Tiêu điểm

Bác sỹ Trần Văn Phúc lý giải vì sao những người ở nhà 24/7 vẫn dính Covid

(VNF) - Bác sĩ Trần Văn Phúc, công tác tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) đã đăng tải bài viết chia sẻ những thông tin mới nhất biến thể Delta của virus Sars-Cov-2, giúp mọi người hiểu đúng để phòng bệnh. VietnamFinance xin lược đăng bài viết trên trang cá nhân của bác sĩ.

Bác sỹ Trần Văn Phúc lý giải vì sao những người ở nhà 24/7 vẫn dính Covid

Biến thể Delta với tốc độ lây nhiễm khủng khiếp nên được coi như Covid-21

Biến thể Delta nguy hiểm thế nào?

Trong hơn một năm rưỡi qua, Covid-19 từ chủng virus Vũ Hán ban đầu mỗi bệnh nhân có thể lây cho 2 người, còn gọi là hệ số lây nhiễm cơ bản R0 = 2. Quá trình đột biến tạo nên bốn biến thể chính: Alpha, Beta, Gama và Delta. Biến thể Alpha có R0 = 4 đã làm rung chuyển thế giới. Nhưng Delta kinh khủng hơn nhiều, các chuyên gia trên thế giới ước tính R0 = 9, riêng Việt Nam theo quan sát của hệ số R0 có thể lớn hơn nhiều.

Biến thể Delta ngày càng gia tăng mạnh mẽ, càng ngày khả năng lây nhiễm càng tăng hơn; và Delta sẽ không phải là biến thể cuối cùng gây dịch bệnh.

Sở dĩ biến thể Delta ngày càng lây nhiễm nhanh hơn như vậy, là bởi SARS-CoV-2 có cấu trúc di truyền RNA dài nhất so với tất cả các virus có trong tự nhiên, nên trong quá trình sao chép gen các đột biến xuất hiện vô cùng nhiều. Trong số ngàn vạn những đột biến của Delta, sẽ có những đột biến làm cho tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, đó là lí do biến thể Delta chỉ mất vài tháng đã thống trị toàn thế giới.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), so với chủng Vũ Hán ban đầu, biến thể Delta có tải lượng virus nhiều hơn gấp 1.260 lần, khả năng lây nhiễm tăng 225%.

Biến thể Delta có khả năng xâm nhập tế bào rất nhanh, tải lượng virus tăng đột biến. Chỉ trong thời gian ngắn virus đã có đầy ở cổ họng người nhiễm, nó nhanh chóng phát thải ra môi trường xung quanh, hầu hết người không có triệu chứng cũng dễ dàng truyền bệnh cho người khác.

Với chủng Vũ Hán ban đầu, thời gian quy ước để coi là “tiếp xúc gần” phải hơn 15 phút, khoảng cách tiếp xúc phải dưới 2 mét. Nhưng với biến thể Delta thời gian sẽ tính bằng giây, có thể là 15 giây, hoặc ngắn hơn chỉ vài giây tiếp xúc thoáng qua đã có thể lây nhiễm.

Liệu vaccine có bị vô hiệu hoá?

Ở thời điểm hiện tại, vaccine vẫn còn tác dụng bảo vệ loài người trước biến thể Delta.

Thứ 6 tuần trước, CDC Hoa Kỳ công bố báo cáo trên Website của mình về tình trạng nhiễm Covid-19 ở bang Massachusetts, đây là báo cáo thay đổi nhận thức rất quan trọng về virus.

Như chúng ta đã biết, kể từ sau tháng 4/2021, nước Mỹ tiêm phòng được khoảng 40% dân số đủ liều, chính quyền Biden cho phép mở cửa, nhiều nơi không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách, hàng quán tấp nập, du lịch bùng nổ.

Sau màn bắn pháo hoa ngoạn mục mừng Quốc khánh Mỹ ngày 4/7, hàng trăm các sự kiện, lễ hội lớn được chính quyền cho phép triển khai với quy mô lớn.

Thống kê từ ngày 4-26/7, Massachusetts có tổng số 469 ca dương tính.

Massachusetts có 7 triệu dân, nhưng chỉ có 469 ca dương tính trong 23 ngày, tỷ lệ vô cùng thấp. Lí do, một phần dân số đã có miễn dịch tự nhiên sau khi nhiễm bệnh, nhưng quan trọng hơn cả 64% dân số Massachusetts đã tiêm chủng đủ liều vaccine.

Đây là một bằng chứng cho thấy vaccine vẫn có tác dụng bảo vệ với biến thể Delta.

Nhưng có một câu hỏi tiếp theo: Liệu Covid-19, ở một dạng nào đó, xuất hiện biến thể thoát khỏi hoàn toàn vaccine? Câu trả lời: Có thể!

Trừ khi SARS-CoV-2 bị tiêu diệt hoàn toàn khỏi thế giới, nếu không vẫn có khả năng xuất hiện đột biến vô hiệu hoá hoàn toàn một loại vaccine.

Bác sĩ Trần Văn Phúc

Cuộc chiến thay đổi thế nào?

“Cuộc chiến đã thay đổi – The war has changed”, CDC Hoa Kỳ đã tuyên bố như vậy.

Với đặc tính của biến thể Delta, theo tôi, cần phải coi dịch bệnh ở thời điểm hiện tại như Covid-21, nó khác rất rất nhiều so với Covid-19.

Tôi lấy ví dụ khái niệm tiếp xúc gần, từ trước đến nay được hiểu là trường hợp một người tiếp xúc với bệnh nhân ở khoảng cách dưới 2 mét, trong tổng thời gian 15 phút của một ngày, thời điểm bắt đầu trước 2 ngày kể từ khi người bệnh xuất hiện triệu chứng hoặc xét nghiệm dương tính.

Nhưng bây giờ, tiếp xúc gần nên được hiểu là những người ở cùng với người bệnh trong cùng một không gian, cùng đơn vị, cùng toà nhà; thời gian tiếp xúc không giới hạn, thời điểm tiếp xúc bắt đầu trước 4 ngày kể từ khi có triệu chứng hoặc xét nghiệm dương tính.

Về chiến thuật phòng chống, theo tôi, nên chống dịch theo yếu tố nguy cơ ở từng lĩnh vực cụ thể theo các mức xanh, vàng, cam, đỏ, tím; mỗi mức có một biện pháp can thiệp phù hợp.

Tiếp theo, phải bảo vệ nhóm người có nguy cơ mắc bệnh nặng, phòng vệ tốt cho nhóm có nguy cơ lây nhiễm; ngoài những biện pháp cơ học, thì vaccine trong giai đoạn khan hiếm phải ưu tiên số một cho nhóm người này.

Tiêm chủng phải luôn theo cấp số nhân, chạy đua vượt qua tốc độ lây nhiễm theo cấp số nhân của biến thể Delta. Ví dụ xuất hiện ổ dịch ở một quận, ngay lập tức phải dồn vaccine về quận đó tiêm thật nhanh cho nhóm ưu tiên, sau đó mở rộng tiêm thật nhanh cho những đối tượng khác.

Xây dựng tuyến phòng thủ điều trị là cực kì quan trọng!

Phát hiện ổ dịch để khống chế không để bùng phát cũng quan trọng không kém. Muốn vậy xét nghiệm ổ dịch phải thực hiện siêu tốc, theo cấp số nhân vượt qua tốc độ phát triển của virus. Truy xuất nguồn gốc phải thực hiện nhanh chóng để giúp cho cắt đứt nguồn lây ở giai đoạn đầu. Khi dịch phát triển thì phải kiểm soát vùng dịch một cách khoa học và toàn diện.

Cuối cùng, cá nhân hoá phòng chống dịch là tối quan trọng, chỉ khi mỗi cá nhân tự phòng được cho mình thì cộng đồng mới an toàn.

Virus sẽ tiếp tục biến đổi;

Mọi người phải tiêm phòng;

Cùng nhau xây dựng bức tường chặn virus;

Mỗi người cần có ý thức tự phòng cho mình;

Đó là cách chúng ta sống chung với virus!”

Bác sĩ Trần Văn Phúc được xem là bác sĩ “quốc dân” trên Facebook. Trên trang cá nhân của mình, bác sĩ thường xuyên chia sẻ những bài viết về dịch Covid-19 với cách tiếp cận dễ hiểu, thu hút hàng nghìn lượt like, chia sẻ, tương tác.

Theo BS Trần Văn Phúc, nhiệm vụ của người bác sĩ không chỉ là khám và kê đơn cho bệnh nhân. Mà còn phải mang kiến thức y học đến với cộng đồng, giáo dục cộng đồng để ai cũng có sức khoẻ tốt nhất. Khi đó, người bác sĩ có thể ngăn chặn bệnh tật từ xa. Vì vậy, dù luôn bận rộn với công việc việc khám, chữa bệnh nhưng anh luôn cố gắng dành thời gian để viết những bài chia sẻ về kiến thức y khoa trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông. Vì ngôn ngữ y khoa khá đặc thù nên bác sĩ luôn cố gắng trình bày đơn giản, dễ hiểu để người dân có thể dễ dàng tiếp thu.

Tin mới lên