Học thuật

Bán tô là gì? Nguyên lý hình thành bán tô

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu bán tô (quasi-rent) là gì? Nguyên lý hình thành bán tô.

Bán tô là gì? Nguyên lý hình thành bán tô

Bán tô là thu nhập tạo ra khi nhu cầu tăng đột ngột hay thu nhập thặng dư tạo ra từ các nhân tố sản xuất (trừ đất)

Bán tô là gì?

Bán tô (quasi-rent) là khái niệm Marshall dùng để chỉ phần thu nhập cao hơn trả cho nhân tố sản xuất bị cố định về mặt cung trong ngắn hạn (cụ thể là tư bản). Trong dài hạn, thu nhập trả cho nhân tố sản xuất sẽ bằng thu nhập chuyển giao.

Ngoài ra, cũng có thể hiểu bán tô là thu nhập tạo ra khi nhu cầu tăng đột ngột hay thu nhập thặng dư tạo ra từ các nhân tố sản xuất (trừ đất).

Nguyên lý hình thành bán tô (quasi-rent)

Nguyên lý hình thành bán tô được minh hoạ trong hình dưới

Ban đầu, nhu cầu được biểu thị bằng đường D với lượng hàng hoá Q được sản xuất và bán ra với giá bán P.

Nếu có sự tăng nhu cầu từ D lên D1, lượng hàng không thể tăng ngay trong ngắn hạn. Đường cung trở thành đường PES. Kết quả, nhu cầu vượt quá khả năng cung ứng và giá bị đẩy lên mức P1 tại mức sản lượng Q. Đoạn đường cung từ E đến S là đường thẳng đứng và hoàn toàn không co giãn đối với giá cả.

Giả sử tại điểm E, doanh nghiệp trang trải được tổng chi phí bình quân ATC - một yêu cầu tất yếu trong dài hạn. Trong ngắn hạn, doanh nghiệp chỉ cần trang trải được chi phí biến đổi bình quân AVC tại điểm H, Vì vậy, bán tô bằng diện tích của hình P1P2HG.

Trong dài hạn, đường cung PL nằm ngang (co giãn vô hạn) và doanh nghiệp có thể tăng năng lực sản xuất để tạo ra sản lượng Q1. Tại điểm này, các đơn vị sản lượng tăng thêm từ Q đến Q1 được sản xuất ra với cùng mức chi phí và bán tô biến mất.

Cần lưu ý rằng chi phí cố định - tức mức chênh lệch giữa chi phí biến đổi bình quân và tổng chi phí bình quân – là thành tố thiết yếu cấu thành chi phí sản xuất dài hạn và bao gồm cả các khoản thu nhập cần thiết để trả cho các nhân tố sản xuất nhằm duy trì chúng ở mức hiện tại, nếu không chúng sẽ được chuyển cho mục đích sử dụng khác.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Tin mới lên