Nhân vật

Bà Phan Thị Lệ: 'Chủ tịch may mắn’ và hành trình dứt áo ra đi khỏi PNC

(VNF) – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC), bà Phan Thị Lệ đã chính thức rời khỏi vị trí sau 25 năm gắn bó.

Bà Phan Thị Lệ: 'Chủ tịch may mắn’ và hành trình dứt áo ra đi khỏi PNC

Bà Phan Thị Lệ chính thức rời khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT PNC

Người phụ nữ tự cho mình luôn gặp "may mắn"

Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), bà Phan Thị Lệ đã chính thức rời khỏi vị trí lãnh đạo PNC sau hơn 25 năm gắn bó và làm việc.

Trước đó,  Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC) đã nhiều lần tiến hành Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) nhưng không thành do nhiều mâu thuẫn, tranh cãi giữa đại diện PNC và cổ đông của công ty này.

Ngày 26/10 vừa qua, PNC tiến hành ĐHCĐ thường niên lần thứ 3. Theo đó, bà Phan Thị Lệ, Chủ tịch HĐQT PNC đã chính thức rời cương vị lãnh đạo. Thay vào đó, ông Đặng Bá Tùng sẽ đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT PNC trong nhiệm kỳ từ năm 2017 đến năm 2021.

Bà Phan Thị Lệ là nữ doanh nhân được nhiều người biết đến, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa. Nữ chủ tịch PNC sinh năm 1959 tại Khánh Hòa. Hiện tại, bà đang sinh sống tại E25-K300 Cộng Hòa, Phường 12, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.

Cựu Chủ tịch HĐQT PNC từng tốt nghiệp cử nhân Thống kê – Kế toán tại Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh vào năm 1982. Sau khi tốt nghiệp đại học bà Lệ có khoảng thời gian làm việc tại Công ty Văn hóa Tổng hợp quận 11, TP. Hồ Chí Minh từ năm 1983 đến 1989. Tại đây, bà Lệ nắm giữ chức vụ kế toán trưởng. Năm 1989, bằng kinh nghiệm và khả năng làm việc, bà chính thức trở thành Giám đốc Công ty Văn hóa Tổng hợp quận 11, TP. Hồ Chí Minh.

Nói về khoảng thời gian này, bà Lệ cho rằng, mặc dù công ty làm ăn không tốt nhưng bà vẫn luôn tự tin và được đồng nghiệp ủng hộ. Chính vì thế, bà luôn tự tin để đảm nhận chức trách và nhiệm vụ được giao tại đây.

Chia sẻ về con đường sự nghiệp may mắn của mình, bà Lệ cho biết khi công ty bị thua lỗ, cân đối tài sản bị lỗ, ngân hàng không dám cho vay thì đúng lúc Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn cho những đơn vị hoạt động ngành văn hóa, công ty của bà lại được cấp vốn. Hay trong thời điểm khó khăn, cộng sự không bỏ đi mà đã cùng bà gắng sức làm việc để vượt qua thời khắc đó.

10 năm làm việc tại Công ty Văn hóa Tổng hợp quận 11, TP. Hồ Chí Minh, bà Lệ từ Kế toán trưởng đã trở thành giám đốc công ty này. Mặc dù luôn tự nhận mình là người may mắn, tuy nhiên bà Lệ cũng khẳng định, may mắn là chưa đủ để trở thành một người như bây giờ mà còn nhờ vào chính khả năng lãnh đạo của bản thân.

Khi trở thành Chủ tịch PNC, công ty gặp khó khăn trong kinh doanh, bà đã là người mạnh dạn quyết định cổ phần hóa công ty. Tiếp tục hành trình đưa tập đoàn PNC đi lên, bà đã thành lập hãng phim và đưa hãng phim của mình gặt hái được nhiều giải thưởng. "Tôi tự hào mình là người đi đúng hướng, biết sử dụng người, biết tìm người hợp tác", bà Lệ tâm sự.

Dứt áo ra đi

Năm 2015, PNC tiến hành ĐHCĐ thường niên với không khí hết sức căng thẳng. Lý do bắt nguồn "cuộc chiến này lửa" giữa các cổ đông là do báo cáo kết quả kinh doanh năm 2014 của PNC.

Cổ đông Vũ Cao Trung cho rằng, khoản lợi nhuận năm 2014 không phản ánh đúng thực tế, bởi quý 1 và quý 2 đều lỗ, quý 3 vớ được cái ‘phao’ chuyển lỗ thành lãi bằng khoản tiền 600.000 USD "hỗ trợ từ đối tác Hàn Quốc là Tập đoàn CJ", đồng thời cho rằng nếu hạch toán đúng, PNC phải lỗ 11,2 tỉ đồng trong năm 2014 chứ không có lợi nhuận như báo cáo.

Trước ý kiến của ông Trung, vị chủ tịch HĐQT PNC cho rằng: "ông Trung nói vậy là xuyên tạc, vu khống ban điều hành. Mọi việc chúng tôi làm đều chứng tỏ là những quyết sách đúng, mang lại lợi ích cho công ty. Tới nay, ban điều hành không làm gì sai và nếu có thì cơ quan chức năng đã làm việc rồi", bà Lệ nói.

Bên cạnh đó, việc HĐQT PNC tự ý phát hành 10 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 11.000 đồng/cổ phần cho đối tác chiến lược là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bình Tây nhưng không thông qua cổ đông, gây thiệt hại 20 tỷ đồng cũng là điều khiến nhiều cổ đông bức xúc.

Trước vấn đề này, bà Phan Thị Lệ cho biết, việc phát hành vừa quyết định ngay trước đó một ngày nên chưa kịp báo cáo đại hội, sau này HĐQT sẽ có văn bản gửi tới cổ đông sau khi chào bán.

Ông Ngọc Bích, thành viên HĐQT đồng thời là luật sư bổ sung thêm ý kiến, việc quyết định bán cổ phần là tìm đối tác và giá bán, chứ việc chào bán chưa hoàn tất vì còn phải làm hợp đồng.

Những lý lẽ trên đã làm cho cuộc họp trở nên căng thẳng PNC và các cổ đông. Các cổ đông cho rằng, việc Chủ tịch PNC tự ý bán 10 triệu cổ phiếu là không tôn trọng cổ đông. Trong khi trước đó, đã có cổ đông đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu trên với giá 13.000 đồng/cổ phiếu.

Đến tháng 2/2017, PNC tiếp tục tiến hành ĐHCĐ thường niên lần thứ 2. Không khác lần họp trước đó, các cổ đông tại PNC tiếp tục có cuộc tranh cãi "nảy lửa" với đại diện PNC. Nguyên nhân xoay quanh kết quả kinh doanh của tập đoàn này trong năm 2016.

Trong công bố kết quả kinh doanh năm 2016, đại diện lãnh đạo PNC cho biết, tập đoàn này đã đạt 542,6 tỷ đồng doanh thu thuần và 3,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 26% và 140% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lỗ sau thuế chưa phân phối của công ty vẫn lên đến 39,3 tỷ đồng.

Trước những khoản lỗ trên, nhiều cổ đông của PNC liên tiếng đề nghị tập đoàn này làm rõ hơn về chiến lược đầu tư với các đơn vị liên kết kinh doanh. Đặc biệt, cổ đông Vũ Cao Trung tiếp tục kiến nghị mạnh mẽ khi "đề nghị giải thể công ty này trong năm nay vì hoạt động liên tục thua lỗ, ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản của cổ đông".

Trước không khí mâu thuẫn căng thẳng của nhiều cổ đông với tập đoàn PNC, bà Lệ, chủ tịch HĐQT đã chia sẻ: "Chính việc mâu thuẫn nội bộ diễn ra liên tục trong thời gian dài, đặc biệt ngay ở các chương trình đại hội khiến hoạt động kinh doanh không thể suôn sẻ, ảnh hưởng xấu đến uy tín và danh tiếng của thương hiệu".

Đến tháng 10/2017, tại ĐHCĐ thường niên lần thứ 3 của PNC, nữ chủ tịch HĐQT Phan Thị Lệ đã chính thức rời vị trí của mình tại tập đoàn này. Theo đó, ông Đặng Bá Tùng được bầu làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2017 – 2021. Việc cải tổ ban điều hành của PNC được ví một cuộc "thay máu" hoàn toàn của công ty này.

Tính đến hết 20/10/2017, cựu chủ tịch Phan Thị Lệ nắm giữ trong tay 605.251 cổ phiếu, tương đương 5,6% vốn điều lệ PNC, trị giá 18,2 tỷ đồng. Ngoài ra, bà Lệ còn sở hữu số cổ phiếu đại diện cho Tổng công ty Công nghiệp In- Bao bì Liskin với số lượng 553.784 cổ phiếu, tương đương 5,13% vốn điều lệ, trị giá 16,6 tỷ đồng.

Tin mới lên