Hồ sơ VNF

Báo cáo của CIEM về Hiệp định RCEP

(VNF) - Báo cáo này tập trung phân tích những yêu cầu thể chế để thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gắn với cải thiện mức độ tự chủ của nền kinh tế Việt Nam.

Báo cáo của CIEM về Hiệp định RCEP

Sau hơn 7 năm kể từ phiên đàm phán đầu tiên, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được ký kết vào ngày 15/11/2020. Tương tự như các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã có hiệu lực (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU - EVFTA), RCEP có thể tạo thêm cơ hội cải thiện quy mô thương mại và đầu tư của Việt Nam, đồng thời giúp gắn kết hiệu quả hơn doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị khu vực.

Theo báo cáo, khác với CPTPP và EVFTA, sự đón nhận đối với RCEP có phần dè dặt hơn, một phần vì quan điểm cho rằng lợi ích tăng thêm từ Hiệp định này có thể nhỏ hơn và một phần vì tác động ít nổi bật hơn đối với cải cách thể chế - điều Việt Nam thường kỳ vọng từ các FTA quy mô lớn, bên cạnh những yếu tố khác.

Ý tưởng về RCEP được hình thành trong bối cảnh cả khu vực Đông Á và rộng hơn là khu vực châu Á – Thái Bình Dương diễn ra quá trình thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư một cách tích cực. Ngay cả trong giai đoạn 2017-2020 với gia tăng cọ xát/đối đầu về chính sách thương mại và chủ nghĩa bảo hộ ở khu vực, những nỗ lực nhằm vực dậy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và “nuôi dưỡng” ý tưởng hợp tác mới về thương mại và đầu tư cũng không ngừng được thúc đẩy.

Như vậy, RCEP gắn liền với tiến trình hội nhập khu vực, chứ không chỉ đơn thuần là một sáng kiến mang tính cạnh tranh giành ảnh hưởng.

Đối với Việt Nam, RCEP không phải là một kết quả ngẫu nhiên, mà chỉ có được sau một thời gian nỗ lực không ngừng nghỉ. Việc đàm phán song song cả 3 hiệp định FTA có chất lượng cao và/hoặc quy mô lớn vào bậc nhất thế giới – bao gồm TPP/CPTPP, EVFTA và RCEP - đòi hỏi không ít nỗ lực, hoạt động điều phối và cân nhắc của Việt Nam.

Ngược lại, nếu giả sử không có các hiệp định khác như TPP/CPTPP và EVFTA, việc chuẩn bị về thể chế của Việt Nam có thể đã khác đi và cân nhắc về nội dung, tiến trình RCEP của Việt Nam có thể đi theo những kịch bản khác. Trên thực tế, những hàm ý lớn nhất về kinh tế và thể chế dường như lại gắn với hai hiệp định TPP/CPTPP và EVFTA. Đạt được đồng thuận đối với những Hiệp định này cũng làm tăng khả năng chấp nhận RCEP - ngay cả khi RCEP nhận được nhiều ý kiến trái chiều hơn so với CPTPP và EVFTA.

Quý độc giả quan tâm có thể xem toàn văn Báo cáo của CIEM về Hiệp định RCEP tại đây.

Tin mới lên