Thị trường

Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất gỡ khó cho dự án tổ hợp hóa dầu miền Nam 5,4 tỷ USD

(VNF) - UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam của Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn.

Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất gỡ khó cho dự án tổ hợp hóa dầu miền Nam 5,4 tỷ USD

Dự án tổ hợp hóa dầu miền Nam 5,4 tỷ USD gặp khó

Theo UBND tỉnh, dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam đang gặp vướng mắc trong việc triển khai thực hiện đầu tư. Nguyên nhân là do việc xác định các ưu đãi đầu tư liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu của dự án trước đây được Bộ Tài chính và Bộ Công Thương xác định trên cơ sở giải trình và cam kết của chủ đầu tư và ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Do đó, UBND tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn để rà soát lại các quy định, hồ sơ các thỏa thuận, cam kết của nhà đầu tư, làm rõ căn cứ xác định các ưu đãi đầu tư trên, làm cơ sở làm việc với nhà đầu tư và báo cáo Thủ tướng phương án xử lý theo đúng quy định.

Dự án tổ hợp hóa dầu miền Nam là công trình trọng điểm quốc gia, được khởi công xây dựng năm 2018 và dự kiến sẽ hoàn thành năm 2022. Theo ông Cholanat Yanaranop, Chủ tịch ngành hóa dầu SCG (SCG Chemicals), đại diện của Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn, dự án này có tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD, là tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam có công suất sản xuất olefin đạt tới 1,6 triệu tấn/năm.

Dự án được thiết kế để sản xuất đa dạng các sản phẩm hóa dầu, bao gồm những sản phẩm là nguyên liệu cần thiết cho ngành nhựa như polyetylen, polypropylen và các sản phẩm khác với công suất hơn 2,3 triệu tấn/năm.

Đến năm 2023, tổ hợp hóa dầu miền Nam dự kiến sẽ hoạt động để giúp thay thế và giảm dần việc nhập khẩu các sản phẩm hóa dầu, cung cấp nguồn nguyên nhiên liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp sản xuất nội địa.

Mặt khác, dự án còn tạo ra cơ hội xuất khẩu các mặt hàng hàng hóa dầu, giúp Việt Nam có mặt trên bản đồ các nước xuất khẩu sản phẩm hóa dầu. Đây cũng là nền tảng cho những đầu tư trong tương lai về công nghiệp hạ nguồn và các ngành công nghiệp liên quan.

Dự án tổ hợp hóa dầu miền Nam sau khi vận hành sẽ tạo ra việc làm cho khoảng 20.000 lao động và góp phần lan tỏa lớn để các ngành công nghiệp, từ hóa dầu đến ô tô, điện tử, thiết bị điện, bao bì cũng như các ngành dịch vụ khác, giúp cho kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển.

>>> Xem thêm: Nhùng nhằng thu hồi dự án dự án Vũng Tàu Paradise 97 triệu USD

Tin mới lên