Tài chính quốc tế

Ba mối đe dọa đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu

Theo tạp chí The Economist, ba mối đe dọa đối với sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu là việc Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và biến thể Omicron.

Ba mối đe dọa đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu

Ba mối đe dọa đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu

Khi ngày kỷ niệm hai năm đại dịch đến gần, tin tức có thể đã tốt hơn. Sự xuất hiện của một biến thể Covid-19 mới được gọi là Omicron đã làm dấy lên một làn sóng bán tháo trên thị trường tài chính, dường như do lo ngại rằng một biến thể virus mới có khả năng lây nhiễm cao có thể cản trở sự phục hồi kinh tế trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, ngay cả khi có thể kiểm soát được sự lây lan của Omicron, năm 2022 có thể sẽ vẫn là một năm thử thách về kinh tế khi các quốc gia nằm giữa hai sức ép kinh tế lớn đó là chính sách tiền tệ thắt chặt hơn của Mỹ và tăng trưởng chậm hơn ở Trung Quốc.

Mỹ và Trung Quốc chi phối nền kinh tế toàn cầu, hai nước này chiếm 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu theo tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, hai "gã khổng lồ" này ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác theo những cách khác nhau.

Đối với nhiều quốc gia mới nổi, sự phát triển mạnh mẽ ở Mỹ là "con dao hai lưỡi". Tác động của việc các hộ gia đình Mỹ mở rộng chi tiêu thường bị lu mờ bởi chính sách tiền tệ của nước này do vai trò quan trọng của đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ đối với hệ thống tài chính toàn cầu.

Chính sách tiền tệ của Mỹ thắt chặt thường dẫn đến việc giảm dòng vốn đầu tư vào tài sản rủi ro trên toàn cầu. Do đó, dòng vốn hướng tới các thị trường mới nổi có xu hướng giảm dần, đồng USD mạnh lên làm giảm dòng chảy thương mại do vai trò của đồng bạc xanh trong thanh toán thương mại.

Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thế giới rõ ràng hơn. Nhìn chung, Trung Quốc là nước tiêu thụ nhôm, than, bông, đậu nành và một số các mặt hàng khác lớn nhất thế giới và là nhà nhập khẩu chính của các mặt hàng từ thiết bị cơ bản đến rượu vang. Khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, các nhà xuất khẩu trên thế giới đều sẽ bị ảnh hưởng.

Năm 2022 sẽ không phải là lần đầu tiên các nền kinh tế buộc phải đối diện với nhiều rủi ro liên quan đến hai cường quốc này. Giữa những năm 2010, các thị trường mới nổi dễ bị tổn thương đã gặp khó khăn bởi đồng USD tăng giá khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rút dần sự hỗ trợ về tiền tệ được tung ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trong thời điểm đó, thị trường tài chính và tín dụng không được quản lý tốt đã khiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc suy yếu. Lúc đó, tốc độ tăng trưởng của các thị trường mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc, giảm từ 5,3% năm 2011 xuống chỉ còn 3,2% năm 2015.

Lần này những khó khăn có thể lớn hơn. Trong những năm 2010, sự phục hồi yếu kém và lạm phát ở mức thấp đã buộc Fed phải hành động chậm. Phải mất hơn hai năm rưỡi kể từ khi tuyên bố ý định giảm mua tài sản, Fed mới tăng lãi suất lần đầu tiên.

Ngược lại, lần này, theo dự báo của thị trường, trong vòng 12 tháng kể từ tháng 11/2021, khi Fed công bố kế hoạch giảm dần sự hỗ trợ, nhiều khả năng việc mua trái phiếu sẽ bị ngừng hoàn toàn và ít nhất 2 lần tăng lãi suất.

Về phần mình, dường như ngày nay nguy cơ Trung Quốc "hạ cánh cứng" còn lớn hơn so với nửa thập kỷ trước. Khi đó, Chính phủ Trung Quốc đã phản ứng lại việc tốc độ tăng trưởng giảm bằng cách bơm tín dụng và làm phình to bong bóng nhà đất. Thị trường bất động sản kể từ đó trở nên phát triển quá mức và gánh nặng nợ của các hộ gia đình và doanh nghiệp đã tăng lên.

Các quan chức kinh tế hiện thường xuyên đưa ra những cảnh báo đáng ngại về sự điều chỉnh sắp xảy ra. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn dự báo rằng Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,6% trong năm 2022, đây sẽ là mức thấp nhất kể từ năm 1990, ngoại trừ năm 2020.

Tầm quan trọng của Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu tăng liên tục kể từ những năm 2010. Và thế giới vẫn dễ bị tổn thương trước những cú sốc. Nợ tăng vọt trong đại dịch và việc Covid-19 tiếp tục lây lan sẽ đặt ra nhiều yêu cầu hơn nữa đối với các chính phủ.

Phân tích các đợt thắt chặt chính sách tiền tệ trong quá khứ của Fed cho thấy việc tăng lãi suất do nhu cầu của Mỹ mạnh chỉ có lợi một cách khiêm tốn đối với các nền kinh tế mới nổi có nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc. Nhưng đối với các nền kinh tế mong manh, điều này có thể gây mất ổn định.

Để đánh giá xem nước nào phải đối mặt với sức ép lớn nhất từ việc Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ, The Economist đã thu thập dữ liệu một số biến số kinh tế vĩ mô chính của 60 nền kinh tế lớn, cả tiên tiến và đang phát triển.

Thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, mức nợ cao (đặc biệt là nợ nước ngoài ngắn hạn), lạm phát và dự trữ ngoại hối thấp đều gây khó khăn cho các nền kinh tế khi đối mặt với sự thay đổi của dòng vốn do Mỹ thắt chặt chính sách.

Kết hợp hiệu suất của các quốc gia với các chỉ số này sẽ tạo ra "chỉ số tính dễ bị tổn thương", trong đó điểm số cao hơn là dễ bị tổn thương hơn. Argentina, quốc gia đứng đầu danh sách, phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát trên 50% và khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng.

Các yếu tố cơ bản của Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ tốt hơn một chút, nhưng khó khăn của nước này tăng thêm do chính phủ kiên quyết muốn hạ lãi suất khi giá cả tăng vọt. Đồng lira giảm giá, mất gần 40% so với đồng USD trong năm 2021, làm giảm sức mua của người dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Nợ rất cao ở một số quốc gia giàu có đã đưa các nước này đứng thứ hạng cao trong danh sách. Các thị trường thường mở rộng không gian cho các nước giàu có, nhưng nếu các điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt về cơ bản, thì các nhà lãnh đạo châu Âu có thể phải làm nhiều hơn để thuyết phục các nhà đầu tư rằng Hy Lạp sẽ không được phép rơi vào khó khăn nghiêm trọng. Trong số các nền kinh tế lớn mới nổi, Brazil có vẻ dễ bị tổn thương nhất.

Xếp 60 nền kinh tế này theo xuất khẩu của họ sang Trung Quốc, tính theo tỷ trọng trên GDP của các nước, tạo ra chỉ số về mức độ dễ bị tổn thương trước Trung Quốc. Những nhà xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc, như Singapore và Hàn Quốc, là những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất. Những nước này sẽ không gặp khó khăn khi nền kinh tế nội địa Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, miễn là người Mỹ tiếp tục mua sắm.

Việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại tác động xấu đến Australia, quốc gia xuất khẩu tài nguyên sang Trung Quốc, và Đức, nước có các công ty thiết bị công nghiệp phụ thuộc nhiều vào khách hàng Trung Quốc. Nhưng chịu rủi ro lớn hơn là các nước nghèo hơn xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc và cung cấp nguyên vật liệu cho sự bùng nổ xây dựng của nước này.

Sau đó có thể so sánh mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc với mức độ dễ bị tổn thương trước việc Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ. Brazil và Chile, dường như nhiều khả năng nhất phải chịu khó khăn kép. Dù nợ cao và lạm phát tăng vọt, giá nguyên liệu cao đã giúp Brazil duy trì niềm tin của các nhà đầu tư. Nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu có thể tước đi yếu tố đó của Brazil, dẫn đến đồng tiền lao dốc, thậm chí lạm phát cao hơn và khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế.

Các điều kiện có thể trở nên tồi tệ hơn nếu Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ làm trầm trọng thêm sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc. Mặc dù dự trữ ngoại hối khổng lồ giúp Trung Quốc có vùng đệm, nhưng trong hai năm qua, nước này cũng đã nhận các dòng tài chính lớn, điều này đã thúc đẩy giá trị của đồng nhân dân tệ (NDT).

Số tiền các ngân hàng trên toàn cầu rót vào Trung Quốc trong khoảng thời gian 2020-2021 đã tăng gần 200 tỷ USD, lên gần 1.000 tỷ USD. Sự thoái vốn đột ngột có thể dẫn đến sự sụt giá mạnh - không giống như đợt giảm giá gây bất ổn thị trường trong thập niên trước.

Sự xuất hiện của biến thể Omicron làm tăng thêm sự không chắc chắn. Hiện vẫn còn rất ít thông tin về những thiệt hại kinh tế mà biến thể này có thể gây ra. Khi giá cổ phiếu giảm vào ngày 26/11, các nhà đầu tư đã giảm kỳ vọng về tốc độ Mỹ tăng lãi suất trong năm tới. Nhưng điều này có thể không mang lại lợi ích cho các nền kinh tế có nền tài chính yếu hơn.

Nhiều đồng tiền đã giảm mạnh so với đồng USD trong bối cảnh có nhà đầu tư tìm đến những tài sản ít rủi ro làm nơi trú ẩn an toàn. Nếu điều này tiếp tục, kịch bản sẽ không khác gì với tác động của việc Mỹ liên tục thắt chặt tiền tệ. Nếu biến thể Omicron cũng làm giảm thương mại và tốc độ tăng trưởng, thì sự lây lan của dịch bệnh sẽ càng làm tăng thêm áp lực mà các nền kinh tế dễ bị tổn thương phải đối mặt.

Tin mới lên