Hồ sơ VNF

Báo cáo về phát triển kinh tế số ở Việt Nam trong thời kỳ hậu Covid-19

(VNF) - Thế giới đang chứng kiến những chuyển biến nhanh như vũ bão của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). CMCN 4.0 xuất phát từ đột phá trên nhiều lĩnh vực, trong đó có làn sóng số hóa của lĩnh vực sản xuất.

Báo cáo về phát triển kinh tế số ở Việt Nam trong thời kỳ hậu Covid-19

(Ảnh minh họa)

Ứng dụng của CMCN 4.0 đã thay đổi một cách căn bản cuộc sống, cách thức tiêu dùng cũng như phương thức sản xuất của con người. Chẳng hạn, dây chuyền sản xuất do robot thực hiện, trí tuệ nhân tạo (AI) đang đảm nhận thay con người trong xử lý không ít công việc từ đơn giản đến phức tạp, hay Internet vạn vật (IoT) đã giúp kết nối rất nhiều người cũng như các hệ thống máy móc trong các công xưởng. Trên phương diện ấy, phát triển kinh tế số có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với CMCN 4.0.

Dù đều mong muốn tiếp cận và phát triển kinh tế số, các quốc gia trên thế giới có những cách hiểu khác nhau về kinh tế số. Theo nghĩa hẹp, kinh tế số có thể được hiểu là các nền tảng trực tuyến và các hoạt động liên quan đến các nền tảng đó. Một cách hiểu khác rộng hơn của kinh tế số bao gồm tất cả các hoạt động sử dụng dữ liệu số.

Kinh tế số đang trở thành một ưu tiên mới của các nền kinh tế. Ước tính kinh tế số khu vực Đông Nam Á đạt 72 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 240 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó, kinh tế số được dự báo chiếm tới 60% GDP khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2021.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, các lãnh đạo của G20 đã thông qua Tuyên bố Osaka vào tháng 6/2019 nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số. Ủy ban Kinh tế APEC đã thông qua báo cáo Chính sách kinh tế năm 2019, tập trung vào các nội dung cải cách cơ cấu nhằm phát triển kinh tế số.

Trong những năm gần đây, Việt Nam không ngừng tìm kiếm động lực mới cho tăng trưởng. Trong đó, Việt Nam đã chủ động tiếp cận cơ hội từ kinh tế số cho tăng trưởng kinh tế. Cho đến đầu năm 2020, Việt Nam đã thành công triển khai nhiều ứng dụng công nghệ như các sàn thương mại điện tử, xe công nghệ hay ví điện tử liên kết với các ngân hàng trong nước.

Đặc biệt, Việt Nam đã bắt đầu triển khai mạng 5G, cấp phép cho hai nhà mạng Viettel và MobiFone cung cấp mạng 5G trong tương lai.2 Báo cáo của Indochina Research đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á về số người sử dụng internet và mạng xã hội.

Tỷ lệ các hoạt động trên nền tảng trực tuyến như mua sắm, tìm hiểu và chia sẻ thông tin, làm việc, học tập và kết nối cao và ngày một tăng. Theo ước tính của Google và Temasek (Singapore), quy mô kinh tế số của Việt Nam đạt khoảng 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025.

Theo đánh giá của Data 61 (Australia), GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công.

Cơ hội để phát triển kinh tế số đã hiện hữu. Dù là nước đang phát triển, Việt Nam không nhất thiết sẽ đi sau trong tiến trình phát triển kinh tế số.

Quý độc giả quan tâm có thể tải tài liệu về phát triển kinh tế số ở Việt Nam trong thời kỳ hậu Covid-19 tại đây.

Tin mới lên