Bất động sản

Bàn về tính pháp lý của việc cưỡng chế phá hủy công viên nước Thanh Hà

(VNF) - Trong thời gian trước và sau Tết Nguyên đán Canh Tý, dư luận xã hội đã bất bình và bức xúc trước sự việc quận Hà Đông tiến hành cưỡng chế phá hủy công viên nước Thanh Hà.

Bàn về tính pháp lý của việc cưỡng chế phá hủy công viên nước Thanh Hà

Quận Hà Đông tiến hành cưỡng chế phá hủy công viên nước Thanh Hà.

Thông tin trên nhiều tờ báo chí và mạng xã hội đều lên án việc lạm dụng quyền cưỡng chế của chính quyền quận dẫn đến hậu quả các hạng mục, thiết bị của công viên nước bị phá hủy. Nhiều người phẫn nộ, xót xa bởi một công viên đẹp, hiện đại bỗng chốc trở thành một bãi phế liệu khủng, đổ nát, hoang tàn.

Sự lên án của cộng đồng xã hội về sai phạm của chính quyền chủ yếu là giai đoạn thi hành quyết định cưỡng chế. Thay vì việc tháo dỡ thì lại phá hủy công trình. Tuy nhiên, để biết rõ sai phạm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng phá hủy công trình trị giá hàng trăm tỷ và các hệ lụy khác, trước hết cần nắm diễn biến các sự kiện pháp lý.

Diễn biến các sự kiện pháp lý

Đối với công viên nước Thanh Hà khi đưa vào sử dụng đã xẩy ra hai vụ đuối nước, làm hai cháu bé tử vong. Sau hai vụ tai nạn, các cơ quan chức năng của quận Hà Đông đã tiến hành kiểm tra, xác định: các hạng mục xây dựng trong công viên nước chưa được cấp phép. Do đó UBND quận Hà Đông đã yêu cầu chủ đầu tư là công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 ngừng kinh doanh tại công viên, chờ xử lý.

Sau khi xẩy ra sự cố nói trên, chủ đầu tư đã xác định công viên sẽ được thay đổi sang một địa điểm khác. Trên thực tế chủ đầu tư đã có phương án tháo dỡ các thiết bị đã lắp đặt trong công viên, chấp hành yêu cầu ngừng hoạt động của UBND quận Hà Đông.

Sự việc tưởng như đơn giản, thuận theo ý chí của chủ đầu tư, nhưng diễn biến tiếp theo lại trở nên gay cấn, phức tạp.

Ngày 26/11/2019, Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 có công văn số 19/BC- LAND trình chính quyền quận Hà Đông và phường Phú Lương về việc tự tháo dỡ công trình công viên nước Thanh Hà. Thời gian dự kiến triển khai việc tháo dỡ bắt đầu từ ngày 06/12/2019.

Ngày 27/11/2019 UBND quận Hà Đông ban hành quyết định số: 4725/ QĐ-KPHQ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc chủ đầu tư tháo dỡ 18 hạng mục về thiết bị kỷ thuật và một hạng mục cây xanh và đường nội bộ tại công viên nước. Thời gian tháo dỡ và phá dỡ là 15 ngày. Thực hiện quyết định này, chủ đầu tư đã tiến hành tháo dỡ một số thiết bị đơn giản, và đang lên kế hoạch mời chuyên gia nước ngoài tháo dỡ phần thiết bị lắp đặt phức tạp. Tuy nhiên việc hoàn thành không đáp ứng được theo thời gian ghi trong quyết định của Quận.

Ngày 24/12/2019 UBND quận Hà Đông ban hành tiếp quyết định số: 5079/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả tháo dỡ toàn bộ công viên nước Thanh Hà. Ngày 30/12/2019 UBND phường Phú Lương ra thông báo số: 606/TB-UBND về việc thực hiện quyết định nói trên của UBND quận Hà Đông, yêu cầu thực hiện hoàn thành việc cưỡng chế trước 17 giờ ngày 10/01/2020 (tức ngày 16/12 năm Kỷ Hợi)

Ngày 14/01/2020, do chính quyền không chấp thuận văn bản ngày 26/11/2019, đồng thời xét thấy không thể bảo đảm thời gian thực hiện tháo dỡ theo yêu cầu của chính quyền địa phương, chủ đầu tư tiếp tục có công văn 01/BC-LAND xin hoàn thành việc tháo dỡ trong quý I/2020.

Ngày 15/01/2020 (tức ngày 01/12 năm Kỷ Hợi) lực lượng cưỡng chế của phường Phú Lương đã tổ chức đập phá hủy hoại toàn bộ thiết bị, cảnh quan công viên nước.

Diễn biến các sự kiện pháp lý nêu trên, có thể đặt dấu hỏi, sự tình quan hệ giữa chủ đầu tư và chính quyền sở tại có thể có những uẩn khúc mà người ngoài cuộc không thể trả lời được. Đó là ngày 26/11/2019 chủ đầu tư có công văn báo cáo về việc tự tháo dỡ, thì ngày 27/11/2019 UBND quận ban hành quyết định cưỡng chế.

Ngày 14/01/2020 chủ đầu tư báo cáo thời gian hoàn thành việc tự tháo dỡ thì ngày 15/01/ 2020 chính quyền đem lực lượng đến cưỡng chế đập phá. Hai sự kiện, bên đề nghị cách bên đáp lại không chấp thuận đều cách nhau 01 ngày. Sự khó hiểu này chỉ cơ quan điều tra vào cuộc may ra mới làm rõ được. Qua diễn biến các sự kiện pháp lý nêu trên, đối chiếu với các quy định của pháp luật, chính quyền quận Hà Đông đã vi phạm những gì?

Những vi phạm pháp luật của chính quyền quận và phường

Có thể khẳng định trong nội vụ công viên nước Thanh Hà có 3 quá trình sai: chủ đầu tư sai về hành vi xây dựng không phép. Chính quyền sai về việc để công trình không phép được thi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng. Chính quyền sai tiếp về việc cưỡng chế phá bỏ công trình. Trong phạm vi bài viết này chỉ bàn đến vi phạm pháp luật trong quá trình ban hành và thực hiện việc cưỡng chế của chính quyền.

Một là, Vi phạm pháp luật từ việc ra quyết định cưỡng chế. Điều 30 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định rõ các trường hợp bị tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không phép, sai phép đều yêu cầu cá nhân, tổ chức có công trình phải tháo dỡ. Khi tổ chức, cá nhân vi phạm không tự nguyện tháo dỡ thì mới áp dụng biện pháp cưỡng chế. Điều 34 Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định: Trước khi tiến hành cưỡng chế nếu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tự nguyện thì thi hành thì cơ quan chủ trì cưỡng chế lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành. Trong trường hợp này chủ đầu tư hoàn toàn tự nguyện “khắc phục hậu quả” và đang thực hiện tháo dỡ. Vấn đề chỉ là thời gian diễn ra lúc cận kề Tết nguyên đán không thể đáp ứng được yêu cầu từ phía chính quyền.

Mặt khác, tại thời điểm trước khi ban hành quyết định cưỡng chế, công viên nước Thanh Hà đã dừng hoạt động, không có yêu cầu cấp bách để tiến hành cưỡng chế: Không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh, không gây cản trở giao thông, không ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn xã hội, không gây phản cảm hoặc làm xấu đi cảnh quan đô thị. Nhiều người nói: Bây giờ nhìn đống đổ nát mới thấy phản cảm, còn để nguyên nó thì khu đô thị thêm đẹp, thêm sang, môi trường trong lành, mọi người đến đây có thể thể dục, thể thao miễn phí...

Không có yêu cầu cấp bách nào để ra quyết định cưỡng chế mà lại ra quyết định cưỡng chế. Không chỉ thế, quyết định cưỡng chế còn yêu cầu phải hoàn thành công việc trong 15 ngày, và còn buộc phải tiến hành trong thời điểm cận kề Tết nguyên đán, trong khi một công trình có khối lượng lớn, xây dựng gần hai năm, nhiều hạng mục phức tạp, việc tháo dỡ cần có chuyên gia kỹ thuật...

Hai là, lẽ ra trước khi ra quyết định cưỡng chế, UBND quận Hà Đông phải làm văn bản đề nghị Sở văn hoá Thể thao Hà Nội thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao tại công viên nước Thanh Hà (Giấy chúng nhận số 413/ GCN-SVHTT ngày02/07/2019)

Có thể nói việc ra quyết định cưỡng chế vừa không đúng quy định của pháp luật, vừa không phù hợp điều kiện hoàn cảnh thực tế, vừa không bảo đảm tính khả thi và không tạo điều kiện để chủ đầu tư thực hiện sự tự giác, tự nguyện của họ.

Ba là, tổ chức thực hiện việc cưỡng chế ở đây là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật. Vi phạm điểm b,khoản 1, điều 28 luật xử lý vi phạm hành chính. Sai phạm này báo chí đã nói nhiều, ở đây chỉ xin được nhắc lại: Việc thực hiện quyết định cưỡng chế phải bảo đảm nguyên vẹn những thiết bị đã tháo dỡ. Thiết bị đó phải được bảo quản và tiến hành các thủ tục giao nhận theo quy định của pháp luật. Trường hợp chủ sở hữu từ chối nhận tài sản, người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, đánh giá lại giá trị những tài sản cũ, hỏng...và thuê tổ chức, cá nhân đủ điều kiện trông giữ, bảo quản tại kho của cơ quan ra quyết định cưỡng chế.

Dẫn ra như trên để nói rằng việc tổ chức thực hiện cưỡng chế có quy trình, quy phạm, được pháp luật quy định rất chi tiết, nhưng trên thực tế lực lượng cưỡng chế tại công viên nước Thanh Hà lại phớt lờ, bỏ qua nhiều thủ tục. Họ tổ chức lực lượng phá hủy công trình, chứ không phải là cưỡng chế khắc phục hậu quả xây dựng không phép theo quy định của pháp luật. Hành vi của họ đã vượt xa, ra ngoài phạm vi vụ việc cưỡng chế vi phạm hành chính. Do vậy chính quyền quận Hà Đông và phường Phú Lương đang phải đối mặt với việc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ý nguyện của cộng đồng

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thì việc thanh tra xây dựng trái phép và cưỡng chế tháo dỡ công viên nước Thanh Hà phải kết thúc trước ngày 29/02/2020. Cho đến nay, được biết UBND thành phố đã họp nghe báo cáo kết quả Thanh tra và đã cho ý kiến chỉ đạo về vụ việc này.

Đây có thể nói là một vụ điển hình và hy hữu trong lịch sử xử lý vi phạm quản lý trật tự xây dựng. Đồng thời bộc lộ những uẩn khúc trong nội bộ lảnh đạo của quận Hà Đông. Người dân và công luận mong muốn thanh tra kết luận khách quan, minh bạch về diễn biến, nguyên nhân sự việc và kiến nghị biện pháp xử lý phù hợp để làm bài học chung cho cả nước.

Sau khi có kết luận Thanh tra đề nghị ủy ban kiểm tra Đảng vào cuộc, kiểm tra làm rõ sự lảnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, Bí thư cấp ủy quận về vụ việc hy hữu này. Đồng thời đề nghị Cơ quan điều tra, viện kiểm sát thực hiện chức năng theo quy định của pháp luật. Theo các chuyên gia pháp luật thì cán bộ chỉ đạo, ra lệnh cưỡng chế và tổ chức thực hiện cưỡng chế ở đây có dấu hiệu phạm tội quy định tại điều 356 hoặc điều 178 Bộ Luật Hình sự.

Chủ đầu tư xây không phép đã bị xử lý cưỡng chế. Tuy nhiên cũng cần phải có một thủ tục pháp lý cần thiết để xử lý vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư. Còn quyết định cưỡng chế của UBND quận Hà Đông trên thực tế đã tiến hành, nhưng về pháp lý bị vô hiệu vì quyết định đó là trái pháp luật.

Cần xử lý việc thiếu trách nhiệm trong quản lý xây dựng của cơ quan chức năng trong thời gian thi công xây dựng công viên. Quan tâm làm rõ xử lý trách nhiệm hình sự đối với những chủ thể có hành vi vi phạm phá hủy tài sản. Tạo điều kiện để doanh nghiệp được bồi thường về tài sản đã bị hủy hoại, để họ tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh làm giàu cho đất nước, cho xã hội.

Tin mới lên