M&A

AT&T bảo vệ thương vụ thâu tóm Time Warner

Nhà cung cấp dịch vụ mạng điện thoại di động AT&T của Mỹ khẳng định thương vụ 85,4 tỷ USD thâu tóm Tập đoàn truyền thông giải trí Time Warner hoàn toàn có lợi cho cạnh tranh thị trường.

AT&T bảo vệ thương vụ thâu tóm Time Warner

AT&T bảo vệ thương vụ thâu tóm Time Warner.

Trước nhiều nghi ngại và phản đối từ giới lập pháp cũng như các nhóm hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng, ngày 7/12, nhà cung cấp dịch vụ mạng điện thoại di động AT&T của Mỹ khẳng định thương vụ 85,4 tỷ USD thâu tóm Tập đoàn truyền thông giải trí Time Warner hoàn toàn có lợi cho cạnh tranh thị trường.

Phát biểu trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành AT&T Randall Stephenson cho biết mục tiêu của "thương vụ lớn nhất 2016" là nhằm mang tới cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn với mức giá thấp hơn.

Bên cạnh đó, sau khi sáp nhập, AT&T sẽ trở thành một cái tên "đáng gờm" hơn nữa trên thị trường dịch vụ giải trí, qua đó thúc đẩy tính cạnh tranh trên thị trường. Theo đó, ông Stephenson khẳng định quan điểm cho rằng vụ thâu tóm sẽ làm tổn hại tới tính cạnh tranh thị trường là một "sai lầm lớn".

Sự hợp nhất của AT&T và Time Warner, 2 doanh nghiệp vốn cung cấp các sản phẩm khác biệt, sẽ thúc đẩy quá trình sáng tạo và phân phối nội dung giải trí trong bối cảnh sự cạnh tranh từ các dịch vụ trực tuyến như Netfix và Amazon đang trở nên ngày một lớn.

Tuy nhiên, các thượng nghị sỹ thuộc Ủy ban Tư pháp Thượng viện về chính sách cạnh tranh và chống độc quyền quan ngại vụ thâu tóm sẽ tập trung quá nhiều quyền lực vào một tập đoàn. Khi AT&T có khả năng kiểm soát từ khâu sản xuất tới phát sóng các dịch vụ truyền hình, điều này có thể gây bất lợi cho người tiêu dùng cũng như các đơn vị cung cấp nội dung giải trí khác.

Chẳng hạn người dùng phải trả giá cao hơn trong khi có ít lựa chọn hơn hay các đơn vị truyền thông khác bị chèn ép để ưu tiên cho các sản phẩm của Time Warner.

Một ý kiến ủng hộ vụ sáp nhập của tỷ phú Mark Cuban, Chủ tịch mạng truyền hình cáp AXS, cho biết vụ thâu tóm sẽ giúp tạo ra một đơn vị đủ tầm cỡ để "đối đầu" với các "người khổng lồ" công nghệ hiện đang kiểm soát lượng thông tin khổng lồ trên mạng Internet, nền tảng đang dần "hút mất khách" của các kênh truyền hình cáp truyền thống.

Sau khi AT&T công bố thương vụ mua lại Time Warner hồi tháng 10, ngay lập tức, giới chức Mỹ đã bày tỏ thái độ thận trọng đối với thương vụ thâu tóm "đình đám" nhất trong năm. Theo đó, thương vụ lịch sử trị giá 85,4 tỷ USD sẽ cần nhận được sự chấp thuận từ Bộ Tư Pháp Mỹ và Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) trước khi có thể trở thành hiện thực.

Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng từng tuyên bố phản đối thương vụ này trong quá trình tranh cử. Tuy nhiên, từ sau chiến thắng hôm 8/11, ông Trump chưa đề cập đến vấn đề này. Trong khi đó, Giám đốc điều hảnh của của cả AT&T và Time Warner đều bày tỏ thái độ lạc quan về khả năng thỏa thuận nhận được sự chấp thuận từ giới lập pháp.

AT&T là nhà cung cấp dịch vụ mạng điện thoại di động lớn thứ 2 và dịch vụ truyền hình cáp lớn thứ 3 của Mỹ, trong khi Time Warner sở hữu nhiều thương hiệu truyền thông giải trí của Mỹ bao gồm hãng phim Warner Bros, các kênh truyền hình HBO và CNN cùng kênh truyền hình cáp TNT và TBS. Nếu được thông qua, đây sẽ là thương vụ thâu tóm lớn nhất thế giới trong năm 2016.

Tin mới lên