Tài chính

Apax Holdings (IBC) của 'Shark Thủy' báo lãi quý III 61 tỷ đồng, tăng 59%

(VNF) - Apax Holdings (IBC) của "Shark Thủy" vừa báo lãi sau thuế quý III đạt 61 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 của Công ty Cổ phần Đầu tư Apax Holdings (HoSE: IBC), doanh thu thuần ba tháng gần nhất của công ty đạt 601 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ 2019.

Giá vốn hàng bán tăng 45% lên 352 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp của IBC chỉ đạt 249 tỷ đồng, xấp xỉ cùng giai đoạn năm trước. Biên lãi gộp giảm từ 50% xuống 41%.

Các chi phí vận hành không thay đổi nhiều, bao gồm chi phí bán hàng: 129 tỷ đồng, quản lý doanh nghiệp: 54,2 tỷ đồng; duy nhất chi phí tài chính tăng đến 40% so với cùng kỳ, tuy nhiên xét về giá trị thì khá khiêm tốn ở mức 16,2 tỷ đồng.

Chốt quý, IBC báo lãi sau thuế gần 61 tỷ đồng, tăng 59%. Dẫu vậy, kết quả này vẫn không thể "vá lấp" khoản lỗ lũy kế từ đầu năm, do quý I công ty gánh lỗ đến 170 tỷ đồng.

Theo đó, lũy kế 9 tháng, mặc dù doanh thu tăng 20% lên 1.330 tỷ đồng song IBC vẫn báo lỗ sau thuế 107 tỷ đồng, trái ngược với thực đạt 50,4 tỷ đồng cùng giai đoạn năm ngoái.

So với kế hoạch kinh doanh năm 2020, công ty đã hoàn thành 60% mục tiêu doanh thu nhưng mục tiêu lợi nhuận còn rất xa vời.

Tổng tài sản của IBC tính tại ngày 30/9/2020 đạt trên 2.867 tỷ đồng, gần như không dịch chuyển so với cuối năm 2019. Tuy nhiên lượng tiền mặt của công ty lại giảm gần một nửa xuống còn 274 tỷ đồng; bù lại, "các khoản phải thu ngắn hạn" tăng gấp 2 lần lên 538 tỷ đồng, chủ yếu do khoản "phải thu ngắn hạn khác".

Mặc dù thuyết minh báo cáo tài chính không đề cập đến khoản tăng đột biến này, song có thể thấy số tiền 250 tỷ đồng công ty "tạm ứng" cho Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ngọc Thủy (shark Thủy) từ quý I vẫn chưa được thu hồi.

Về nguồn vốn, nợ phải trả trong kỳ của IBC tăng nhẹ gần 50 tỷ lên 2.021 tỷ đồng. Trong đó khoản "người mua trả tiền trước ngắn hạn" giảm còn 331 tỷ đồng (trước đó là 504 tỷ đồng), "vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn" tăng từ 398 tỷ đồng lên 553 tỷ đồng.

Việc kinh doanh ảm đạm khiến vốn chủ sở hữu giảm còn 846 tỷ đồng, chủ yếu do công ty không ghi nhận giá trị thặng dư vốn cổ phần (đầu kỳ đạt 66 tỷ đồng) và lỗ sau thuế chưa phân phối gia tăng lên gần 150 tỷ đồng. Hệ số nợ trả phải/vốn chủ sở hữu tăng từ 2,11 lên 2,39.

Hiện chênh lệch giữa tài sản ngắn hạn (896 tỷ đồng) và nợ ngắn hạn (1.758 tỷ đồng) là gần 862 tỷ đồng, có thể thấy tồn tại yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty này.

Cách đây không lâu, HĐQT IBC thông qua phương án phát hành 300 trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 3 năm, dự kiến thực hiện trong quý IV/2020 với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu.

Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo đảm bằng tài sản. Tiền lãi trái phiếu thanh toán 6 tháng/lần với lãi suất cố định là 12,5%/năm.

Phần vốn huy động được từ đợt phát hành sẽ được sử dụng để cơ cấu nợ (250 tỷ đồng) và tăng quy mô hoạt động (50 tỷ đồng).

Tài sản đảm bảo cho đợt huy động vốn này là 8 triệu cổ phần tại Công ty Cổ phần Anh Ngữ Apax, công ty con do IBC nắm giữ gần 80% vốn.

Trên thị trường, cổ phiếu IBC vẫn đang trong diện cảnh báo kể từ ngày 21/4/2020, duy trì ở vùng giá 21.300 đồng/cổ phiếu, giảm 10% so với cuối quý II. Khối lượng khớp lệnh bình quân 10 phiên gần đây đạt 160.000 đơn vị.

Từ khoá: Shark Thủy, Apax Holdings, IBC,
Tin mới lên