Hồ sơ VNF

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2019

(VNF) - Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2019 được thực hiện trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những tháng đầu năm chậm hơn so với cùng kỳ năm trước do động lực từ bên trong và bên ngoài thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế đang yếu dần.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2019

Tư duy thúc đẩy tăng trưởng dựa vào các nguồn lực truyền thống như tăng sản lượng khai thác tài nguyên thiên nhiên và lợi thế nhân công giá rẻ đã không còn phù hợp trong bối cảnh mới khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo ra những thay đổi căn bản về nguồn lực công nghệ và nguồn lực số, những nguồn lực không có trần giới hạn cho phát triển kinh tế.

Vì thế, Báo cáo năm nay, với tựa đề “Trước ngưỡng cửa nền kinh tế số”, tập trung đánh giá tổng thể khả năng chuyển đổi nền kinh tế số của Việt Nam, với quan điểm cho rằng cần phải định vị được Việt Nam đang ở đâu trên lộ trình hướng tới tương lai nền kinh tế số để có những giải pháp và chiến lược tổng thể.

Về cấu trúc Báo cáo, ngoài hai chương đầu tiên nhận định tình hình kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam, ba chương tiếp theo đi sâu phân tích một số khía cạnh về kinh tế số cũng như đánh giá khả năng Việt Nam bước vào nền kinh tế số trong tương lai.

Cụ thể, Chương 3 phân tích thực trạng điều kiện cần và đủ cho tương lai nền kinh tế số Việt Nam với một số khía cạnh chính gồm cơ sở hạ tầng mạng lưới CNTT&TT và năng lượng, năng lực an ninh mạng và quản trị dữ liệu, năng lực số và kỹ năng số của lực lượng lao động, Chính phủ số và Dữ liệu mở, và cải cách thuế và quy định pháp lý.

Còn Chương 4 đánh giá thực trạng khả năng Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trước những thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Trong khi đó, Chương 5 cung cấp một cái nhìn tổng quan về tiềm năng của việc ứng dụng dữ liệu được quét trên web để thống kê giá tiêu dùng. Từ kết quả nghiên cứu đề xuất khuyến nghị mở rộng phạm vi nghiên cứu ứng dụng Dữ liệu lớn trong thống kê kinh tế nhằm nâng cao năng lực cảnh báo sớm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Cuối cùng, Chương 6 đưa ra hai kịch bản dự báo viễn cảnh kinh tế Việt Nam cho năm 2019, đồng thời đưa ra các khuyến nghị chính sách trong cả ngắn hạn lẫn trung và dài hạn.

Quý độc giả quan tâm có thể xem Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2019 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tại đây.

Tin mới lên