Diễn đàn VNF

Bài học từ nâng cao năng suất lao động của Nhật Bản

Gần 20 năm đã thay đổi hoàn toàn vị thế của Nhật Bản trên thế giới, đưa nước này thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao, là một quốc gia thịnh vượng.

Bài học từ nâng cao năng suất lao động của Nhật Bản

Bài học từ nâng cao năng suất lao động của Nhật Bản.

Nhật Bản đã có khoảng gần 20 năm (1955-1973) có tốc độ phát triển GDP bình quân hàng năm khoảng 10%. Gần 20 năm đó đã thay đổi hoàn toàn vị thế của Nhật Bản trên thế giới, đưa nước này thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao, là một quốc gia thịnh vượng.

Một trong những bài học quan trọng là Nhật Bản đã nâng cao năng suất lao động, rút ngắn khoảng cách phát triển. Để hiểu rõ hơn về kinh nghiệm của Nhật Bản trong vấn đề cải thiện năng suất lao động, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Kazuteru Kuroda, hiện là chuyên gia về năng suất lao động thuộc Trung tâm Năng suất Nhật Bản.


Ông Kazuteru Kuroda, chuyên gia về năng suất lao động thuộc Trung tâm Năng suất Nhật Bản.

- Là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về năng suất lao động tại Việt Nam, có nhiều cuộc khảo sát thực tế tình hình năng suất lao động tại các doanh nghiệp thông qua các dự án của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), ông đánh giá như thế nào về năng suất lao động của Việt Nam?

Ông Kazuteru Kuroda: Năng suất lao động của Việt Nam đang thấp hơn so với các nước trong khu vực. Ở bình diện quốc gia, năng suất lao động của Việt Nam chỉ nhỉnh hơn Lào, Campuchia, kém các nước như Thái Lan, Indonesia và kém hơn 10 lần so với Nhật Bản và Singapore. Tuy nhiên, Việt Nam có nhiều yếu tố để tăng năng suất lao động trong thời gian tới.

Ở bình diện doanh nghiệp, tôi đã có thời gian khảo sát về năng suất lao động tại một số doanh nghiệp ở Việt Nam, nhìn chung, năng suất lao động vẫn còn thấp. Qua khảo sát, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào từng cá nhân trong một doanh nghiệp mà không có sự phát triển đều trên bình diện toàn hệ thống.

- Từ kết quả khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp của Việt Nam, theo ông, yếu tố nào quyết định đến việc tăng năng suất lao động và môi trường làm việc, thưa ông?

Có 5 yếu tố quyết định đến việc tăng năng suất lao động trong các doanh nghiệp của Việt Nam.

Thứ nhất là do yếu tố cá nhân của người lao động. Đây là yếu tố chính thể hiện sự hài lòng của nhân viên. Khi cá nhân đạt được thành tựu và kết quả nhất định họ sẽ có cảm giác hài lòng và muốn gắn bó với doanh nghiệp.

Thứ hai, sự công nhận của mọi người về năng lực và trình độ của lao động. Đây là yếu tố rất quan trọng trong việc tạo mối quan hệ tốt với đồng nghiệp khác trong doanh nghiệp. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng tới việc liệu người lao động đó có ý định chuyển sang doanh nghiệp khác làm hay không.

Thứ ba, niềm tin vào doanh nghiệp và định hướng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải có chiến lược định hướng rõ ràng sẽ làm tăng niềm tin của người lao động.

Thứ tư, là vấn đề tiền lương. Rõ ràng tiền lương không phải là yếu tố quan trọng nhất nhưng doanh nghiệp nào có lương cao, chế độ đãi ngộ tốt sẽ là một lợi thế để giữ chân nhân viên và nhân viên sẽ cống hiến nhiều hơn.

Thứ năm là vai trò của lãnh đạo, sự giám sát và theo dõi của lãnh đạo. Đây là yếu tố rất quan trọng nhất nhưng cũng là thách thức nhất với lao động của Việt Nam. Trong bất cứ đơn vị hay doanh nghiệp nào, yếu tố lãnh đạo rất quan trọng, ngoài vấn đề tổ chức, điều hành, đưa ra quyết định, lãnh đạo còn giúp kết nối các nhân viên với nhau, đưa ra các đãi ngộ với nhân viên….

Làm tốt cả 5 yếu tố trên sẽ cải thiện môi trường làm việc, nâng cao năng suất lao động tại các doanh nghiệp ở Việt Nam.

- Nhật Bản được biết đến là nước có năng suất lao động cao hàng đầu thế giới và có quá trình cải thiện năng suất lao động hiệu quả. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong vấn đề này?

Nhật Bản đã sử dụng 3 công cụ quan trọng trong cải thiện năng suất lao động trong giai đoạn từ 1960 đến những năm 1980 là: Hệ thống quản lý chất lượng toàn diện (TQM); Bảo trì năng suất tổng thể (TPM); Sản xuất tiết kiệm hay cải tiến liên tục (gọi tắt là Lean hay Kaizen).

Cụ thể, mô hình quản lý chất lượng toàn diện của Nhật Bản, gọi tắt là TQM, cũng được nhiều nước trên thế giới đánh giá là một hệ thống quản lý chất lượng mang lại hiệu quả cao. Đây là công cụ tiếp cận về quản lý chất lượng ở mọi công đoạn nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả chung của doanh nghiệp hay của tổ chức. Chính nhờ áp dụng thành công TQM mà chất lượng sản phẩm của Nhật Bản sau vài thập niên từ yếu kém đã nâng lên một trình độ cao, có uy tín trên thế giới.

Công cụ thứ hai là Bảo trì năng suất tổng thể (gọi tắt là TPM). Đây là công cụ quản lý được áp dụng đầu tiên tại Nhật Bản, sau đó được phổ biến, áp dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất công nghiệp trên toàn thế giới. TPM là một tư duy hay phương pháp quản lý liên kết hai khái niệm Bảo trì (hay còn được hiểu là Duy trì) và Năng suất chất lượng. TPM cải thiện sử dụng máy móc nhờ công tác bảo trì tốt. TPM cũng hạn chế việc dừng chạy máy đột xuất, tạo điều kiện làm việc 24 giờ mỗi ngày trong điều kiện tốt nhất. Phương pháp này đang được áp dụng mạnh mẽ vào công nghiệp sản xuất và công nghiệp dịch vụ.

Một công cụ nữa là sản xuất tiết kiệm hay cải tiến liên tục (gọi tắt là Lean hay Kaizen). Trong đó, “Lean” là một hệ thống các công cụ và phương pháp nhằm liên tục loại bỏ tất cả những lãng phí trong quá trình sản xuất. Lợi ích chính của hệ thống này là giảm chi phí sản xuất, tăng sản lượng, và rút ngắn thời gian sản xuất.

“Kaizen” có nghĩa là “cải thiện”. Bản chất của Kaizen là thay đổi, không bằng lòng với hiện trạng hay phương pháp hiện tại mà luôn tìm kiếm một phương pháp tốt hơn. Nhờ phương pháp này mà Nhật Bản đã tạo ra được Công ty Toyota hay những tập đoàn hàng đầu thế giới khác của Nhật Bản.

Đây là những công cụ quan trọng giúp nâng cao năng suất lao động của Nhật Bản và tôi nghĩ Việt Nam cũng có thể áp dụng những công cụ này.

- Ông đánh giá như thế nào về vai trò đổi mới công nghệ đối với năng suất lao động?

Đổi mới công nghệ có vai trò quan trọng trong tăng năng suất lao động. Công nghệ mới hơn, tốt hơn sẽ mang lại hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đổi mới công nghệ không phải là tất cả. Yếu tố con người vô cùng quan trọng bởi nếu máy móc hiện đại mà chất lượng lao động, trình độ lao động không tiếp quản hay vận hành được thì hiệu quả công việc cũng không cao.

Theo nghiên cứu của chúng tôi, nếu hai doanh nghiệp có công nghệ như nhau nhưng một doanh nghiệp tạo ra một môi trường làm việc thỏa mãn người lao động thì sản phẩm của họ sẽ tạo ra sự khác biệt hơn so với doanh nghiệp còn lại.

- Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông có gợi ý gì cho Việt Nam để khắc phục tình trạng dư thừa lao động chân tay nhưng lại thiếu lao động kỹ thuật cao, thích ứng với công nghiệp 4.0?

Theo tôi, giáo dục là yếu tố quan trọng nhất. Việt Nam cần cải thiện, nâng cao chất lượng của lực lượng lao động thông qua giáo dục và đào tạo. Trong đó cần nhấn mạnh đến đào tạo kiến thức khoa học nâng cao và công nghệ thông tin. Kỷ nguyên vạn vật kết nối Internet (IoT) sẽ tạo ra cơ sở dữ liệu và thông tin khổng lồ, mà ta gọi là Big Data (Dữ liệu lớn). Trong khối lượng thông tin khổng lồ đó sẽ có những thông tin có giá trị để tăng năng suất và có những thông tin không có giá trị. Chúng ta khó có thể phân loại được các thông tin này nếu không có sự tính toán logic của máy tính. Tất nhiên sự tính toán này cũng được tạo ra bởi con người, trên cơ sở khoa học. Chính vì vậy, lao động cần được đào tạo nhiều hơn về các kiến thức khoa học và công nghệ thông tin.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới lên