Tiêu điểm

Báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới: Nỗi khổ của dân làm luật

(VNF) – Nhiều lĩnh vực không “dính dáng” đến vấn đề giới nhưng theo quy định, hồ sơ dự thảo luật đều phải có báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án luật.

Báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới: Nỗi khổ của dân làm luật

Báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng trong trong dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) của Bộ Tài chính dài tới 9 trang (ảnh minh họa).

Tháng 10/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình dự thảo Luật Quy hoạch lên Quốc hội. Hồ sơ dự luật đầy đủ nhưng Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội vẫn bắt ban soạn thảo phải bổ sung báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng yêu cầu ban soạn thảo dự luật phải có báo cáo này.

Phải mất tới 2 tuần, người phụ trách mới có thể hoàn thành được báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật Quy hoạch. Nguyên nhân là “viết từ quy hoạch sang bình đẳng giới thì cũng phải nghĩ cách sáng tác cho liên quan”, một thành viên ban soạn thảo Luật Quy hoạch nói với VietnamFinance.

Câu chuyện của Luật Quy hoạch nêu trên chỉ là một trong số vô vàn các trường hợp ban soạn thảo luật phải “vắt óc” nghĩ ra báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới – một thủ tục bắt buộc theo quy định của Điều 21 Luật Bình đẳng giới.

Mới đây, VietnamFinance nhận được bản “Báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)” do Bộ Tài chính soạn thảo. Báo cáo dài tới 9 trang và như một chuyên gia pháp chế đánh giá “thực sự là quá đáng”.

Theo ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc đảm bảo vấn đề bình đẳng giới trong các dự án luật cũng là cần thiết. Tuy nhiên, điều này chỉ cần thiết với một số lĩnh vực nhất định. Chẳng hạn như đất đai, việc ghi tên vợ hay chồng vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là điều quan trọng, hay như thi hành án hình sự đối với phạm nhân nam/nữ cũng có sự khác nhau. Những việc như vậy hoàn toàn phải có báo cáo.

“Tuy nhiên, có những luật mà nghĩ mãi cũng không ra luật ấy có liên quan gì đến bình đẳng giới, ví dụ như Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại, Luật Ngân hàng… Những trường hợp này mà yêu cầu báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới là quá mức cần thiết”, ông Minh Đức nói.

Bình luận về báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) của Bộ Tài chính, ông Minh Đức nói: “Thực sự là không cần thiết phải làm báo cáo dài tới 9 trang như thế. Dự thảo luật chỉ cần trả lời duy nhất câu hỏi: làm luật này có ảnh hưởng gì đến vấn đề bình đẳng giới không? Và ban soạn thảo chỉ cần nói ‘Không’. Không cần mất 9 trang báo cáo chỉ để trả lời cho một câu hỏi đơn giản như vậy”.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, cho biết: “Luật Bình đẳng giới quy định mọi luật đều phải báo cáo, giải thích vấn đề bình đẳng giới, quả thật là vô cùng ngớ ngẩn. Chỉ có cái gì liên quan đến tài sản, đến quyền của phụ nữ (mà phải có nguy cơ ảnh hưởng) thì mới đặt ra yêu cầu đấy. Các luật về chứng khoán, doanh nghiệp, ngân hàng… thì tuyệt đối không có ý tưởng phân biệt giới, tuyệt đối không liên quan gì chuyện giới cả, thế làm báo cáo để làm gì?”.

Theo ông Đức, chỉ dự án luật nào có nội dung liên quan mật thiết đến vấn đề giới thì mới cần báo cáo. “Còn những dự luật mà chỉ cần nghe tên đã biết không có vấn đề gì thì ban soạn thảo chỉ cần một dòng nhận định là đủ”, ông Trương Thanh Đức nói.

Tin mới lên