Tiêu điểm

Anh em 'đại gia lan đột biến' điều hành đường dây than lậu như thế nào?

(VNF) - Cặp anh em song sinh là Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang dù không trực tiếp tham gia điều hành hoạt động tại công ty nhưng lại là 2 cổ đông lớn, cấu kết các đối tượng liên quan khai thác để điều hành việc mua bán trái phép hàng triệu tấn than.

Anh em 'đại gia lan đột biến' điều hành đường dây than lậu như thế nào?

Cặp anh em song sinh là Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang điều hành việc mua bán trái phép hàng triệu tấn than.

Ngày 27/8 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” xảy ra tại Công ty Cổ phần Yên Phước, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương và các đơn vị có liên quan.

Căn cứ kết quả điều tra và tài liệu thu thập được, C03 xác định: Châu Thị Mỹ Linh, tổng giám đốc Công ty Cổ phần Yên Phước, đã câu kết, bàn bạc với Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang là người điều hành Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương tổ chức thực hiện khai thác, mua bán hàng triệu tấn than trái phép tại mỏ than Minh Tiến (xã Minh Tiến và xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) thu lợi bất hợp pháp hàng trăm tỷ đồng.

Từ giữa năm 2020 đến nay, anh em Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang được biết đến là những đại gia lan đột biến tại Quảng Ninh, hay sở hữu những siêu xe đắt tiền.

Hiện C03 đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với 12 đối tượng về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” theo Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày 1/6/2017, đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 11/11/2019. Doanh nghiệp này có trụ sở tại khu 2 Bích Nhôi, phường Minh Tân, thị xã Kinh Môn, Hải Dương, số vốn điều lệ ban đầu là 20 tỷ đồng.

Đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này từ ngày 1/6/2017 đến 30/8/2019 là ông Hà Anh Tuấn. Ông Tuấn cũng đồng thời giữ chức giám đốc tại doanh nghiệp này. Từ ngày 30/8/2019 đến nay, vị trí này thuộc về ông Bùi Mạnh Cường.

Quá trình thành lập cụ thể như sau: Khoảng tháng 6 hoặc tháng 7/2017, Ngô Đăng Hải, Phạm Văn Thu và Hà Anh Tuấn cùng góp vốn thành lập Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương, với vốn điều lệ 5 tỷ đồng, chia đều tỷ lệ góp cho 3 người, mỗi người góp hơn 1,6 tỷ đồng (chiếm 33,33% vốn điều lệ).

Tuy nhiên trên đăng ký kinh doanh, Hải và Thu không đứng tên mà Hà Anh Tuấn sở hữu vốn. Trong đó, Hà Anh Tuấn làm giám đốc, Hải và Thu làm phó giám đốc.

Sau khi thành lập, Công ty Đông Bắc Hải Dương hoạt động chính là mua than của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam và Công ty Cổ phần Than Sông Hồng, sau đó chế biến than (trộn than theo yêu cầu chỉ tiêu của khách hàng) cung cấp cho nhà máy xi măng Xuân Thành tại Ninh Bình và nhà máy xi măng Hoàng Thạch tại Hải Dương.

Đến khoảng cuối năm 2017, Công ty Đông Bắc Hải Dương có định hướng mua than, chế biến để bán cho một số nhà máy nhiệt điện tại Quảng Ninh. Do cần nguồn vốn lớn nên Hải đã rủ Bùi Hữu Thanh, thường gọi là Còm, là người quen biết thân thiết từ năm 2011, cùng góp vốn để kinh doanh than.

Lúc này, Bùi Hữu Thanh góp vốn để kinh doanh với tổng số tiền góp 48 tỷ đồng, chiếm gần 50% vốn góp. Thanh góp vốn khoảng hơn 20 tỷ đồng tiền mặt, một phần tiền chuyển đổi từ tiền công nợ bán than, vật tư máy móc, ô tô tải sàng, chế biến than cho Công ty Đông Bắc Hải Dương từ trước khoảng 28 tỷ đồng.

Hải, Thu và Tuấn nâng số vốn góp lên mỗi người góp 16,4 tỷ đồng, góp vốn bằng tiền mặt để kinh doanh, chiếm 16,7% vốn góp/một người. Việc góp vốn của các thành viên do Nguyễn Thị Hà, kế toán của công ty theo dõi cụ thể.

Đến cuối năm 2018, Phạm Văn Thu rủ Bùi Hữu Giang, thường gọi là Phệ (em song sinh của Bùi Hữu Thanh) góp vốn vào công ty. Giang góp vốn tổng số tiền khoảng 70 tỷ đồng. Sau đó khoảng 2 tháng, Hải rủ Nguyễn Tuấn Anh thường gọi là Bếp, góp vốn vào Công ty Đông Bắc Hải Dương.

Theo đó Bếp góp số tiền 12,3 tỷ đồng, gồm 10,3 tỷ đồng tiền mặt và chuyển đổi 2 tỷ đồng tiền Công ty Đông Bắc Hải Dương nợ tiền cước vận chuyển của Bếp thành tiền vốn góp. Hải, Thu và Anh Tuấn mỗi người còn sở hữu vốn góp 12,3 tỷ đồng.

Như vậy, từ cuối năm 2018 đến nay, cổ đông thực tế của Công ty Đông Bắc Hải Dương, gồm: Bùi Hữu Giang góp 70 tỷ đồng, Bùi Hữu Thanh góp 48 tỷ đồng, Nguyễn Tuấn Anh góp 12,3 tỷ đồng, Hải, Thu và Hà Anh Tuấn góp 12,3 tỷ đồng/người.

Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang không trực tiếp tham gia điều hành hoạt động tại công ty mà cử Bùi Mạnh Cường lái xe của Vũ Thị Hiếu (vợ của Bùi Hữu Thanh) làm giám đốc Công ty Đông Bắc Hải Dương và tham gia một số hoạt động của công ty; Phạm Văn Trường, làm nhân viên giao nhận của Công ty và Phạm Văn Thanh, điều hành mảng vận tải hàng hóa của công ty...

C03 cho biết đang tiếp tục điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho nhà nước.

Tin mới lên