Ngân hàng

'Bánh hứa' đảo nhóm nợ xấu: Rủi ro cho hệ thống ngân hàng

Hàng loạt ngân hàng từng lên tiếng cảnh báo các hành vi hay dịch vụ hứa hẹn có thể giúp đảo nhóm nợ xấu cho cá nhân hoặc tổ chức, doanh nghiệp là lừa đảo. Hành vi hứa hẹn đảo nhóm nợ xấu này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của ngân hàng mà còn có thể gây ra những hệ luỵ không nhỏ.

'Bánh hứa' đảo nhóm nợ xấu: Rủi ro cho hệ thống ngân hàng

Ảnh chỉ có tính minh họa

Sự việc giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội bị tố cáo nhận tiền tỷ để đảo nhóm nợ xấu cho một doanh nghiệp thu hút sự chú ý lớn của giới tài chính ngân hàng Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia ngân hàng đánh giá đây là sự việc rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, thương hiệu và uy tín của ngân hàng, vi phạm quy định và đạo đức của cán bộ ngân hàng.

Theo phân tích của vị chuyên gia tài chính ngân hàng, khi khách hàng không trả được nợ đúng hạn thì đó là món nợ đối với ngân hàng, vì là rủi ro nên khách hàng mới không trả được nợ đúng hạn và mới cần xin cơ cấu, nếu nợ tiếp tục không trả đúng hạn theo cơ cấu thì sẽ chuyển sang nhóm 4.

Ý nghĩa của việc chuyển nợ sang nợ xấu nhóm 4 là để cảnh báo ngân hàng đó phải trích lập dự phòng rủi ro, để phòng trường hợp xấu xảy ra thì có nguồn bù đắp theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài việc không thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước, hành vi đảo sang nợ nhóm 1 không đúng quy định có thể dẫn tới 5 sai lầm chính.

Thứ nhất, che giấu nợ xấu, làm tình trạng hoạt động của ngân hàng trên giấy tờ sổ sách là tốt nhưng thực chất là đang có nợ xấu. Điều này khiến ngân hàng không trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, bị động trước thực trạng nợ xấu.

Thứ hai, việc làm trái quy định có thể tạo tiền tệ xấu cho những cán bộ ngân hàng khác là bất chấp nguyên tắc. Điều này có thể kéo theo một dây chuyền các bộ phận khác vì lợi ích cá nhân mà bất chấp quy định ngân hàng.

Thứ ba, việc che giấu nợ xấu có thể làm ảnh hưởng đến quyết định điều hành của các cơ quan quản lý, người hoạch định chính sách vĩ mô. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước khó có thể đưa ra các chính sách phù hợp cho từng thời kì nếu các số liệu nợ xấu của các ngân hàng bị làm sai lệch.

Thứ tư, việc đảo nợ có thể gây thiệt hại cho các ngân hàng khác. Khách hàng có nợ xấu nhưng vẫn để nợ nhóm 1 thì khách hàng vẫn đủ tiêu chuẩn để vay tiền ngân hàng khác. 

Thứ năm, đó là hành vi vi phạm quy trình nghiệp vụ, vi phạm đạo đức người làm ngân hàng khi nhận tiền đút túi cá nhân. Hiện nay phần lớn rủi ro ngân hàng đều xuất phát từ vi phạm đạo đức của cán bộ. 

Trước đó, phóng viên đã có bài viết về sự việc giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần bị tố nhận 2 tỷ đồng tiền phí ngoài để giúp một công ty đảo nhóm nợ.

Theo đơn kêu cứu khẩn cấp của bà N.T.L. và bà L.N.Q, giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở tại Hà Nội đã nhận tổng cộng 2 tỷ đồng và một cán bộ phụ trách tín dụng tên H. nhận tổng cộng 500 triệu đồng để ngân hàng này hỗ trợ công ty của bà L và bà Q làm công văn gửi tới Trung tâm tín dụng quốc gia CIC đưa công ty của họ về nợ nhóm I.

Tin mới lên