Tài chính quốc tế

Apple vất vả thoát Trung Quốc: Về Việt Nam hay Ấn Độ?

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và dịch Covid-19 buộc Apple phải tính chuyện đa dạng hoá sản xuất để tránh phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc.

Apple vất vả thoát Trung Quốc: Về Việt Nam hay Ấn Độ?

CEO Tim Cook trong một chuyến thăm đến Ấn Độ. Ảnh: AP.

Vào ngày 11/5, báo Economic Times của Ấn Độ đăng tin Apple muốn chuyển gần 20% sản lượng từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Các lãnh đạo của Apple đã gặp gỡ quan chức chính phủ Ấn Độ trong nhiều tháng để bàn luận về vấn đề này.

Nếu kế hoạch thành hiện thực, Apple sẽ trở thành công ty xuất khẩu lớn nhất Ấn Độ, với sản lượng xuất khẩu tới 40 tỷ USD trong 5 năm tới. Đảm nhiệm sản xuất chính cho Apple tại Ấn Độ là hai công ty quen thuộc Wistron và Foxconn.

Đây không phải thông tin duy nhất cho thấy Apple ngày càng tập trung cho những địa điểm sản xuất khác ngoài Trung Quốc. Vào đầu tháng 5, Nikkei Asian Review cũng dẫn nguồn tin cho rằng khoảng 3-4 triệu tai nghe, tức 30% tổng sản lượng AirPods, sẽ được sản xuất tại Việt Nam vào quý này.

Trung Quốc quan trọng với Apple như thế nào

Nhắc tới thành công của Apple là nhắc tới khả năng quản lý chuỗi cung ứng và sản xuất khổng lồ tại Trung Quốc, giúp tối ưu chi phí sản xuất cho mọi thiết bị.

Với nguồn cung nhân lực dồi dào, chi phí sản xuất dễ chịu, các nhà máy của “công xưởng thế giới” Trung Quốc với quy mô lớn đã tạo nên hệ sinh thái cùng chuỗi cung ứng thành phẩm tương đối hoàn hảo. Những lợi thế này thu hút sự quan tâm của nhiều công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới, trong đó có Apple.

Tại đây, Apple đã hợp tác với hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phần cứng, gia công linh kiện như Foxconn, Pegatron, Wistron hay Compal.

Không chỉ được coi là một thị trường đầy tiềm năng, rất ít công ty Mỹ có sự liên kết chặt chẽ với Trung Quốc như Apple. Ảnh: Apple.

Theo thống kê năm 2019, có tới 47,6% đối tác của Apple có trụ sở hoặc hoạt động chủ yếu tại Trung Quốc, gấp 5 lần số nhà cung cấp tại Mỹ. Con số này vẫn tiếp tục đà tăng và cho thấy dấu hiệu công ty đang “bám rễ” vào quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Trong gần 50 năm tồn tại, Apple đã nhiều lần phải chứng kiến các khủng hoảng khi cố gắng xây dựng mô hình sản xuất tại Mỹ.

Năm 2004, Tim Cook – khi đó là Giám đốc vận hành của Apple – đã quyết định thu hẹp quy mô các dây chuyền sản xuất tại Mỹ và chuyển dịch dần sang các nước ngoài khu vực, đặc biệt là Trung Quốc.

Quyết định này giúp Apple tiết kiệm hàng loạt chi phí và định hình quy mô sản xuất khổng lồ trên phạm vi toàn cầu, nền tảng cần thiết để xây dựng nên “đế chế” công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Năm 2018, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra và diễn biến căng thẳng khi chính phủ hai nước thay phiên nhau đưa ra những hành động đáp trả, áp các mức thuế nhập khẩu khác nhau đối với sản phẩm hai bên.

Từ năm 2018, mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng, ảnh hưởng trực tiếp tới những công ty như Apple. Ảnh: CNBC.

Đỉnh điểm vào tháng 5/2018, chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ áp mức thuế nhập khẩu 25% lên khối lượng hàng hóa tiêu dùng 300 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Thông tin này khiến hàng loạt tập đoàn Mỹ bao gồm Apple, Microsoft, Intel lao đao và phải đệ đơn kiến nghị lên Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) để phản đối chính sách.

Nhiều mặt hàng công nghệ như điện thoại, máy tính hay tivi nằm trong danh sách đánh thuế trừng phạt, đe dọa chuỗi cung ứng đã tồn tại hàng chục năm qua của các tập đoàn công nghệ có khả năng rơi vào hỗn loạn.

Không nằm ngoài số đó, Apple trở thành nạn nhân khi là công ty có tỷ suất lợi nhuận cao nhưng sở hữu chuỗi cung ứng dễ bị tổn thương khi phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Trong kiến nghị gửi USTR, Apple nói rằng chính sách thuế sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh toàn cầu của họ.

"Nếu iPhone đột nhiên tăng giá thêm 150 USD, người sử dụng điện thoại cũ sẽ chờ đợi thêm một hoặc hai năm nữa trước khi mua iPhone mới", nhà phân tích công nghệ Avi Greengart của Techsponential nhận định.

Apple là một trong những mối quan tâm của TT. Trump trong cuộc chiến với Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Vào tháng 4/2018, Tim Cook đã tới thăm trực tiếp Nhà Trắng và trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông nói với Tổng thống Donald Trump rằng thuế quan không phải biện pháp thích hợp để giải quyết các vấn đề về thương mại.

Apple ở một vị trí đặc biệt nguy hiểm nếu chiến tranh thương Mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Tuy có được sự đảm bảo của ông Trump về triển vọng của các doanh nghiệp Mỹ bất chấp cuộc xung đột, CEO của Apple Tim Cook vẫn lên tiếng chỉ trích kế hoạch này đã ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của Apple tại thị trường Trung Quốc, cũng như khả năng cung cấp các mặt hàng công nghệ ra toàn thế giới.

Apple tìm đường thoát sự phụ thuộc Trung Quốc

Bài toán thoát khỏi cái bóng của Trung Quốc từ thời Cựu Tổng thống Mỹ Obama cho đến vị Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đã không ít lần được đề cập. Thậm chí, các nhà phân tích còn đánh giá Apple là điểm yếu của Tổng thống Trump trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước.

Trong hai năm trở lại đây, Apple đã vấp phải vô vàn khó khăn khi tiếp tục bị “níu chân” lại Trung Quốc. Những tác động mạnh mẽ không chỉ bởi cuộc chiến thương mại xảy ra năm 2018 mà còn bởi căn bệnh viêm phổi Covid-19 đầu năm nay đã thức tỉnh gã khổng lồ này đã đến lúc phải nghiêm túc nghĩ đến chuyện giảm thiểu rủi ro.

Trong nỗ lực đa dạng hóa nơi sản xuất và thay đổi dòng chữ “Assembled in China” (lắp ráp tại Trung Quốc), Ấn Độ và Việt Nam là hai quốc gia được Apple chú ý đến.

Số lượng smartphone sản xuất Việt Nam, Ấn Độ ngày càng tăng trong vài năm qua. Nguồn: IDC.

Ấn Độ sẵn sàng “mở đường” và đặt kỳ vọng Apple sẽ chuyển các cơ sở sản xuất smartphone trị giá 40 tỷ USD sang đất nước này. Nếu kế hoạch được thực hiện, Apple sẽ trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất Ấn Độ.

Trước động thái đó, Apple cân nhắc kế hoạch tăng quy mô sản xuất tại một số bang thuộc Ấn Độ thông qua các nhà sản xuất như Foxconn và Wistron. Trước đó, các dòng iPhone SE và iPhone 6S đã được đưa vào sản xuất tại đây.

Rải rác từ vài tháng nay, Apple cũng liên tục đăng thông tin tuyển dụng nhiều vị trí tại Việt Nam lên website chính thức cùng mạng xã hội tuyển dụng LinkedIn. Đáng chú ý là ngoài những vị trí liên quan đến kinh doanh và quản trị văn phòng, lần này Apple còn tuyển những vị trí kỹ thuật.

Nói với Zing, một vị quản lý của công ty công nghệ nước ngoài tại Việt Nam, có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành sản xuất cho rằng đây có thể là dấu hiệu hãng muốn cùng đối tác mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Tuy vậy, chuỗi cung ứng và sản xuất các sản phẩm của Apple được đánh giá là một trong những mô hình phức tạp nhất trên thế giới, thậm chí việc chuyển dịch cơ sở sản xuất nhằm tránh lệ thuộc vào Trung Quốc còn khó khăn hơn trước những vấn đề phát sinh và việc phải từ bỏ cả một hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ hiện đại.

Quá trình sản xuất một thiết bị bao gồm rất nhiều bước, trong đó chuỗi cung ứng linh kiện chiếm vị trí quan trọng. Mỗi thiết bị công nghệ hiện đại có hàng trăm loại linh kiện khác nhau. Khiến cho vấn đề chuyển đổi toàn bộ chuỗi cung ứng sẽ không hề dễ dàng. Trong quá trình đó, Trung Quốc vẫn đóng vai trò rất quan trọng.

Suy cho cùng, Apple đang trở thành “con tin” và bị giữ lại bởi quá nhiều đối tác cung cấp linh kiện từ Trung Quốc. Bất cứ kế hoạch “chạy trốn” nào khỏi quốc gia này cũng sẽ khiến công ty phải gánh chịu hậu quả nhất định.

Tin mới lên