Tiêu điểm

Asanzo, 'Made in Vietnam' và thương chiến Mỹ - Trung

(VNF) - Các sản phẩm "hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam" nếu xuất khẩu trót lọt sang Mỹ thì nguy cơ toàn bộ nhóm hàng bị Mỹ áp các biện pháp trừng phạt là rất cao, gây thiệt hại liên đới đến các doanh nghiệp kinh doanh minh bạch. Các mặt hàng tivi, điện tử... càng cần lưu ý bởi đây là một trong những nhóm hàng đang hưởng lợi lớn nhất từ thương chiến Mỹ - Trung.

Asanzo, 'Made in Vietnam' và thương chiến Mỹ - Trung

Asanzo, 'Made in Vietnam' và thương chiến Mỹ - Trung (Ảnh: VTC)

Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã đích thân chỉ đạo Bộ Tài chính – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng (Hải quan, Quản lý thị trường…) rà soát lại việc thực hiện quản lý nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật. Kết quả phải được báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/7.

Trước đó, qua phản ánh của báo chí, Công ty Cổ phần điện tử Asanzo được cho là đã nhập hàng loạt thiết bị điện tử xuất xứ Trung Quốc như nồi cơm điện, lò nướng, ti vi, máy lạnh, loa… về dán nhãn Việt Nam để bán ra thị trường. Điểm đặc biệt là các sản phẩm đồ gia dụng của Asanzo, theo điều tra của báo Tuổi Trẻ, được nhập nguyên chiếc từ Trung Quốc, Asanzo không hề sản xuất một mẩu linh kiện nào.

Trước nghi vấn "hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt", hàng loạt siêu thị điện máy đã tạm thời bỏ sản phẩm của Asanzo khỏi danh mục bán hàng và chờ đợi kết luận chính thức từ cơ quan chức năng.

Rõ ràng, không chỉ Asanzo mà nhiều đơn vị kinh doanh liên quan đang chịu ảnh hưởng không nhỏ từ vụ việc. Trên phương diện này, chỉ đạo của Thủ tướng là kịp thời nhằm đưa ra câu trả lời chính thức sớm nhất, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đối với các đơn vị kinh doanh liên quan tới Asanzo và đặc biệt, đưa ra câu trả lời công bằng cho chính thương hiệu Asanzo, cũng như cho những người tiêu dùng tin tưởng, rút hàng nghìn tỷ hầu bao mua sản phẩm Asanzo vì tin rằng đây là sản phẩm Việt Nam.

Nhìn ở góc độ rộng hơn, chỉ đạo của Thủ tướng là rất cần thiết bởi xuất xứ hàng hóa Việt Nam đang ngày càng trở nên nhạy cảm giữa bối cảnh của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nếu không chấn chỉnh nghiêm vấn đề xuất xứ, để lọt sản phẩm "hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt" xuất khẩu sang Mỹ thì hậu quả rất khôn lường.

Nguy cơ này, cách đây không lâu, đã được Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) chỉ ra rất chi tiết, ngọn ngành trong báo cáo đánh giá tác động của thương chiến Mỹ - Trung đối với Việt Nam.

Mặc dù khẳng định EU và Nhật Bản mới là những đối tác hưởng lợi nhất kể từ khi xung đột thương mại Mỹ - Trung nổ ra trong một năm qua nhưng BVSC cũng lưu ý rằng, Việt Nam là cũng là một trong những đối tác được hưởng lợi.

Chi tiết hơn, BVSC dẫn số liệu rằng thị phần hàng Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ đã giảm từ mức 16% xuống còn 12% trong một năm qua. Trong khi đó, thị phần xuất khẩu của EU và Nhật Bản vào Mỹ lại lần lượt tăng từ mức 10,5% lên 12,5% và 4,5% lên 5,5%.

Với Việt Nam, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lũy kế 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 17,8 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, các nhóm hàng liên quan đến các sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị phụ tùng mà Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có mức tăng cao đột biến so với mức tăng chung của tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng đó.

Cụ thể, nhóm hàng điện thoại và các loại linh kiện xuất sang Mỹ có mức tăng lên tới 94,4% trong khi tổng xuất khẩu chung các nhóm hàng này giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ 2018. Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện xuất sang Mỹ tăng 64%, vượt xa mức tăng chung 12% của tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này.

Nhóm hàng máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác xuất sang Mỹ tăng 54,7%, trong khi mức tăng chung của xuất khẩu nhóm hàng này cũng chỉ là 6,8%.

Trong khi đó, các nhóm hàng liên quan đến công nghiệp chế biến và thâm dụng nhiều lao động xuất khẩu sang thị trường Mỹ 4 tháng đầu năm 2019 có mức tăng thấp hơn. Điều này, theo BVSC, là do các nhóm hàng trên chưa nằm trong danh sách đánh thuế của Mỹ đối với Trung Quốc nên các nước, trong đó có Việt Nam, chưa được hưởng lợi.

Nhiều nhóm hàng của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ tăng rất mạnh trong thời gian qua, trong đó nổi bật là các sản phẩm điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử...

Chuyện Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không phải là lạ. Ngay chính Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một dòng Tweet đăng hồi giữa tháng 5/2019 đã nhận định rằng các công ty tại Trung Quốc bị áp thuế sẽ chuyển sang Việt Nam và các nước châu Á khác.

Lợi ích đã rõ, nhưng "trong cơ có nguy". Theo tính toán của BVSC, dựa vào mức thị phần hàng Việt Nam tăng lên (0,2 điểm%) kể từ khi Mỹ chính thức áp thuế lên hàng Trung Quốc một năm trước và quy mô gói hàng hóa Trung Quốc đang bị Mỹ đe dọa đánh thuế tiếp, nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang lên mức cao nhất, thị phần xuất khẩu của Việt Nam tại Mỹ có thể tăng thêm khoảng 1 điểm% so với mức hiện nay, tương đương khoảng 25 tỷ USD.

Khi đó, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ trong năm 2019 có thể đạt mức trên 50 tỷ USD, qua đó nhiều khả năng đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 6 trong số các đối tác có xuất siêu lớn nhất vào Mỹ.

Điều này có thể khiến chính quyền của Tổng thống D.Trump “để mắt”, xem xét sử dụng các biện pháp nhằm hạn chế hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ.

Trong trung và dài hạn, diễn biến này có thể sẽ khiến Mỹ áp đặt các biện pháp như đã từng làm với các đối tác thương mại khác có thặng dư thương mại lớn với Mỹ như: rút Việt Nam ra khỏi danh sách được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) hay đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ.

Trong bối cảnh nhạy cảm này, rất có thể sẽ xuất hiện việc hàng Trung Quốc nhập hàng vào Việt Nam rồi “mượn danh” hàng Việt Nam xuất đi Mỹ nhằm né thuế. Nếu Mỹ phát hiện hàng hóa của các quốc gia khác chỉ quá cảnh qua Việt Nam rồi xuất đi, Mỹ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt lên xuất khẩu toàn bộ nhóm hàng, gây thiệt hại liên đới đến các doanh nghiệp kinh doanh minh bạch.

Như trường hợp của Asanzo, nếu thật sự sản phẩm của doanh nghiệp này là "hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam" và xuất khẩu trót lọt sang Mỹ thì nguy cơ toàn bộ nhóm hàng ti vi, sản phẩm điện tử... - một trong những nhóm hàng đang hưởng lợi lớn nhất từ thương chiến Mỹ - Trung - có thể sẽ bị áp các biện pháp trừng phạt.

Nhìn rộng ra từ vụ việc Asanzo, Việt Nam cần siết chặt các biện pháp quản lý thị trường cũng như công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) để tránh mối nguy này.

Tin mới lên