Hồ sơ VNF

Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11/2021

(VNF) - Trong bối cảnh đợt bùng phát dịch Covid-19 kéo dài, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức khi khởi động lại nền kinh tế sau một thời gian dài giãn cách xã hội. Tuy nhiên, số liệu kinh tế-xã hội tháng 10 cho thấy sự suy giảm kinh tế đã chạm đáy.

Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11/2021

Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất siêu 160 triệu USD.

Chỉ số sản xuất công nghiệp và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khởi sắc khi các hoạt động kinh tế từng bước được khôi phục, tuy vẫn chưa phục hồi về mức được ghi nhận trước đợt bùng phát dịch tháng 4/2021.

Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư tháng thứ hai liên tiếp do nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng chậm lại. Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất siêu 160 triệu USD. Trong khi đó, vốn FDI đăng ký giảm sau ba tháng tăng.

Mặc dù giá nhiên liệu tăng, nhưng lạm phát vẫn giảm nhẹ do giá lương thực, thực phẩm giảm và nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm tiêu dùng khác còn yếu.

Tăng trưởng tín dụng ổn định trong tháng 10 và lãi suất qua đêm liên ngân hàng chững lại sau 4 tháng giảm. Cân đối thu, chi ngân sách Nhà nước trở lại thặng dư vào tháng 10 chủ yếu do chi ngân sách giảm mạnh mặc dù thu ngân sách tiếp tục giảm tháng thứ ba. Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, ngân sách thặng dư, là dấu hiệu cho thấy chính sách tài khóa thắt chặt tiếp tục được thực hiện, không hỗ trợ tổng cầu trong quá trình phục hồi.

Khi nền kinh tế mở cửa trở lại và phục hồi, ba hướng hành động chính vẫn có ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, về mặt y tế, việc tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin một cách nhanh chóng và tăng cường cảnh giác bằng biện pháp xét nghiệm và cách ly sẽ đóng vai trò quan trọng vì số ca nhiễm dự kiến sẽ tăng lên cùng với sự gia tăng mức độ di chuyển và tiếp xúc.

Thứ hai, chính sách tài khóa chủ động hơn sẽ hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế. Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong tháng 11 và tháng 12/2021 cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, du lịch, lưu trú, ăn uống và giải trí đã được thông qua, và được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu trong nước vốn đã bị suy giảm nghiêm trọng. Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu trong khi đẩy mạnh trợ giúp xã hội có thể thúc đẩy cầu từ khu vực tư nhân.

Cuối cùng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục chú ý theo dõi sức khỏe của khu vực tài chính.

Quý độc giả quan tâm có thể theo dõi toàn văn Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11/2021 tại đây.

Tin mới lên