Tài chính quốc tế

Bắc Kinh: ‘Biển Đông không nên trở thành công cụ để kiềm chế và đàn áp Trung Quốc’

(VNF) - Trung Quốc mới đây tiếp tục bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 và nhấn mạnh rằng Biển Đông không nên trở thành công cụ để một số quốc gia kiềm chế và đàn áp Trung Quốc.

Bắc Kinh: ‘Biển Đông không nên trở thành công cụ để kiềm chế và đàn áp Trung Quốc’

Nhóm tàu Trung Quốc neo đậu trái phép tại khu vực bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 23/3. Ảnh: Maxar.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu (EU) ngày 24/4 lên tiếng cáo buộc Trung Quốc gây nguy hiểm cho hòa bình ở Biển Đông và kêu gọi tất cả các bên tuân thủ phán quyết của PCA năm 2016.

Ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (hay còn được gọi vắn tắt là Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông) đã ra phán quyết trong vụ việc liên quan Biển Đông do Philippines đệ trình.

Phán quyết của tòa đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, bao gồm cả "Đường chín đoạn" bao phủ 3,5 triệu km2 ở Biển Đông do nước này tự vẽ ra và cái gọi là chủ quyền lịch sử là không có cơ sở pháp lý.

Trong tuyên bố đăng trên website của Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) ngày 24/4, EU cho rằng những căng thẳng ở Biển Đông, bao gồm sự hiện diện của các tàu Trung Quốc cỡ lớn thời gian gần đây tại Đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định trong khu vực.

EU còn lặp lại sự phản đối của khối đối với bất kỳ hành động đơn phương có thể làm suy yếu hòa bình khu vực và trật tự dựa trên luật, đồng thời kêu gọi tất cả các bên giải quyết tranh chấp thông qua các phương tiện hòa bình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, kể cả các cơ thể giải quyết tranh chấp của công ước này.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh tàu Trung Quốc thời gian gần đây tăng cường hiện diện trái phép ở Đá Ba Đầu và một số thực thể khác trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trước đó, Philippines ngày 23/4 tiếp tục gửi 2 công hàm ngoại giao phản đối sự hiện diện của tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông.

Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ Ngoại giao Philippines cho biết các quan chức hàng hải nước này đã quan sát thấy "những hành động và sự hiện diện trái phép" của 160 tàu cá và tàu dân quân Trung Quốc quanh quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough kể từ ngày 20/4 vừa qua. Bên cạnh đó, khoảng 5 tàu tuần duyên Trung Quốc cũng bị phát hiện xung quanh những khu vực này.

"Sự hiện diện tràn ngập và mang tính đe dọa của các tàu Trung Quốc đang tạo ra môi trường bất ổn và là sự coi thường trắng trợn các cam kết của Trung Quốc nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực", Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong tuyên bố hồi cuối quần qua, phái đoàn Trung Quốc tại EU bác bỏ cáo buộc của EU rằng các tàu của Trung Quốc trên Biển Đông đã gây nguy hiểm cho hòa bình và an ninh khu vực.

Tuyên bố của Trung Quốc cũng khẳng định chủ quyền, quyền và lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông đã được hình thành trong "quá trình lịch sử lâu dài và phù hợp với luật pháp quốc tế" và tiếp tục bác bỏ phán quyết của PCA.

“Biển Đông không nên trở thành công cụ để một số quốc gia kiềm chế và đàn áp Trung Quốc, càng không nên trở thành sàn đấu giữa các cường quốc”, tuyên bố của Trung Quốc viết.

Trung Quốc thời gian gần đây tỏ ra lo lắng trước việc các nước châu Âu và nhiều quốc gia khác đang hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden về "cách tiếp cận phối hợp" nhằm ứng phó với Trung Quốc.

Cho tới nay, điều này đã được hiện thực hóa một phần sau khi hàng loạt nước trừng phạt Trung Quốc liên quan đến vấn đề Hong Kong và Tân Cương.

Xem thêm >> 'Thủ tướng đã trao đổi cùng lãnh đạo các nước ASEAN về nhiều vấn đề chiến lược'

Tin mới lên