Bất động sản

Bà Rịa - Vũng Tàu gấp rút hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sân bay Gò Găng

(VNF) - UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao Ban quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải cùng các cơ quan chức năng phối hợp với Binh đoàn 18, Cục Tác chiến – Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không – Không quân và đơn vị tư vấn thiết kế nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bà Rịa - Vũng Tàu gấp rút hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sân bay Gò Găng

Chốt vị trí mốc, ranh của sân bay Gò Găng (ảnh minh họa)

Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng do ông Trần Hữu Nam – Phó cục trưởng Cục Tác chiến, làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để thống nhất vị trí, mốc, ranh giới đầu tư xây dựng dự án sân bay Gò Găng, thành phố Vũng Tàu. 

Tại buổi làm việc, Ban quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải (đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án sân bay Gò Găng) cho biết: vị trí, mốc, ranh giới để đầu tư xây dựng dự án sân bay Gò Găng đã được các sở, ban, ngành nghiên cứu thực hiện theo đúng quy hoạch chung thành phố Vũng Tàu và quy hoạch phân khu 1/2000 đảo Gò Găng; trong đó, khu dịch vụ hàng không sân bay có diện tích khoảng 50,24ha, khu sân bay rộng khoảng 200ha.

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án, tọa độ điểm khống chế ranh giới của sân bay Gò Găng sắp tới sẽ là 248,5ha. Phạm vi ranh giới làm cơ sở để nghiên cứu dự án là: phía đông bắc giáp đường Vũng Tàu – Gò Găng – Long Sơn, phía tây nam giáp Vịnh Gành Rái, phía đông nam giáp đường quy hoạch, phía tây bắc giáp sông Chà Và.

Sân bay chuyên dụng Gò Găng sẽ được xây dựng theo chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Ban quản lý dự án đề xuất hướng chính để xây dựng đường băng cất hạ cánh, dự kiến đường băng cất hạ cánh sẽ là 1.800m x 30m; khu vực phục vụ hoạt động khai thác bay của Tổng công ty trực thăng Việt Nam; khu vực doanh trại và các công trình phụ trợ của Tổng công ty trực thăng Việt Nam.

Phó cục trưởng Cục Tác chiến - Trần Hữu Nam đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xây dựng kế hoạch chi tiết về dự án sân bay Gò Găng để Binh đoàn 18 có kế hoạch đầu tư các hạng mục tại sân bay Vũng Tàu.

Mặt khác, vì sân bay Gò Găng gần sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành nên Binh đoàn 18 cần có thời gian xây dựng quy chế bay cho phù hợp với hai sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành.

Phó cục trưởng Cục Tác chiến nêu rõ đơn vị hoàn toàn ủng hộ việc di dời sân bay Vũng Tàu về vị trí mới tại Gò Găng, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu. Bên cạnh đó, trong quá trình nghiên cứu, triển khai dự án sân bay Gò Găng, Cục Tác chiến đề nghị tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý tốt tĩnh không xung quanh vị trí đã được xác định để tránh ảnh hưởng tới việc xây dựng sân bay sau này.

Tại cuộc họp, các bên sơ bộ thống nhất đề xuất vị trí mốc, ranh của sân bay Gò Găng. UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao cho Ban quản lý dự án giao thông Khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải cùng các cơ quan chức năng phối hợp với Binh đoàn 18, Cục Tác chiến – Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không – Không quân và đơn vị tư vấn thiết kế nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

UBND tỉnh cũng đề nghị Tổng công ty trực thăng Việt Nam, Quân chủng Phòng không - Không quân hỗ trợ cung cấp biên chế tổ chức dự kiến hoạt động tại sân bay Gò Găng để làm cơ sở quy hoạch, bố trí các công trình, đảm bảo yêu cầu khai thác và đề xuất các yêu cầu về khai thác sử dụng.

Vào tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có văn bản gửi các sở ngành về việc chấp thuận vị trí, mốc, ranh giới khu đất tại Gò Găng, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu để nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng sân bay mới. Theo đó, tỉnh chấp thuận khu đất xây sân bay có diện tích 248,5ha tọa lạc tại đảo Gò Găng, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu.

Dự án sân bay Gò Găng được quy hoạch xây dựng nhằm phục vụ kế hoạch di dời sân bay Vũng Tàu hiện hữu tại phường 9, TP. Vũng Tàu. 

Kinh phí xây sân bay mới khoảng 1 tỷ USD. Phương án một được đưa ra là bán đất sân bay cũ để lấy kinh phí.

Phương án thứ hai là đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư, nhà nước và tư nhân cùng làm) hoặc BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Theo đó, nhà đầu tư thực hiện hoàn thiện sân bay tại Gò Găng sau đó được khai thác, sử dụng quỹ đất sân bay hiện hữu để hoàn vốn hoặc được quyền khai thác sân bay trong một thời gian nhất định.

Tin mới lên