Tiêu điểm

‘Băn khoăn vì Samsung, Formosa không phải quý nào cũng tăng trưởng đột biến’

(VNF) - Chủ tịch VCCI nói ông "băn khoăn vì Samsung không thể quý nào cũng tăng trưởng vài chục phần trăm như quý III vừa qua, lo lắng vì Formosa không thể quý nào cũng tăng sản lượng đột biến".

‘Băn khoăn vì Samsung, Formosa không phải quý nào cũng tăng trưởng đột biến’

Đăng đàn tại Quốc hội chiều 31/10, Chủ tịch Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc nói ông lạc quan về tình hình kinh tế, nhưng cũng băn khoăn về tính bền vững của tăng trưởng.

Hai điểm nhấn đáng chú ý là lần đầu tiên sau nhiều năm, tất cả 13 chỉ tiêu Quốc hội giao cho Chính phủ có khả năng rất cao là sẽ đạt và vượt kế hoạch. Đồng thời, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới năm nay tăng 14 bậc, giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế có những bướccải cách mạnh mẽ nhất trong khu vực.

Tuy nhiên, theo ông Lộc, đâu đó vẫn còn băn khoăn, lo lắng về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Băn khoăn vì Samsung không thể quý nào cũng tăng trưởng vài chục phần trăm như quý III vừa qua. Lo lắng vì Formosa không thể quý nào cũng tăng sản lượng đột biến.

Trong khi đó, đồng USD trên thị trường thế giới không thể năm nào cũng mất giá mạnh tới 10% để xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng trưởng với tốc độ 20% mỗi năm.

"Chúng ta cũng cần nhớ rằng, mặc dù kinh tế tăng trưởng cao hơn, nhưng gần 60% doanh nghiệp của chúng ta vẫn trong tình trạng làm ăn không có lãi. Trong 10 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới là hơn 100.000 nhưng số doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động cũng lên đến hơn 60.000. Doanh nghiệp vẫn rất khó khăn", ông Lộc nói.

Người đại diện cộng đồng doanh nghiệp cũng cho rằng những băn khoăn, lo lắng nói trên "cũng ngụ ý rằng để đạt được sự tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn, Chính phủ vẫn cần phải tập trung vào việc khơi thông các nguồn lực trong nước, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân".

Chủ tịch VCCI cũng lo lắng về tình hình tài khoá của đất nước hiện nay. Ông đồng tình cao với quyết định của Quốc Hội tại kỳ họp này đã bố trí phần thảo luận về kinh tế lồng ghép với phần thảo luận về ngân sách bởi vì đây là "những vấn đề không thể tách rời".

Đọc các báo cáo của Chính phủ, ông Lộc cho rằng tình hình thu - chi ngân sách nhà nướcvà nợ công vẫn chưa có nhiều thay đổi so với những năm gần đây. Cụ thể, vẫn là chi thường xuyên chiếm tỷ trọng cao tới hơn 64%, vẫn là nợ công đang sắp đụng trần 65% GDP mà Quốc hội cho phép, vẫn là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp, tức là "có tiền mà vẫn không làm sao tiêu được".

Điều đáng nói là năm nào chúng ta cũng muốn tiêu tiền nhiều hơn năm trước và dường như càng nhiều thì càng tốt. Tốc độ tăng thu-chi ngân sách nhà nước cao luôn được coi là thành tích.

"Trong bối cảnh nợ công đang ở gần sát mức trần như hiện nay, tại sao lại coi việc thu-chi ngân sách nhà nước tăng 10% là tốt hơn so với chỉ tăng 7% hay 8%. Trong năm nay, khi thu ngân sách nhà nước dự kiến sẽ vượt dự toán khoảng 23 nghìn tỷ đồng, thì số chi ngân sách nhà nước dự kiến cũng được điều chỉnh tăng theo. Tại sao chúng ta không sử dụng khoản vượt thu này để giảm nợ công?", ông Lộc nêu vấn đề.

Tin mới lên