Tài chính quốc tế

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố chính thức rút lại dự luật dẫn độ

(VNF) - Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã tuyên bố chính thức rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi trong nhiều tháng qua, theo Reuters.

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố chính thức rút lại dự luật dẫn độ

Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga.

Phát biểu trong cuộc họp với 43 nghị sĩ ủng hộ cùng đại biểu Hong Kong tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tại dinh thự Trưởng đặc khu chiều nay (4/9), bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố chính quyền Hong Kong quyết định đình chỉ sửa đổi dự luật cho phép dẫn độ các nghi phạm tới Trung Quốc đại lục để xét xử.

Dự thảo luật "Người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau về vấn đề hình sự" sửa đổi là tâm điểm gây tranh cãi ở Hong Kong thời gian qua, châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn đụng độ bạo lực giữa người biểu tình với cảnh sát.

Nếu dự luật được thông qua, cư dân Hong Kong, công dân Trung Quốc đại lục, người Đài Loan, Macau cùng những người nước ngoài sống tại trung tâm tài chính toàn cầu này đều có nguy cơ bị dẫn độ nếu bị truy nã ở Trung Quốc đại lục. Người biểu tình lo ngại dự luật sẽ khiến Hong Kong chịu ảnh hưởng từ luật pháp của Trung Quốc đại lục và cư dân Hong Kong có thể trở thành nạn nhân của một hệ thống pháp lý khác.

Bà Lâm hồi tháng 7 từng tuyên bố dự luật dẫn độ "đã chết" nhưng chưa nói về việc từ bỏ dự luật này. Người biểu tình Hong Kong đã không chấp nhận điều này, họ cho rằng nếu dự luật còn nằm trong chương trình nghị sự lập pháp, nó sẽ có mọi cơ hội để "hồi sinh" trước khi Hội đồng Lập pháp hiện tại kết thúc nhiệm kỳ vào năm tới.

Việc bà Lâm tuyên bố rút dự luật dẫn độ đồng nghĩa với việc chính quyền Hong Kong đã chấp thuận 1 trong 5 yêu cầu của người biểu tình. 

Ngoài yêu cầu chính thức rút dự luật dẫn độ, người biểu tình còn đòi chính quyền Hong Kong phải thành lập một ủy ban để điều tra các hành vi bạo lực của cảnh sát khi đối phó với người biểu tình, ân xá cho những người bị bắt, dừng gọi các cuộc biểu tình là các cuộc nổi loạn và khởi động lại tiến trình cải cách chính trị đang bị đình trệ.

Xem thêm >> Telegram phát triển tiền điện tử ‘Gram’, cạnh tranh với Facebook?

 

Tin mới lên