Diễn đàn VNF

Ba vấn đề lớn của kinh tế Việt Nam năm 2017

Năm 2017 tiếp diễn những vấn đề của kinh tế thế giới năm 2016, đồng thời xuất hiện một số vấn đề mới đang được cả thế giới quan tâm, nổi lên là chủ nghĩa dân tộc gắn với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.

Ba vấn đề lớn của kinh tế Việt Nam năm 2017

Ảnh minh họa.

Xu hướng mới của thế giới: chủ nghĩa dân tộc

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), yêu cầu Canada và Mehico thảo luận lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), áp đặt các biện pháp đơn phương để bảo hộ mậu dịch đối với từng nước, đòi hỏi các doanh nghiệp Mỹ chuyển nhà máy về nước để tạo ra việc làm trong nước. Đằng sau các quyết định của D. Trump là sự trỗi dậy của xu hướng: chủ nghĩa dân tộc Mỹ. 

Những sắc lệnh đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, việc nước Anh- một trong ba quốc gia thành viên quan trọng của EU đang khởi động đàm phán để ra khỏi khối này, diễn biến trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp và một số nước Châu Âu với sự nổi lên của cánh hữu báo hiệu chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy, kéo theo chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch sẽ tác động tiêu cực đến quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới. 

Nhà phân tích Gideon Rachman viết trên tờ Financial Times (Anh) số đầu năm 2017: "Khả năng xung khắc giữa chủ nghĩa dân tộc Hoa Kỳ và Trung Hoa tại vùng Thái Bình Dương có vẻ tăng lên kể từ khi ông D. Trump thắng cử". Gideon Rachman cho rằng, trước khi D. Trump nêu ra khẩu hiêu "làm cho nước Mỹ vĩ đại lần nữa" (Make America Great Again), thì ông Tập Cận Bình đề ra mục tiêu "phục hưng dân tộc Trung Hoa", ông V. Putin muốn Nga phục hồi vị thế cường quốc như thời Liên Xô. 

Đối với Trung Quốc, từ đầu thế kỷ XXI quan hệ Mỹ- Trung Quốc đã diễn ra theo nhiều kịch bản, trở thành mối quan hệ có tác động lớn đến cục diện chính trị và kinh tế thế giới. Trung Quốc đã gia tăng nhanh chóng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, năm 2015 chiếm 14% thị trường thế giới, vượt Mỹ (9%), Đức (8%), Nhật Bản (3,8%). Với nhập siêu vào Mỹ 261 tỷ USD, Trung Quốc chiếm 70% nhập siêu của Mỹ năm 2015, làm mất đi nhiều triệu việc làm tại Mỹ. 

Quan hệ thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Mỹ đã được nhiều đời Tổng thống Mỹ từ Bill Clinton, G. Bush, B. Obama quan tâm và gây sức ép với Trung Quốc, nhưng chưa có Tổng thống nào tuyên bố cứng rắn và đe dọa áp dụng các biện pháp mạnh mẽ như D. Trump. 

Trong chiến dịch tranh cử, D. Trump đã gọi Trung Quốc là "bên thao túng tỷ giá hối đoái", "cưỡng bức Mỹ", trợ cấp hàng hóa, ăn cắp công nghệ, dọa áp đặt thuế 45% với hàng Trung Quốc. Ông cũng chỉ trích Trung Quốc chưa làm đủ để ngăn chặn Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân; đã nhận cuộc điện thoại chúc mừng của lãnh đạo Đài Loan, cho thấy ông sẽ làm ấm lên quan hệ với Đài Loan, mặc dù trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau đó, ông tuyên bố tôn trọng chính sách "một Trung Quốc". 

Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định quan hệ Trung- Mỹ dưới thời D. Trump có xu hướng căng thẳng hơn và cuộc chiến tranh thương mại giữa hai quốc gia có tiềm lực kinh tế đứng đầu thế giới có thể xảy ra với mức độ khó lường trước. 

Đối với EU, việc D. Trump công khai ủng hộ Anh rời khỏi EU, dự đoán về sự tan rã của EU, đánh giá Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) đã lỗi thời (!) được tờ The New York Time nhận định:" Các nhà lãnh đạo EU đang phải vật lộn để "giải mã" Tổng thống Mỹ Donald Trump, người dường như mỗi ngày lại chọn một "cuộc chiến" mới với một quốc gia mới, dù là đồng minh hay không". 

Gần đây, khi triệu tập khẩn cấp hội nghị thượng đỉnh EU tại Malta, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã viết thư gửi các nhà lãnh đạo các nước EU (trừ Anh), trong đó nhấn mạnh: "Đặc biệt là sự thay đổi ở Washington đặt EU trong một tình huống khó khăn. Chính quyền mới của Mỹ đang thách thức chính sách đối ngoại của họ trong suốt 70 năm qua". 

Giám đốc đối ngoại của Hội đồng Châu Âu Mark Leonard nhận định: "Kể từ khi EU thành lập, ông D. Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên không ủng hộ việc EU hội nhập sâu hơn. Không những thế, ông chống lại quá trình này và coi sự phá hủy của EU là lợi ích của Mỹ". 

Trước tình thế đó, Tổng thống Pháp Hollande cho rằng Châu Âu cần phải thể hiện sự thống nhất trước Washington, cảnh báo các nước ở Châu Âu không nên bị cám dỗ để cuốn vào quan hệ song phương với Nhà Trắng. Đồng quan điểm với Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng các quốc gia cần đứng trên đôi chân của mình trong nhiệm kỳ của Tổng thống D. Trump. 

Khi chủ nghĩa dân tộc đang được người đứng đầu cường quốc số 1 thế giới theo đuổi bất chấp sự phản đối của nhiều nhà chính trị, nhà khoa học, tập đoàn kinh tế lớn và hàng triệu người Mỹ, cũng như ở một số quốc gia vốn là dồng minh của Mỹ; xu hướng đó có thể lan rộng ra một số khu vực trên thế giới kéo theo chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch với những biện pháp đối lập với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đã đặt ra một số vấn đề mới đối với nước ta trong quá trình theo đuổi tự do thương mại và đầu tư, hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới. 

Sát sườn đối với Việt Nam là quan hệ kinh tế, nhất là quan hệ thương mại với Mỹ. Mặc dù cho đến nay chưa có động thái từ phía Mỹ trực tiếp tác động đến quan hệ với thương mại giữa hai nước, nhưng cần lưu ý rằng, Tổng thống D. Trump đã từng tuyên bố sẽ đánh thuế 20% hàng hóa qua biên giới với Mỹ. Nếu điều đó trở thành chính sách thuế quan của Mỹ thì có tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta vào thị trường nước này, chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 và tạo ra giá trị xuất siêu đủ bù đắp nhập siêu từ Trung Quốc. 

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ tháng 1/2017 đạt 3 tỷ USD, thấp hơn 600 triệu USD so với tháng 12/2016 và 10 triệu USD so với tháng 1 năm trước; trong khi trung bình mỗi tháng của năm 2016 đạt 3,3 tỷ USD. Chưa thể đưa ra kết luận vội vàng về nguyên nhân của tình trạng đó, nhưng cũng có thể là tín hiệu của một năm khó khăn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Mỹ, khi các chính sách mới của Tổng thống D. Trump có hiệu lực. 

Các doanh nghiệp Việt Nam đang có quan hệ thương mại với Mỹ cần theo dõi cập nhật thông tin, chuẩn bị các giải pháp đối phó với tình huống đó. Chính phủ, các bộ nhất là Bộ Công Thương cần theo dõi tình hình, dự báo kịp thời, chủ động ứng phó với các tình huống nhằm hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm lợi ích dân tộc, đồng thời thích ứng với xu hướng mới. 

Với việc Mỹ rút ra khỏi TPP trong khi nhiều nước khác trong đó có Nhật Bản và Australia vẫn theo đuổi hiệp định này và sẽ tổ chức cuộc gặp giữa đại diện 11 nước còn tham gia, thì Việt Nam cần chủ động đưa ra sáng kiến về việc tiếp tục thực hiện TPP không có Mỹ, chuẩn bị tốt cho việc khởi động quá trình đàm phán để hoàn chỉnh Hiệp ước, nhằm làm cho TPP mang lại lợi ích cho các bên tham gia, đồng thời bảo đảm lợi ích thiết thực của doanh nghiệp và nền kinh tế nước ta. 

Trong tuyên bố Mỹ rút khỏi TPP, D. Trump để ngỏ khả năng thành lập các FTA song phương với từng nước; đó là tín hiệu mới cần được nghiên cứu trong điều kiện quan hệ thương mại Việt - Mỹ đang gia tăng nhanh chóng, quan hệ chính trị, ngoại giao đang nồng ấm, thì việc chủ động đề ra sáng kiến khởi động quá trình đàm phán để hình thành FTA Việt - Mỹ là khả năng có thể 

trở thành hiện thực, thay thế cho BTA hiện đang có hiệu lực, nhằm khai thác tốt mối quan hệ với Mỹ, tận dụng thị trường lớn của Mỹ để gia tăng thương mại hai chiều, đồng thời tăng cường đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ vào Việt Nam. 

Tác động của biến đổi khí hậu

Năm 2017 biến đổi khí hậu và thiên tai vẫn là nguy cơ đối với thế giới; Việt Nam là một trong những nước chịu tác động lớn nhất, mặc dù nước ta đã có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng tránh nhưng vẫn khó lường trước tổn thất do thiên tai gây ra. 

Theo kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng đã được xác định trong Chiến lược quốc gia về BĐKH thì diễn biến thiên tai ở nước ta ngày càng khắc nghiệt, dự báo nhiệt độ trung bình có thể tăng lên khoảng 1,7oC vào giữa thế kỷ XXI và 2,4oC vào cuối thế kỷ này so với nhiệt độ trung bình thời kỳ 1986- 2005, lượng mưa trung bình có thể tăng ở khắp cả nước; trong khi đó lượng mưa trong mùa khô sẽ giảm dẫn đến tình trạng hạn hán trên diện rộng. 

Theo kịch bản trên, nếu nước biển dâng lên 1m thì khoảng 39,40% diện tích Đồng bằng Sông Cửu Long, 17,57% diện tích Đồng bằng Sông Hồng, 1,47% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, 17,84% diện tích TPHCM và 4,79% diện tích Bà Rịa- Vũng Tàu có nguy cơ bị ngập. 

Theo nghiên cứu của DARA International (2012) thì BĐKH hiện đang làm cho Việt Nam thiệt hại mỗi năm khoảng 15 tỷ USD, tương đương 5% GDP, nếu không có giải pháp ứng phó hữu hiệu thì có thể lên đến 11% GDP vào năm 2030. 

Theo kết quả nghiên cứu của mô hình Vanmieu V2. 2 do Trung tâm Thông tin & Dự báo quốc gia (Bộ KH&ĐT) hợp tác với Viện nghiên cứu Kinh tế& Xã hội, Cộng hòa Ailen (dựa trên phiên bản mô hình Hermin do Giáo sư John Bradley và Giáo sư John Fitz Gerald xây dựng năm 1988) "trong giai đoạn 2016- 2010, nếu tình trạng ô nhiễm môi trường và thiệt hại do thiên tai không được hạn chế thì tăng trưởng kinh tế trung bình mỗi năm sẽ giảm 0,6% GDP (bao gồm cả tác động trực tiếp và gián tiếp), tăng trưởng tiêu dùng bình quân mỗi năm giảm 0,1%, tăng trưởng tổng đầu tư toàn xã hội và việc làm sẽ giảm trung bình mỗi năm tương ứng 1,2% và 0,8%. (Xem Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế: Kinh tế Việt Nam trong trung hạn và một số ảnh hưởng của yếu tố môi trường, tháng 11/2016, tr. 20. 21). 

Báo cáo tháng của Ủy ban liên quốc gia về BĐKH (10/2015) khẳng định, thông qua hậu quả của các dạng thiên tai (bão, lũ lụt, hạn hán), BĐKH có thể gián tiếp gây ra tử vong và bệnh tật cho người dân. Ở Việt Nam thời gian gần đây đã xuất hiện một số bệnh mới ở người và động vật (tả, cúm gia cầm, tai xanh), gây ra những thiệt hại đáng kể. 

Để ứng phó có hiệu quả với BĐKH cần đồng thời tiến hành hai loại giải pháp: (i) về ngắn hạn, nâng cao tính chính xác và kịp thời của dự báo thời tiết, bão lũ, hạn hạn, ngập mặn, nước biển dâng để chủ động các giải pháp thích hợp nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, sớm khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, khôi phục sản xuất và đời sống của người dân; (ii) về trung hạn và dài hạn, tiến hành nhanh hơn, có hiệu quả hơn cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới nhằm mục tiêu phát triển bền vững, kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; không để lợi ích nhóm chi phối việc thực hiện các dự án đầu tư trong ngành, lĩnh vực phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong việc xử lý nước thải, chất thải rắn, khói bụi ở tất cả các địa phương nhằm thực hiện mục tiêu của Chiến lược BĐKH quốc gia.  

Lợi thế so sánh

Năm 2017 xét tương quan với nhiều nước ASEAN và khu vực Châu Á thì Việt Nam được đánh giá có lợi thế so sánh hơn đối với tăng trưởng kinh tế, thu hút vốn quốc tế và hội nhập với thế giới. 

Ngày 14/1 Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố kết quả khảo sát các doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam năm 2016 cho biết, 62,8% số doanh nghiệp có lãi, tăng so với 58,8% năm 2015, 25,1% doanh nghiệp báo lỗ, giảm so với 26,2% năm 2015; 2/3 số doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai, đây là tỷ lệ cao so với các quốc gia khác. 

Tổ chức Hợp tác & Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây và năm 2017 cao nhất trong các nước ASEAN-5. 

 Báo cáo về PMI (Purchasing Managers Index là chỉ số đánh giá hoạt động của ngành sản xuất, đo lường sự thay đổi về sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm, thời gian giao hàng của nhà cung cấp và lưu kho hàng hóa) của Mikkei-Markit cho thấy, tình hình sản xuất của Thái Lan đang ở mức thấp kỷ lục trong khi Việt Nam lại đang ở mức đỉnh trong 16 tháng vừa qua. PMI của Thái Lan giảm từ 49,8 điểm trong tháng 8/2016 xuống 48,8 điểm trong tháng 9/2016, mức giảm mạnh nhất trong 8 tháng qua. Đây là tháng thứ 5 thấp hơn 50 điểm, mức điểm được cho là an toàn đối với ngành sản xuất. 

Ngược lại, PMI của Việt Nam tháng 9/2016 cao hơn 52,2 điểm đã đạt được của tháng trước đó, mức cao nhất kể từ tháng 5/2015. Tất cả các yếu tố như số đơn đặt hàng mới, sản lượng, hoạt động mua sắm đầu tư đều tăng mạnh. Tỷ lệ lao động trong ngành lắp ráp của Việt Nam tăng nhiều nhất trong 5 năm rưỡi vừa qua. 

Kinh tế Trung Quốc tiếp tục gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã hoặc có kế hoạch chuyển nhà máy ra khỏi nước này vì cho rằng, Trung Quốc không còn quá cần doanh nghiệp ngoại để lấy vốn, kỹ năng và công nghệ nữa, vì thế giảm dần ưu đãi cho doanh nghiệp FDI và tăng hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước. 

Tập đoàn Panasonic (Nhật Bản) năm 2015 đã phải ngừng toàn bộ sản xuất TV sau 37 năm hoạt động tại Trung Quốc từ 1979, là công ty nước ngoài đầu tiên đặt chân đến đây với kỳ vọng vào những ưu đãi hào phóng như thuế thấp, giá đất rẻ và dễ dàng tiếp cận với chính quyền địa phương. 

Tháng 11 năm ngoái, Sony đã bán toàn bộ cổ phần trong Sony Electronics Huanan tại Quảng Châu chuyên sản xuất đồ điện tử tiêu dùng. Hãng bán lẻ Anh - Marks & Spencer cũng thông báo sẽ đóng cửa tất cả cửa hàng ở Trung Quốc do thua lỗ triền miên. Metro, Home Depot, Best Buy, Revlon và L’Oreal là những tập đoàn lớn nằm trong danh sách này. Seagate - hãng sản xuất ổ cứng máy tính lớn nhất thế giới đã đóng cửa nhà máy ở Tô Châu, làm cho 2.000 công nhân thất nghiệp… Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là thuế cao, lương nhân công tăng và cạnh tranh khốc liệt từ các công ty trong nước. 

Những tư liệu trên đây cho thấy Việt Nam đang có lợi thế so sánh tốt hơn nhiều nước ASEAN và Trung Quốc trong quan hệ thương mại và đầu tư quốc tế. Làm gì, bằng cách nào để biến lợi thế so sánh thành hiện thực nhằm tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao hơn, thực hiện có hiệu quả kinh tế - xã hội lớn hơn theo hướng phát triển bền vững và kinh tế xanh?

Câu trả lời đã có: đổi mới nhanh hơn, đồng bộ hơn và có hiệu quả hơn. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, từ khi Chính phủ mới được thành lập đến nay đã có nhiều chủ trương đẩy nhanh công cuộc cải cách và đã điều hành khá quyết liệt để khắc phục yếu kém của bộ máy nhà nước, tuy vậy vẫn chưa đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống. Tựu trung yếu tố quyết định là tài năng và trách nhiệm cá nhân đội ngũ công chức, nhất là người đứng đầu cơ quan nhà nước: bộ trưởng, chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng đơn vị. Đáng tiếc cho đến nay ở nước ta việc đề bạt, lên chức có vẻ đễ dàng, thậm chí có đơn vị lãnh đạo nhiều hơn nhân viên, trong khi miễn nhiệm, cách chức một cán bộ lãnh đạo rất khó khăn, kéo dài, nhiều cá nhân không đủ tư cách và năng lực vẫn nghiễm nhiên "bất di bất dịch" (!). 

Chừng nào văn hóa từ chức, miễn nhiệm chưa trở thành trạng thái thông thường để xử lý người chịu trách nhiệm khi không hoàn thành nhiệm vụ thì chừng đó thói quen vô trách nhiệm còn được dung dưỡng và tình trạng "trên nóng dưới lạnh" vẫn là hiện tượng phổ biến. Hy vọng rằng, Chính phủ với quyết tâm làm chuyển động bộ máy nhà nước để thực hiện chính phủ kiến tạo, chính phủ liêm chính lưu ý đến việc làm cho văn hóa từ chức, văn hóa miễn nhiệm trở thành nếp sống thường nhật. 

Tin mới lên