Tài chính quốc tế

Australia-Mỹ ra tuyên bố bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông

(VNF) - Các bộ trưởng Australia và Mỹ ngày 16/9 đã ra tuyên bố chung phản đối yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định việc tuân thủ luật pháp quốc tế là điều cần thiết cho sự ổn định và thịnh vượng của khu vực và quốc tế.

Australia-Mỹ ra tuyên bố bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông

Các bộ trưởng 2 nước Mỹ và Australia tham dự Hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng Ngoại giao - Quốc phòng giữa Mỹ và Australia lần thứ 31 ngày 16/9.

Ngoại trưởng Marise Payne, Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton của Australia cùng 2 người đồng cấp Mỹ là Ngoại trưởng Anthony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin ngày 16/9 đã ra tuyên bố chung sau khi tham dự Hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng Ngoại giao - Quốc phòng giữa Mỹ và Australia lần thứ 31 (AUSMIN 2021).

Trong tuyên bố, các bộ trưởng 2 nước Mỹ và Australia bày tỏ quan ngại về các tuyên bố chủ quyền hàng hải rộng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông mà không có cơ sở pháp lý.

Họ tái khẳng định rằng phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế năm 2016 là phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc về mặt pháp lý với các bên.

Trong tuyên bố, các bộ trưởng Australia và Mỹ khẳng định việc tuân thủ luật pháp quốc tế là điều cần thiết cho sự ổn định và thịnh vượng của khu vực và quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Đồng thời, hai bên một lần nữa phản đối mạnh mẽ việc quân sự hóa các thực thể địa lý tại Biển Đông và các hành động gây mất ổn định khác, bao gồm việc điều động một cách nguy hiểm lực lượng tuần duyên và dân quân hàng hải, cũng như các hành vi làm gián đoạn các hoạt động khai thác tài nguyên ngoài khơi của các quốc gia khác.

Ở động thái liên quan mới nhất, 3 nước gồm Mỹ, Anh và Australia ngày 16/9 tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên mới - AUKUS, để làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác.

3 nước cam kết hội nhập sâu hơn về khoa học, công nghệ, cơ sở công nghiệp và chuỗi cung ứng liên quan đến an ninh và quốc phòng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đây là “bước đi lịch sử” nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về lâu dài.

Thủ tướng Australia Scott Morrison thì cho rằng AUKUS sẽ “mang lại một khu vực an toàn hơn”, điều này cuối cùng mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia.

Việc thiết lập AUKUS được xem là một nỗ lực lớn của Australia, Mỹ và Anh nhằm duy trì kết cấu của sự can dự và răn đe ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bối cảnh các cặp quan hệ song phương giữa 3 đồng minh Mỹ-Australia-Anh với Trung Quốc vốn đã ở mức thấp trong thời gian qua.

Mặc dù AUKUS không chỉ đích danh Trung Quốc là mối đe dọa, tuy nhiên Bắc Kinh ngầm hiểu rằng mục tiêu của AUKUS chính là mình.

Ngay sau thông báo về việc thành lập liên minh AUKUS, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington lên tiếng đề nghị ba nước nên “rũ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và định kiến ​​về ý thức hệ” và cho rằng Mỹ, Anh, Australia đang nhắm vào nước này.

Xem thêm >> 'Kiều bào ủng hộ hơn 60 tỷ đồng hỗ trợ Việt Nam chống Covid-19'

Tin mới lên