Tiêu điểm

'Áp lực cạnh tranh làm bộc lộ nhiều nhược điểm của doanh nghiệp nhà nước'

(VNF) - Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tại hội thảo lấy ý kiến cho báo cáo "Đánh giá việc thực hiện cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), vai trò của kinh tế nhà nước trong phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020, quan điểm, phương hướng giai đoạn 2021-2030, kế hoạch 2021-2025".

'Áp lực cạnh tranh làm bộc lộ nhiều nhược điểm của doanh nghiệp nhà nước'

Doanh nghiệp nhà nước vẫn đang đóng góp quan trọng cho tăng trưởng nhưng tỷ trọng đang giảm dần.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đã thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày sơ thảo báo cáo.

Nghiên cứu của CIEM chỉ ra doanh nghiệp nhà nước vẫn đang đóng góp quan trọng cho tăng trưởng nhưng tỷ trọng đang giảm dần. Cụ thể, năm 2010 kinh tế nhà nước đóng góp 45,4% vào thu ngân sách nhà nước nhưng đến năm 2016, con số này giảm xuống 32,3%. Năm 2016 cũng là năm đầu tiên đánh dấu việc đóng góp cho ngân sách nhà nước của khu vực kinh tế nhà nước thấp hơn khu vực FDI (34,4%) và khu vực kinh tế tư nhân (33,2%).

Về đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia của CIEM dự báo năm 2020 khu vực kinh tế nhà nước sẽ chỉ đóng góp 5,6% cho tăng trưởng, trong khi khu vực tư nhân là 43,87% và khu vực FDI được dự báo đóng góp 20,69%.

Liên quan đến tạo công ăn việc làm, các chuyên gia CIEM dự báo đến năm 2020 đóng góp của khu vực kinh tế nhà nước chỉ còn 8%.

Nghiên cứu của CIEM cho biết tổng quan nguồn lực của kinh tế nhà nước như sau: Vốn chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp (giá trị sổ sách đến 2018) là hơn 1.457 tỷ đồng. Tài sản công do cơ quan quản lý nhà nước quản lý (giá trị sổ sách đến 2015) là 1.464 tỷ đồng.

Qua phân tích, các chuyên gia CIEM nhận định: "Tốc độ tăng trưởng và hiệu quả đầu tư chưa tương xứng giữa kết quả đầu ra (doanh thu) và nguồn lực đầu vào (tài sản, vốn kinh doanh) làm giảm hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước nói riêng, kinh tế nhà nước nói chung".

Theo CIEM, để tạo ra 1 đồng giá trị gia tăng, doanh nghiệp nhà nước đang phải sử dụng nhiều vốn hơn doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Về năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước, CIEM nhận định “tỷ suất lợi nhuận và hiệu suất sử dụng lao động cao hơn mức bình quân của doanh nghiệp Việt Nam (311,9 triệu đồng/người năm 2017 trong khi FDI là 233,6 triệu đồng/người còn kinh tế tư nhân thấp nhất đạt 46,5 triệu đồng/người).

Tuy nhiên, nghiên cứu của CIEM cho biết “số liệu bình quân chưa phản ánh đúng và đầy đủ hiệu quả của phần lớn doanh nghiệp nhà nước”.

Bởi lẽ, “tổng lợi nhuận của cả khu vực doanh nghiệp nhà nước phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp nhà nước lớn trong các ngành có mức độ cạnh tranh thấp".

"Doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng đa số trên thị trường tài chính, tín dụng, năng lượng viễn thông hoặc thị trường cung cấp các sản phẩm dịch vụ từ tài sản thuộc sở hữu toàn nhân như tài nguyên, khoáng sản, công trình công cộng, thuỷ lợi, hoa tiêu, không lưu…", các chuyên gia CIEM cho biết.

Bóng dáng của doanh nghiệp nhà nước mờ nhạt trong hầu hết các sản phẩm, dịch vụ còn lại.

"Ở các ngành có cạnh tranh cao như thương mại, xây dựng, công nghiệp chế tạo…thì hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước còn thấp. Chứng tỏ áp lực cạnh tranh làm bộc lộ nhiều nhược điểm của doanh nghiệp nhà nước", các chuyên gia CIEM khẳng định.

Đánh giá chung về vai trò của kinh tế nhà nước theo mục tiêu, yêu cầu tại Hiến pháp, các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, các chuyên gia CIEM cho rằng: "Nhìn trên tổng thể kết quả thực hiện nhiệm vụ được gia, vai trò của kinh tế nhà nước chưa rõ nét trong việc "dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế và là lực lượng vật chất quan trọng để nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế".

 

 

Tin mới lên