Nhân vật

Bà Lê Thúy Hằng trở thành tân Tổng giám đốc SJC

(VNF) - Bà Lê Thúy Hằng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) vừa được bổ nhiệm làm thành viên không chuyên trách hội đồng thành viên, Tổng giám đốc SJC.

Bà Lê Thúy Hằng trở thành tân Tổng giám đốc SJC

Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Trương Vĩnh Tuyến trao quyết định bổ nhiệm vị trí TGĐ SJC cho bà Lê Thúy Hằng.

Bà Lê Thúy Hằng, sinh năm 1970 tại Hải Phòng, có trình độ thạc sĩ quản trị kinh doanh, thạc sĩ tài chính ngân hàng. Bà Hằng sẽ giữ ghế Tổng giám đốc SJC trong vòng 5 năm.

Được thành lập từ năm 1988, SJC hiện là một trong những doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý lớn nhất tại thị trường Việt Nam, cùng với những tên tuổi khác như PNJ; Bảo Tín Minh Châu; Phú Quý...

Hiện trong số những doanh nghiệp kinh doanh vàng trên thị trường, chỉ duy nhất SJC là đơn vị do nhà nước sở hữu 100% vốn, còn lại đều do tư nhân sở hữu.

SJC là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP. HCM, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con như một tập đoàn kinh doanh đa ngành, trong đó sản xuất, kinh doanh vàng và trang sức là ngành kinh doanh chính, bên cạnh còn có địa ốc, đầu tư tài chính và dịch vụ.

SJC đang vận hành hệ thống 23 chi nhánh, 6 công ty con và 6 công ty liên kết, 13 doanh nghiệp có vốn đầu tư. Mạng lưới kinh doanh phân phối gồm hơn 200 cửa hàng, 43 đại lý chính thức, trên 3.000 cửa hàng liên kết bán lẻ toàn quốc.

SJC được Ngân hàng Nhà nước giao độc quyền sản xuất vàng miếng và lấy SJC là thương hiệu vàng quốc gia. Quyết định này nhằm thống nhất và kiểm soát thị trường vàng, giảm tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế... Tuy nhiên, đây cũng chính là hạn chế của doanh nghiệp khi vàng miếng chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu doanh thu.

Hoạt động trong mảng vàng miếng truyền thống chính là điểm yếu cố hữu của SJC. Với tính chất bán sỉ, SJC ghi nhận doanh thu rất lớn nhưng lợi nhuận không đáng kể khi tỷ suất lợi nhuận của mảng vàng miếng chỉ dưới 1%.

Báo cáo tài chính được công bố gần đây nhất cho thấy kết thúc năm 2018, SJC ghi nhận doanh thu thuần 20.871 tỷ đồng, giảm nhẹ 9% so với cùng kỳ trong khi giá vốn bán hàng giảm chậm hơn khiến biên lãi gộp chỉ còn 0,72%, so với mức 0,75% trong năm 2017.

Do không còn được hoàn nhập chi phí tài chính nên lợi nhuận của doanh nghiệp còn 28 tỷ đồng, thấp nhất từ 2012 đến nay.

Mặc dù công ty đã tiết giảm các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, doanh thu tài chính cũng tăng gấp hơn 5 lần cùng kỳ nhưng do không còn khoản hoàn nhập dự phòng tới 75 tỷ đồng như năm 2017 nên kết thúc năm 2018, doanh nghiệp chỉ đạt lợi nhuận sau thuế gần 28 tỷ đồng, giảm tới 66% so với con số đạt được cùng kỳ 2017.

Tính đến cuối 2018, công ty mẹ SJC có tổng tài sản 1.545 tỷ đồng, phân bổ chủ yếu ở hàng tồn kho (989 tỷ), tiền (171 tỷ) và đầu tư tài chính (167 tỷ). Doanh nghiệp hiện có vốn điều lệ 1.359 tỷ đồng và “của để dành” chỉ có hơn 94 tỷ lợi nhuận chưa phân phối.

Đây cũng là năm doanh nghiệp báo lãi thấp nhất kể từ khi công khai báo cáo tài chính.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ SJC là một trong số 93 doanh nghiệp nhà nước sẽ cổ phần hoá đến hết năm 2020.

Tin mới lên