Diễn đàn VNF

Báo chí và doanh nghiệp: Mối quan hệ cộng sinh

(VNF) - “Tôi cho rằng, nguyên tắc cơ bản của đồng hành giữa báo chí với doanh nghiệp là khen phải đúng và chê cũng phải đúng, mang tính xây dựng để vừa hướng doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, vừa có điều kiện để phát triển vươn lên vì lợi ích của chính họ và vì sự phồn thịnh của đất nước”, TS. Nguyễn Anh Tuấn cho hay.

Báo chí và doanh nghiệp: Mối quan hệ cộng sinh

TS Nguyễn Anh Tuấn.

- Trước đây, khi còn làm TBT nhóm báo Đầu tư, ông đã nhiều lần đề cập mối quan hệ đồng hành báo chí với doanh nghiệp. Nay từ góc nhìn của một TBT tạp chí, ông có suy nghĩ gì khác trước về mối quan hệ này không?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trong các tham luận và phát biểu của mình trước đây, tôi đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự đồng hành giữa báo chí với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với báo chí.

Cụm từ “báo chí” ở đây được hiểu là cả báo và tạp chí, vì vậy về cơ bản những ý kiến trao đổi của tôi trước đây không khác gì hiện nay. Tuy nhiên, khi bàn sâu về phương thức đồng hành giữa báo và tạp chí với doanh nghiệp, có thể thấy có những điểm khác nhau nhất định. Các tạp chí phải có các bài viết chuyên sâu của các chuyên gia, thể hiện rõ quan điểm, có cơ sở lý luận về thực tiễn và giải pháp giải quyết vấn đề thay vì chỉ trích dẫn ý kiến của các chuyên gia.

- Ông có thể cho biết một vài ví dụ cụ thể?

Chẳng hạn đối với chủ đề hội nhập quốc tế, nếu như các báo thể hiện sự đồng hành cùng doanh nghiệp bằng việc cung cấp thông tin về tiến trình ký kết các Hiệp định thương mại tự do, lộ trình cắt giảm thuế quan, chỉ ra những cảnh báo, những thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam qua ý kiến của chuyên gia, thì các tạp chí lại phải có các bài viết của các chuyên gia phân tích sâu, dựa trên lý luận và thực tiễn mang tính khoa học về những cơ hội và thách thức đó.

Hay như khi bàn đến người giàu tại Việt Nam, các báo thông tin kịp thời vè các kết quả xếp hạng, trích dẫn ý kiến đánh giá của các chuyên gia về nguồn gốc sự giàu có và không phải ý kiến nào cũng khách quan. Nhiệm vụ của Tạp chí là phải có các bài viết sâu dựa trên cơ sở khoa học để chỉ ra nguồn gốc của sự giàu có. Những đánh giá nhận định đúng, khách quan có ý nghĩa rất lớn trong việc cổ vũ, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, làm giàu chân chính, đồng thời là cơ sở để hoàn thiện cơ chế chính sách về đầu tư kinh doanh nhằm ngăn chặn việc làm giàu bất chính.

Tôi muốn nói thêm là trước Nghị quyết 10 của Hội nghị Trung ương 5, khóa XII về “Phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế”, đã có rất nhiều bài viết, công trình nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí về chủ đề này và những bài viết đó đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành quyết sách quan trọng này của Đảng. Đó cũng là sự đồng hành mang tính “gốc rễ” của tạp chí đối với doanh nghiệp.

- Trở lại với khái niệm “đồng hành”, ông từng nói, báo chí phê phán đúng, chỉ ra những cái sai cũng chính là đồng hành cũng doanh nghiệp. Nhưng liệu doanh nghiệp có đồng hành cùng báo chí khi báo chí đăng tải những điều họ không mong muốn?

Trước hết phải thấy rằng, phần lớn doanh nghiệp cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có ý thức tuân thủ pháp luật. Do vậy nói “báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp” là nói đến việc đồng hành cùng số đông đó.

Ngoài ra, thực tế cũng cho thấy cũng có những trường hợp doanh nghiệp vi phạm pháp luật không hẳn do họ cố tình mà do thiếu am hiểu pháp luật, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong những trường hợp đó, nếu báo chí chỉ đúng cái sai và gợi mở giải pháp khác phục trên tinh thần xây dựng thì tôi tin rằng doanh nghiệp sẽ không quay lưng với báo chí.

Tôi cho rằng, nguyên tắc cơ bản của đồng hành giữa báo chí với doanh nghiệp là khen phải đúng và chê cũng phải đúng, mang tính xây dựng để vừa hướng doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, vừa có điều kiện để phát triển vươn lên vì lợi ích của chính họ và vì sự phồn thịnh của đất nước.

- Vậy theo ông báo chí của chúng ta đã làm được điều như ông nói chưa?

Bên cạnh những điều báo chí đã làm rất tốt với vai trò phản biện chính sách và thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và là cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, cầu nối doanh nghiệp với thị trường và với đối tác, thì vẫn còn những biểu hiện gây cản trở đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Chẳng hạn như vẫn còn tình trạng thông tin sai sự thật hoặc thổi phồng khiếm khuyết, thông tin một chiều, chỉ xoáy vào yếu tố tiêu cực mà lờ đi tổng thể tích cực,… Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, trong đó có nguyên nhân từ đạo đức nghề nghiệp và năng lực trình độ của một bộ phận phóng viên, biên tập viên còn hạn chế, thiếu sự định hướng đề tài một cách chặt chẽ của lãnh đạo cơ quan báo chí.

Để khắc phục tình trạng nói trên, đòi hỏi phải không ngừng đào tạo, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ báo chí và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ những người làm báo. Mặt khác, phải coi trọng phát triển kinh tế báo chí để đảm bảo đời sống cho người làm báo vì một cơ quan báo chí chuyên nghiệp phải là cơ quan báo chí mà ở đó người làm báo phải sống được bằng chính nghề của mình.

Và một khi đã nói đến phát triển kinh tế báo chí thì không thể không nói đến doanh nghiệp, vì họ không chỉ là nguồn tin mà còn là nguồn cung cấp tài chính lớn nhất cho báo chí. Như vậy, quan hệ báo chí doanh nghiệp, doanh nghiệp - báo chí không chỉ là mối quan hệ đồng hành mà còn là mối quan hệ cộng sinh.

Tin mới lên