Ngân hàng

ANZ chính thức bán mảng bán lẻ cho ngân hàng Shinhan Việt Nam

(VNF) - Việc bán lại mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ cho ngân hàng Shinhan Việt Nam cho phép ANZ tập trung nguồn lực vào mảng kinh doanh khối khách hàng doanh nghiệp và định chế tài chính, đại diện ngân hàng này cho biết.

ANZ chính thức bán mảng bán lẻ cho ngân hàng Shinhan Việt Nam

Hôm nay ngày 21/4, ngân hàng ANZ thông báo đã đạt được thỏa thuận bán lại mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam cho ngân hàng Shinhan Việt Nam.

Ngân hàng Shinhan Việt Nam là công ty con của Shinhan Financial Group, một tập đoàn tài chính Hàn Quốc được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc và New York.

Ông Farhan Faruqui, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh Quốc Tế tại tập đoàn ANZ cho biết: "Thương vụ này nằm trong chiến lược đơn giản hóa ngân hàng và tăng hiệu suất vốn của chúng tôi. Điều này cho phép chúng tôi tập trung nguồn lực vào mảng kinh doanh lớn nhất của ANZ tại châu Á là khối khách hàng doanh nghiệp và định chế tài chính, nơi mà chúng tôi là một trong bốn ngân hàng hàng đầu trong hoạt động hỗ trợ thương mại và vốn tại khu vực này." 

"Chúng tôi đã có lịch sử hoạt động lâu dài tại Việt Nam và sẽ tiếp tục hoạt động tại đây để hỗ trợ cho khối khách hàng doanh nghiệp và định chế tài chính trong khu vực Greater Mekong".

"Thỏa thuận với ngân hàng Shinhan Việt Nam bao gồm chuyển giao tám chi nhánh và phòng giao dịch của ANZ Việt Nam tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng như nhân viên khối dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Điều này sẽ giúp các khách hàng của chúng tôi có một cuộc chuyển giao thuận lợi và đồng thời cũng là một cơ hội lớn cho nhân viên của chúng tôi được tham gia làm việc tại một ngân hàng bán lẻ với những kế hoạch tăng trưởng đáng kể", ông Faruqui chia sẻ.

ANZ thông báo đã đạt được thỏa thuận bán lại mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam cho ngân hàng Shinhan Việt Nam.

Theo ANZ, mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ của ANZ phục vụ khoảng 125.000 khách hàng cá nhân tại Việt Nam, với khoảng 320 triệu đô la Úc dư nợ cho vay và khoảng 800 triệu đô la Úc dư nợ tiền gửi. Khoản chênh lệch thương mại của thương vụ này so với giá trị sổ sách của ANZ Việt Nam là không đáng kể đối với tập đoàn ANZ.

Phụ thuộc vào sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền, ANZ dự kiến cuộc chuyển giao mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ cho ngân hàng Shinhan Việt Nam sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2017.

Thương vụ bán lại mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam là bước tiếp theo sau thông báo thương vụ bán lại khối bán lẻ và quản lý tài sản của ANZ tại năm nước châu Á cho ngân hàng DBS vào tháng 10/2016.

Trước đó, trang DealStreetAsia (DSA) ngày 17/4 đưa tin, Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) đang xem xét khả năng mua lại mảng bán lẻ của Ngân hàng ANZ tại Việt Nam.

Trước đây, đã từng có tin rằng 5 ngân hàng nội địa và nước ngoài đã bày tỏ mối quan tâm muốn mua lại mảng bán lẻ của ANZ tại thị trường Việt Nam. Các nguồn tin trong ngành tài chính nói với tờ báo này VIB là một trong những ngân hàng trên.

Tuy nhiên, bằng thông báo chính thức ngày 21/4 từ ANZ, mảng dịch vụ bán lẻ của ngân hàng này chính thức được bán cho ngân hàng Shinhan Việt Nam.

ANZ là một trong những ngân hàng nước ngoài đầu tiên hoạt động tại Việt Nam, với văn phòng đầu tiên mở tại Hà Nội từ năm 1993. Hiện ANZ Việt Nam có 8 điểm giao dịch tại TP.HCM và Hà Nội với nhiều dịch vụ cung cấp cho khách hàng như ngân hàng bán lẻ và quản lý tài sản, dịch vụ tài chính tiêu dùng, tài chính cho doanh nghiệp…

ANZ đã mở rộng mạnh mẽ tại châu Á trước năm 2013, từng mở rộng các mảng kinh doanh mới, mua cổ phần của các ngân hàng địa phương (ANZ từng là cổ đông lớn tại Sacombank tại Việt Nam). Từ sau khi ông Elliott đảm nhiệm vị trí CEO, chiến lược của ANZ đã thay đổi theo hướng gần như ngược lại, thoái vốn tại các khoản đầu tư nhỏ và tập trung vào hoạt động cốt lõi.

ANZ đã vạch ra chiến lược tập trung vào bán lẻ với để mở rộng kinh doanh ở Đông Nam Á, do thu nhập của người dân khu vực này đang tăng lên cùng với sự tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ngân hàng này đã vấp phải sự cạnh tranh gay gắt của các ngân hàng nội địa, chẳng hạn như BIDV, VPBank, Techcombank và Vietinbank tại Việt Nam.

Tin mới lên