Tiêu điểm

ANZ điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên mức 6,7%

(VNF) - Tăng trưởng GDP năm 2017 của Việt Nam vừa được Ngân hàng ANZ điều chỉnh lên con số 6,7%, tăng 0,2% so với dự báo trước đó và tỷ lệ tăng trưởng này cũng được dự báo cho năm 2018...

ANZ điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên mức 6,7%

Giải thích nguyên nhân điều chỉnh tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam lên 0,2 điểm phần trăm, bà Eugenia Victorino, chuyên gia kinh tế Khu vực sông Mekong và ASEAN của Ngân hàng ANZ cho biết ngân hàng đã căn cứ vào đà tăng trưởng tín dụng như hiện tại.

Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam cũng được chuyên gia này đưa ra cho năm 2017 là 3,5% và dự báo năm 2018 cũng là 3,5%. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát 3,5% của năm 2018 cũng có thể thay đổi do thời điểm hiện tại nhà băng này không dự báo được giá dầu thô thế giới trong năm tới.

Theo bà Eugenia Victorino, cán cân thương mại Việt Nam trong năm 2017 khá tốt khi đã có thặng dư thương mại. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng thương mại liên quan đến khu vực FDI vẫn đóng vai trò chủ chốt và Việt Nam trong năm 2017 và các năm tiếp theo vẫn là "thỏi nam châm" thu hút FDI.

"Tôi nghĩ rằng, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ luôn tìm đến nơi nào nó cảm thấy yên tâm nhất và chỗ tốt nhất để nó chảy đến. Việt Nam là quốc gia trong thời gian vừa qua luồng FDI tỏ ra tăng đều đặn và rất cao", bà Eugenia Victorino nhận định.

Dù vậy, bà cũng khuyến cáo, nền kinh tế hướng vào xuất khẩu với 80% sản phẩm xuất khẩu thuộc lĩnh vực sản xuất, nhưng điều bất lợi là FDI chiếm tỷ lệ cao nên về lâu dài cần thay đổi thực trạng này. Việt Nam cần tận dụng nguồn vốn FDI cần tránh phụ thuộc mà phải tạo được sự liên kết nguồn lực lao động và doanh nghiệp nội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp FDI.

Liên quan đến vấn đề nợ xấu, bà Eugenia Victorino cũng cho rằng thời gian qua tăng trưởng tín dụng tăng cao kể cả khi nợ xấu tăng. Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam đang kiểm soát khá tốt nợ xấu thông qua hàng loạt các chính sách tín dụng được Quốc Hội thông qua. Ngoài ra, đà tăng trưởng tín dụng giữa tháng 11 chỉ còn 15% (thời điểm tháng 8 khoảng 19%), chứng tỏ đã kiểm soát khá tốt.

"Nợ xấu tại Việt Nam đã tích lũy nhiều năm nên cần phải được xử lý trong một thời gian nhất định. Không nên xử lý quá nhanh vì sẽ tạo ra các gián đoạn trong nền kinh tế mà điều quan trọng là Việt Nam phải xác định tỷ lệ nợ xấu chính xác của các ngân hàng là bao nhiêu để có thể xử lý hiệu quả nhất", bà Eugenia Victorino nói.

Theo ANZ, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực đã thành công như điện, tín dụng, thuế, xuất khẩu… Tuy nhiên, nếu phát triển kinh tế dựa trên tăng trưởng tín dụng rất rủi ro về nợ xấu, áp lực về mặt tài chính cần được giải quyết và điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến của nền kinh tế Việt Nam.

Về dự trữ ngoại hối, ANZ công bố con số dự trữ của Việt Nam tới thời điểm hiện tại đã lên tới 46,8 tỷ USD. Riêng về tỷ giá cũng được ANZ dự báo sẽ ổn định ở mức 22.900 đồng/USD vào cuối năm 2018.

Tin mới lên