông tin để quyết định nên mua gì ngay tại cửa hàng. Còn trước khi đi mua hàng, 70% cư dân mạng tìm hiểu sản phẩm dịch vụ qua công cụ tìm kiếm. Họ tìm kiếm thông tin ở mọi lĩnh vực trong đời sống từ việc chăm sóc cá nhân, ăn, mặc, trang điểm cho đến đi lại, du lịch, giải trí, hay nhà ở, xe hơi, vay vốn...

Do vậy, vị chuyên gia này khuyên rằng, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp Việt Nam cần phải sẵn sàng với xu thế trên, đơn giản như cần có trang web mạnh chạy ổn định trơn tru trên nền tảng điện thoại di động, tranh thủ với các dịch vụ miễn phí như quảng bá thông tin doanh nghiệp mà nhiều công ty lớn cung cấp dịch vụ internet cung cấp.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho biết, hiện có 95% doanh nghiệp nhỏ và vừa đã kết nối internet nhưng việc sử dụng công nghệ thông tin vẫn chưa hiệu quả. Theo điều tra của VCCI năm 2015, mới chỉ có 35% doanh nghiệp sử dụng sự hỗ trợ về công nghệ thông tin cho hoạt động kinh doanh.

Trong khi đó, rõ ràng với những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin tốt, họ vừa tiếp cận chính sách pháp luật tốt hơn, vừa có kết quả kinh doanh tích cực hơn.

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ đánh giá, đầu tư công nghệ số là xu hướng phát triển tất yếu của quốc gia, nếu không làm như vậy, sẽ bị tụt hậu.

"Trong đó, làn sóng khởi nghiệp sáng tạo, dựa trên nền tảng công nghệ số mới mang lại tăng trưởng bền vững. Để khai thác tối đa lợi ích công nghệ số, các bộ ngành Việt Nam đã xây dựng hành lang pháp lý khuyến khích phát triển lĩnh vực này", ông Tùng cho hay.

Làn sóng công nghệ số đã tràn về làng Vũ Đại nhưng tiếc rằng, nó vẫn còn xa lạ với phần đông doanh nghiệp Việt.

Tin mới lên